Người Việt ít gọi điện, nhắn tin truyền thống

Người Việt ít gọi điện, nhắn tin truyền thống

Tình trạng sụt giảm nhu cầu sử dụng, kéo theo doanh thu đi xuống trong dịch vụ viễn thông di động truyền thống (gọi điện, nhắn tin) đã được dự báo từ lâu. Khi mạng Wi-Fi, 3G/4G/5G và những thiết bị di động có khả năng kết nối internet trở nên phổ biến, người dùng cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng tiện ích từ các ứng dụng di động.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu. Nhiều nhà mạng quốc tế đã chuyển hướng tập trung sang phát triển các gói cước dữ liệu để thu hút khách hàng trong bối cảnh nhu cầu nghe gọi, nhắn tin phổ thông giảm nhưng sức tiêu thụ dịch vụ dữ liệu lại tăng.

Xu hướng này được thể hiện rõ nét ở Việt Nam mỗi dịp lễ, tết. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, dịp đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 tới hết ngày 13.2 (mùng 4 tết), lưu lượng thoại tại Việt Nam giảm 13,23% so với cùng kỳ 2023, chỉ đạt 41,7 triệu Erlang (đơn vị đo lưu lượng). Có 541 triệu tin nhắn SMS được gửi đi trong dịp này, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Nhu cầu gọi điện của người dùng tại Việt Nam đang thay đổi

Nhu cầu gọi điện của người dùng tại Việt Nam đang thay đổi

N.Long

Trong khi đó, dịch vụ dữ liệu đạt tổng lưu lượng 521 TB (1 TB = 1.024 GB), tăng 12,18% so với kỳ nghỉ Tết Quý Mão. Các dữ kiện này cho thấy xu hướng giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống cũng như chiều đi lên của nhu cầu dữ liệu di động của người Việt.

Các nhà mạng di động cũng đưa ra những con số tổng kết tương ứng với xu hướng trên. Theo đó, lưu lượng thoại trên mạng Viettel giảm 15% so với tết năm ngoái (nhưng tăng 10% so với ngày thường), tiêu thụ dữ liệu di động tăng lần lượt 18% và 10%. Tương tự, MobiFone cũng ghi nhận dịch vụ truyền thống giảm 10% còn dịch vụ dữ liệu tăng 10%.

Trước đây, gọi điện và nhắn tin là hoạt động phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt khi khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông để chúc tết, thăm hỏi cũng như trao đổi lịch trình nghỉ lễ với nhau. Điều này khiến mạng di động xảy ra tình trạng "nghẽn", gây mất kết nối ngắn hạn tại một số thời điểm dễ quá tải như đêm giao thừa.

Những năm gần đây, internet phát triển mạnh mẽ, chạm tới từng thiết bị của người dùng. Cùng lúc, hàng loạt ứng dụng OTT, mạng xã hội xuất hiện, dần đi sâu vào thói quen sử dụng dịch vụ hằng ngày của người dùng. Các chương trình này đa phần miễn phí tải về và sử dụng, tính kết nối cao nên được ưa chuộng. Những dịch vụ như nhắn tin, gọi điện qua nền tảng trực tuyến không tốn chi phí viễn thông (chỉ tính phí dữ liệu), do đó người dùng có xu hướng thực hiện việc kết nối qua đây.

Tuy nhiên, việc này cũng có thể gây ra bất tiện khi người dùng ít thực hiện hoạt động phát sinh cước viễn thông. Theo quy định hiện hành, để xác định một cá nhân là "chính chủ" sở hữu SIM số di động, ngoài giấy tờ tùy thân còn phải khai báo được những số liên hệ thường xuyên (số gọi đi, gọi đến). Nếu không gọi điện qua dịch vụ viễn thông truyền thống mà chỉ sử dụng OTT để thực hiện cuộc gọi, chủ thuê bao sẽ thiếu cơ sở để xác thực quyền sở hữu trong trường hợp cần làm lại SIM hoặc yêu cầu cấp mới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận