Khả năng tự động hóa việc lập trình của AI đã không còn là điều mới mẻ, thế nhưng chắc hẳn nhiều người đặc biệt là các lập trình viên sẽ không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy clip dưới đây. Thay vì phải mất nhiều công sức, giờ đây chỉ một thao tác đơn giản cũng có thể tạo ra một website phức tạp với nhiều tính năng khác nhau.
Sử dụng công cụ GPT-4 Vision của OpenAI, người dùng chỉ cần chụp ảnh màn hình trang web mà họ thích là AI có thể tự tạo ra các đoạn mã HTML/Tailwind CSS để làm nên các website có giao diện tương tự với ảnh chụp màn hình nói trên. Trước đây, điều này sẽ tiêu tốn đáng kể công sức cho quá trình này – dù chỉ dựng lại các website với giao diện tương tự.
Không chỉ dựng lại được giao diện website trong nháy mắt, phiên bản ChatGPT trên mô hình GPT-4 mới cũng đã được trang bị nhiều plugin tích hợp khác, giúp trang bị nhiều tính năng khác cho website một cách dễ dàng.
Được OpenAI giới thiệu vào tháng 9 vừa qua, GPT-4 Vision đánh dấu một bước nhảy vọt về khả năng của AI hiểu được đa phương thức nhập liệu khác nhau – bao gồm việc hiểu và diễn tả được các hình ảnh. Tính năng này giúp ChatGPT không chỉ hiểu được nội dung trong hình ảnh này có gì mà còn chỉnh sửa và xử lý theo nhiều cách khác nhau, một trong những khả năng đó là dựa vào hình ảnh có sẵn để tự xây dựng một website theo giao diện tương tự. Kết hợp với công cụ Dall-E cũng của OpenAI, GPT-4 Vision còn có thể tạo ra các hình ảnh tương tự như ảnh chụp màn hình website được nhập vào.
Nhưng liệu điều này có đe dọa đến công việc của các lập trình viên hay không? Trên thực tế, hóa ra điều này lại có thể giúp họ tiết kiệm được đáng kể thời gian và công sức. Trước đây, việc dựng lại một website với giao diện tương tự thôi cũng tốn không ít công sức của các lập trình viên. Bên cạnh đó, các plugin tích hợp trong GPT-4 cũng giúp các lập trình viên trang bị tính năng mới cho các website dễ dàng nhanh chóng hơn thay vì phải lập trình từ đầu.
Giờ đây thay vì phải tự mình làm các công việc đó, các lập trình viên, các nhà phát triển web hay ứng dụng cần khái quát hóa được kiến trúc của ứng dụng hay website mình định xây dựng, phân chia các sản phẩm mình định xây dựng thành các module nhỏ một cách hợp lý. Từ đó tạo ra các lời nhắc phù hợp để AI có thể hỗ trợ hoàn thiện các module này. Cuối cùng là tích hợp, ghép nối các thành phần này lại với nhau, kiểm thử từng công đoạn và sản phẩm cuối.
Điều này nghĩa là thay vì lo ngại các công cụ AI này lấy mất việc làm của mình, hóa ra chúng lại mang đến nhiều lợi ích cho các lập trình viên, những nhà phát triển web hay ứng dụng nếu có thể tận dụng tốt sức mạnh của chúng để xây dựng nên sản phẩm của mình. Nếu khai thác được sức mạnh của các công cụ này, công việc của các lập trình sẽ trở nên nhàn nhã và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.
Không chỉ có lĩnh vực lập trình, AI cũng đang len lỏi vào nhiều ngành nghề khác của cuộc sống. Ngay cả những công việc tưởng chừng như không thể thay thế như nghề người mẫu cũng đang chứng kiến sự hiện diện của AI.
Giờ đây, thay vì phải tìm đến những người mẫu ảnh nổi tiếng để có được các bộ ảnh quảng bá cho dòng sản phẩm thời trang nào đó, nhiều công ty đã sử dụng các công cụ AI mới như Dall-E, Midjourney để tự xây dựng cho mình các "người mẫu ảo" riêng với hình thể hoàn hảo hơn, có thể làm việc bất kể điều kiện thời gian hay thời tiết và quan trọng nhất là tiết kiệm đáng kể chi phí so với các người mẫu thông thường.
Nhưng cũng giống như lĩnh vực lập trình, các người mẫu ảo này khó thay thế hoàn toàn người mẫu thật. Tuy vậy, nó sẽ cắt giảm đáng kể công việc của các người mẫu ảnh hiện tại khi những "người mẫu ảo" này được xem như một giải pháp thay thế với chi phí thấp hơn, tiện dụng hơn, cho các nhãn hiệu thời trang nhỏ, nhưng vẫn có thể quảng bá đến số đông người dùng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: cafef.vn
Tham gia bình luận