Nỗi sợ hãi mới của Mark Zuckerberg

Nỗi sợ hãi mới của Mark Zuckerberg

Nỗi sợ hãi mới của Mark Zuckerberg

Hàng trăm nhân viên Facebook vừa cùng nhau ký tên lên một bức thư gửi tới CEO công ty, ông Mark Zuckerberg. Bức thư này nói lên ý kiến phản đối cách Facebook cho phép các chính trị gia quảng cáo trên nền tảng này sai sự thật.

Nhân viên Facebook đồng loạt bày tỏ quan điểm

Theo New York Times, hơn 250 nhân viên đã ký tên và đăng tải bức thư lên mạng nội bộ của Facebook. Các nhân viên bày tỏ lo ngại rằng Facebook đang "đi ngược lại những cố gắng mà đội ngũ sản phẩm đã làm được trong 2 năm qua".

"Thông tin sai lệch ảnh hưởng tới mọi người. Chính sách kiểm tra thông tin của chúng ta với những người làm chính trị hay đang vận động chính trị là thứ nguy hiểm cho chính Facebook. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ chính sách này", nhóm nhân viên Facebook cho biết.

Vào đầu tháng 10, Facebook bị chỉ trích vì chỉnh sửa chính sách nội bộ của công ty, theo đó các quảng cáo chính trị sẽ không bị bắt buộc phải qua bước thẩm định thông tin. Chính sách của Facebook cấm hoàn toàn các quảng cáo "lừa đảo, thông tin sai lệch", nhưng sau đó mạng xã hội này cho biết quảng cáo của các chính trị gia không bị áp dụng chính sách trên.

Lá thư yêu cầu Facebook thực hiện nhiều thay đổi, như áp dụng chính sách đồng nhất với cả các quảng cáo chính trị, thay đổi thiết kế để người dùng nhận biết quảng cáo chính trị dễ hơn, và giảm đối tượng mục tiêu của các quảng cáo này. Các nhân viên cũng đề nghị Facebook nên dành một khoảng thời gian không cho chạy quảng cáo trước kỳ bầu cử, cũng như hạn chế ngân sách quảng cáo của các ứng viên.

Cơn đau đầu của Mark Zuckerberg

Theo New York Times, đây là lần hiếm hoi nhân viên Facebook lên tiếng thể hiện quan điểm ngược với CEO Zuckerberg. Trong một bài nói chuyện gần đây, ông Zuckerberg bảo vệ quan điểm về các quảng cáo chính trị khi cho rằng đó là quyền tự do bày tỏ quan điểm. Người đứng đầu Facebook còn so sánh cách làm của công ty này với các chính sách của Trung Quốc để thể hiện sự vượt trội.

Trong nội bộ Facebook, số người ủng hộ quan điểm của Mark Zuckerberg không ít. Tuy nhiên, những người phản đối thì cho rằng mạng xã hội này đang không làm đủ vai trò để hạn chế thông tin sai lệch. Đây là điểm khác biệt so với quan điểm vốn khá đồng nhất về nhiệm vụ của Facebook, được hầu hết nhân viên đồng thuận từ trước tới nay.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng như những người đang chạy đua cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 đã lên tiếng chỉ trích việc Facebook điều chỉnh chính sách. Nghị sĩ Elizabeth Warren thậm chí đã cho chạy một quảng cáo nói sai sự thật về Facebook và Mark Zuckerberg để chứng minh sự bất hợp lý của chính sách này.

Một ứng cử viên khác là bà Alexandria Ocasio-Cortez cũng lên tiếng ủng hộ các nhân viên của Facebook, gọi đây là một hành động dũng cảm.

Những nhân viên Facebook ký vào bức thư chỉ là một phần nhỏ trong số 39.000 nhân viên công ty này. Guardian nhận định đây là một ví dụ nữa cho thấy những công ty công nghệ đang làm mất lòng nhân viên của mình như thế nào trước những vấn đề liên quan đến đạo đức.

Vào tháng 8, một nhóm nhân viên của Google đã đứng lên vận động để gây áp lực buộc công ty này dừng việc hợp tác với Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ. Năm 2018, hàng nghìn nhân viên Google cũng tổ chức cuộc tuần hành tại các văn phòng trên khắp nước Mỹ để phản đối các chính sách về quấy rối tình dục của công ty.

Nhiều cuộc tuần hành, bãi công của các nhân viên Amazon cũng được tổ chức từ năm 2018 đến nay để nói lên các vấn đề như biến đổi khí hậu. Vào tháng 2/2019, nhân viên Microsoft cũng vận động để công ty này dừng hợp tác với quân đội Mỹ.

Theo Zing

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận