Theo OECD, nhiều người lao động lo sợ có thể bị AI chiếm mất việc.
OECD là khối 38 thành viên gồm: Úc, Áo, Bỉ, Canada, Chile, Colombia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Anh, Mỹ, Israel, Nga. Trong số này, hầu hết các quốc gia giàu có nhưng cũng có một số nền kinh tế mới nổi như Mexico và Estonia.
Trang SCMP, OECD cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của AI đang có tác động đáng kể đến việc làm, nhưng điều này có thể do cuộc cách mạng AI đang ở giai đoạn đầu.
Các công việc có rủi ro bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở 38 thành viên OECD. Trong đó, công việc tại các quốc gia Đông Âu có nguy cơ bị tự động hóa nhiều nhất, OECD cho biết trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2023.
Theo định nghĩa của OECD, những công việc có rủi ro cao nhất thường sử dụng hơn 25 trong số 100 kỹ năng và khả năng mà các chuyên gia AI cho rằng có thể dễ dàng tự động hóa.
Theo cuộc khảo sát của OECD vào năm ngoái, cứ 5 nhân viên thì có 3 người lo sợ bị AI chiếm mất việc trong 10 năm tới. Cuộc khảo sát đó bao gồm 5.300 nhân viên tại 2.000 công ty trong lĩnh vực sản xuất và tài chính trên 7 quốc gia OECD. Cuộc khảo sát được thực hiện trước sự bùng nổ của generative AI như ChatGPT (do OpenAI phát triển).
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Dù lo lắng về AI, 2/3 số nhân viên từng làm việc với công nghệ này nói rằng tự động hóa khiến công việc của họ bớt nguy hiểm hoặc tẻ nhạt hơn.
“AI cuối cùng sẽ tác động như thế nào đến người lao động tại nơi làm việc và liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không sẽ phụ thuộc vào các biện pháp chính sách mà chúng ta thực hiện”, Mathias Cormann, Tổng thư ký OECD, phát biểu tại một cuộc họp báo.
Ông nói thêm: “Các chính phủ phải giúp người lao động chuẩn bị cho những thay đổi và hưởng lợi từ những cơ hội mà AI sẽ mang lại”.
Theo OECD, mức lương tối thiểu và đàm phán tập thể có thể giúp giảm áp lực mà AI gây ra với tiền lương, trong khi chính phủ và các cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền lợi của người lao động không bị tổn hại.
Vào tháng 3, các nhà nghiên cứu của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs (Mỹ) ước tính rằng 300 triệu nhân viên toàn thời gian toàn cầu có thể bị gián đoạn bởi generative AI như ChatGPT.
Các nền kinh tế tiên tiến đã trải qua sự suy giảm trong tăng trưởng năng suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, ảnh hưởng đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP. Thế nhưng, những tác động này chính xác sẽ là gì vẫn chưa chắc chắn, có thể sẽ thay đổi tùy theo ngành và vai trò của mỗi người.
Theo Goldman Sachs, các hệ thống generative AI có thể tạo ra những nội dung không thể phân biệt được so với hoạt động sáng tạo của con người. Điều này có thể kích hoạt sự bùng nổ năng suất, giúp nâng GDP toàn cầu tăng thêm 7% hàng năm trong 10 năm tới.
“Sự kết hợp giữa tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho những người lao động không bị đào thải mở ra khả năng cho cuộc cách mạng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chúng tôi ước tính rằng AI có thể giúp tăng GDP toàn cầu hàng năm lên 7%”, theo báo cáo của Goldman Sachs.
Báo cáo này nhận định những tiến bộ đột phá của AI có thể giúp tự động hóa 25% khối lượng công việc hiện nay ở Mỹ và khu vực 20 nước sử dụng đồng euro (eurozone).
Nếu chứng minh được như kỳ vọng, generative AI cũng sẽ gây ra sự rối loạn đáng kể trên thị trường lao động, có thể khiến tương đương 300 triệu công việc ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ châu Âu bị tự động hóa, Joseph Briggs và Devesh Kodnani, hai tác giả của báo cáo nhận định.
Báo cáo cho rằng công việc của luật sư và nhân viên hành chính sẽ nằm trong số những công việc có nguy cơ dư thừa cao nhất do sự phổ cập của generative AI.
Ước tính khoảng 2/3 số lượng công việc ở Mỹ và châu Âu có rủi ro bị tự động hóa ở một mức độ nhất định vì sự xuất hiện của generative AI. Hầu hết người lao động ở hai nền kinh tế này sẽ chứng kiến dưới 50% khối lượng công việc của họ được tự động hóa. Những người lao động này sẽ tiếp tục làm việc nhưng một phần thời gian của họ được chuyển sang cho các hoạt động hiệu quả hơn.
Ở Mỹ, generative AI sẽ đảm nhận bớt phần việc của 63% lực lượng lao động. Báo cáo của Goldman Sachs nhận định khoảng 7% lực lượng lao động Mỹ đang làm những công việc mà ít nhất một nửa khối lượng nhiệm vụ của họ có thể thực hiện thông qua AI và rất dễ bị thay thế. Các công việc tay chân hoặc ngoài trời, không đòi hỏi tính sáng tạo cao, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Goldman Sachs cũng chỉ ra tác động tương tự của generative AI với thị trường việc làm của châu Âu. Ở cấp độ toàn cầu, do công việc chân tay chiếm tỷ trọng lớn hơn ở thị trường việc làm của các nước đang phát triển, Goldman Sachs ước tính AI có thể đảm nhận khoảng 20% trong tổng số công việc hiện nay.
Các ước tính của Goldman Sachs dựa trên phân tích dữ liệu của Mỹ và châu Âu về các nhiệm vụ thường được thực hiện trong hàng ngàn nghề nghiệp khác nhau. Các nhà nghiên cứu Goldman Sachs nhận định AI sẽ có khả năng thực hiện những nhiệm vụ như hoàn thành tờ khai thuế cho doanh nghiệp nhỏ; đánh giá một yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm phức tạp, hoặc ghi lại kết quả điều tra hiện trường vụ án… Tuy nhiên, họ không cho rằng AI sẽ được ứng dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm hơn như phán quyết của tòa án, kiểm tra tình trạng bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, hoặc nghiên cứu luật thuế quốc tế.
Báo cáo trên có thể châm ngòi cuộc tranh luận về tiềm năng của AI trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng năng suất đang trì trệ ở các nước giàu cũng như tạo ra một thế hệ nhân viên “cổ cồn trắng” (thuật ngữ để chỉ người làm công việc văn phòng hoặc trí óc) bị AI giành việc.
Một nghiên cứu của OpenAI cho thấy generative AI có thể đảm nhận ít nhất 10% nhiệm vụ của 80% lực lượng lao động ở Mỹ.
AI có thể khiến 800.000 người Hồng Kông mất việc hoặc đổi nghề vào năm 2028
Theo nghiên cứu của công ty tuyển dụng Venturenix, khoảng 1/4 lực lượng lao động Hồng Kông sẽ mất việc hoặc phải thay đổi nghề nghiệp trong 5 năm tới khi AI thay thế công việc của họ.
Báo cáo cho biết nhân viên nhập liệu, nhân viên hành chính và đại diện dịch vụ khách hàng có sự khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang số hóa khi công việc của họ bị loại bỏ trong những năm tới.
Các công nghệ dựa trên AI có thể sẽ ảnh hưởng đến khoảng 800.000 nhân viên, tương đương 25% tổng lực lượng lao động của Hồng Kông.
Báo cáo của Venturenix, nhà tuyển dụng tập trung chủ yếu vào công nghệ thông tin (CNTT), cho biết: “Khi các ứng dụng AI thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, ngay cả những nghề truyền thống được trả lương cao như luật sư và dịch giả cũng bị ảnh hưởng. Các họa sĩ minh họa và người sáng tạo nội dung cũng có nhiều khả năng bị thay thế hơn”.
Sự phổ biến rộng rãi của ChatGPT, chatbot AI được OpenAI phát hành vào tháng 11.2022 và Microsoft hậu thuẫn, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất việc làm lớn vì nó cùng các công nghệ tương tự có khả năng trò chuyện như con người.
Yin Ran, nhà đầu tư thiên thần ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), nói: “Số lượng việc làm bị ảnh hưởng không phải là điều bất ngờ vì AI và các công nghệ kỹ thuật số mới khác đang mang lại những thay đổi lớn cho nhiều ngành công nghiệp. Thành thật mà nói, không dễ để gọi tên một ngành không bị ảnh hưởng bởi AI”.
Tại Trung Quốc, những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, Baidu, SenseTime đã tung ra các chatbot AI của riêng họ với hy vọng nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính và dịch vụ y tế.
Theo Venturenix, nhiều công ty Hồng Kông đang yêu cầu nhân viên ở những vị trí trước đây không cần kinh nghiệm CNTT học cách sử dụng ChatGPT.
Dicky Yuen, giám đốc một công ty tuyển dụng có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Những nhân viên ở các vị trí phi kỹ thuật không hiểu cách sử dụng AI hoặc thậm chí không hiểu mã lập trình, sẽ dần bị loại bỏ trong vài năm tới. Những nhân viên hiểu AI và có thể tích hợp AI tốt hơn vào quy trình làm việc sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả công việc và có cơ hội tăng lương, thăng tiến cao hơn so với những người không hiểu về nó”.
Venturenix cũng nhận thấy rằng Hồng Kông đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nhân tài CNTT. Khoảng 4.000 chuyên gia CNTT đang tìm kiếm việc làm mỗi tháng, nhưng có tới 7.400 vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực này, báo cáo của Venturenix cho biết.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận