Dựa vào hồ sơ trên trang web của Văn phòng Nhãn hiệu thuộc Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc (CNIPA), OpenAI đã đăng ký GPT-6, GPT-7 vào nhóm 9 (dành cho thiết bị, dụng cụ sử dụng cho mục đích khoa học hoặc nghiên cứu) và nhóm 42 (dịch vụ, thiết kế công nghệ). Đơn đăng ký của OpenAI hiện được cơ quan xem xét.
Mặc dù OpenAI không có dịch vụ nào được phát hành chính thức tại Trung Quốc, công ty đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường AI này. Vào tháng 4, OpenAI nộp hồ sơ đăng ký cho "GPT-4" và "Whisper", sau đó tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cho "GPT-5" trong tháng 7. Tuy nhiên chưa có nhãn hiệu nào được CNIPA chấp thuận.
Một năm kể từ khi ChatGPT ra mắt, OpenAI đã không ngừng nâng cao khả năng và cải thiện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). ChatGPT ban đầu được xây dựng trên GPT-3.5, có 175 tỉ tham số. Vào tháng 3, OpenAI ra mắt GPT-4 nhưng không tiết lộ nó có bao nhiêu tham số. Theo Semafor, tổng số tham số của GPT-4 ước tính lên tới hơn 1.000 tỉ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào tháng 11, CEO OpenAI Sam Altman cho biết công ty đang phát triển GPT-5 và có kế hoạch huy động thêm vốn từ Microsoft để hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Thông tin này được công bố chỉ vài ngày trước khi hội đồng quản trị OpenAI sa thải Sam Altman. Trước sự phản đối của các nhà đầu tư và hơn 700 nhân viên công ty, ông Altman đã trở lại vị trí CEO chỉ sau 5 ngày.
Một trong những lý do đằng sau quyết định gây sốc của hội đồng quản trị được cho là một số nhà nghiên cứu lo ngại về sự phát triển AI mạnh mẽ có thể đe dọa đến loài người. Sau khi trở lai công ty, Sam Altman tuyên bố ưu tiên hàng đầu của OpenAI là thúc đẩy kế hoạch nghiên cứu, đồng thời nỗ lực phát triển AI an toàn.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận