Theo Universe Today, thiên hà Nube mờ tới nỗi dự án nổi tiếng Khảo sát bầu trời sâu Sloan (SDSS) đã bỏ sót nó. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã may mắn khi một chương trình khảo sát khác mang tên Dự án Di sản IAC Stripe82 vô tình thấy nó, một vật thể gần như trong suốt.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Mireia Montes từ Viện Vật lý Thiên văn Canarias (IAC - Tây Ban Nha) đã phân tích và khẳng định Nube chủ yếu làm bằng vật chất tối.
"Thiên hà ma quỷ" này là một thiên hà lùn "gần như tối", có khối lượng tương đương Đám mây Magellan nhỏ, là một trong các thiên hà vệ tinh của thiên hà Milky Way (Ngân Hà) mà hành tinh của chúng ta thuộc về.
Kết quả đến từ quan sát bổ sung sử dụng Kính viễn vọng Green Bank (đặt tại Mỹ), cho thấy "thiên hà ma quỷ" cách chúng ta khoảng 350 triệu năm ánh sáng.
Nó là một thiên hà cực kỳ khuếch tán, nặng gấp 26 tỉ lần Mặt Trời nhưng tổng khối lượng sao của nó chỉ bằng 390 triệu lần Mặt Trời, cho thấy một thứ đen tối, vô hình đang chiếm giữ.
Thứ vô hình đó chính là vật chất tối, một loại vật chất giả thuyết được cho là chiếm giữ phần lớn vũ trụ, thậm chí đang bao vây Trái Đất mà chúng ta không thể thấy hay cảm nhận được.
Một nửa khối lượng của Nube được trải rộng trên vùng không gian rộng 22.000 năm ánh sáng và là thiên hà siêu khuếch tán lớn nhất từng được các nhà khoa học biết đến.
Theo các tác giả, nghiên cứu về "thiên hà ma quỷ" Nube sẽ là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học trả lời những câu hỏi về vật chất tối.
Đồng thời, nó mang lại hy vọng rằng còn rất nhiều thiên hà lùn dạng "thiên hà ma quỷ" như thế, chỉ là chúng ta chưa để ý tới, chưa thấy được bởi chúng quá mờ và hầu như trong suốt như một bóng ma.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận