“Bộ Truyền thông ra lệnh cho các công ty internet ngừng hoạt động các ứng dụng nói trên, thứ mà những kẻ khủng bố và các nhóm vô đạo đức sử dụng để liên tục truyền bá những hình ảnh khủng khiếp và thông tin sai lệch tới công chúng”, ông Jama Hassan Khalif vừa cho biết.
Lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ internet thời hạn đến ngày 24.8 để tuân thủ.
Các thành viên nhóm nổi dậy al Shabaab thường đăng về hoạt động của họ trên TikTok và Telegram.
Quyết định cấm TikTok, Telegram và 1XBet được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Somalia - Hassan Sheikh Mohamud tuyên bố thực hiện cuộc tấn công quân sự chống lại al Shabaab nhằm loại bỏ nhóm có liên hệ với al Qaeda trong 5 tháng tới.
TikTok, Telegram và 1XBet không trả lời câu hỏi tìm bình luận của hãng tin Reuters.
1XBet phổ biến ở Somalia (nước châu Phi hơn 17,41 triệu dân) để cá cược, đặc biệt là các trận bóng đá.
TikTok bị đe dọa cấm ở Mỹ vì bị cáo buộc có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Montana trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này vào tháng 5.
Có hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ nhưng TikTok đang ngày càng gặp khó khăn do các mối lo ngại về an ninh.
Cách đây 4 ngày, thành phố New York (Mỹ) thông báo cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính quyền do các mối lo ngại về an ninh. Thị trưởng New York - Eric Adams nêu rõ TikTok "đặt ra mối đe dọa an ninh với các mạng lưới kỹ thuật của thành phố”.
Theo yêu cầu, các cơ quan của thành phố New York phải gỡ bỏ TikTok trong vòng 30 ngày, còn các nhân viên sẽ không được truy cập ứng dụng và trang web TikTok trên các thiết bị công vụ.
Thời gian qua, nhiều nhà làm luật Mỹ kêu gọi cấm sử dụng TikTok trên toàn quốc do lo ngại vấn đề an ninh. Về phần mình, TikTok khẳng định đã triển khai biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và an ninh với người dùng. Lãnh đạo công ty con của ByteDance (Trung Quốc) khẳng định không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc.
TikTok bị cấm ở những đâu?
Ngày 6.3, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố sẽ cấm sử dụng TikTok với nhân viên trực thuộc các đơn vị chính thức, như một biện pháp để đảm bảo an ninh mạng và an ninh quốc phòng. Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết cơ quan tình báo nước này đã đánh giá cao nguy cơ TikTok bị lợi dụng cho mục đích gián điệp.
Các nhân viên Bộ Quốc phòng Đan Mạch bị yêu cầu phải gỡ bỏ TikTok trên thiết bị của mình ngay lập tức, nếu họ từng cài đặt ứng dụng này trước đó.
Ngày 16.3, Anh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
"Vì rủi ro đặc biệt với các thiết bị của chính phủ có thể chứa thông tin nhạy cảm, việc hạn chế sử dụng một số ứng dụng nhất định là điều cần thiết thận trọng và phù hợp”, chính phủ Anh cho hay.
Các nhà phê bình đánh giá chính phủ Anh đã cấm TikTok quá muộn.
Các động thái tương tự đã được thực hiện ở Bỉ, Canada, Scotland, nghị viện châu Âu và New Zealand khi giới lãnh đạo viện dẫn lý do an ninh quốc gia.
Ngày 24.3, Pháp đã cấm ban hành lệnh cấm cài đặt các ứng dụng giải trí, gồm cả TikTok và Netflix, trên các thiết bị làm việc của 2,5 triệu công chức quốc gia này. Lệnh cấm không áp dụng cho smartphone cá nhân của các công chức, không được sử dụng cho mục đích công việc.
"Sau khi phân tích nhiều vấn đề, đặc biệt về mặt bảo mật, chính phủ đã quyết định cấm tải xuống và cài đặt các ứng dụng giải trí trên smartphone được cấp cho công chức nhà nước để phục vụ công việc", chính phủ Pháp cho biết.
Chính quyền Biden cho biết các chủ sở hữu TikTok phải thoái vốn cổ phần của họ nếu không muốn đối mặt với lệnh cấm ứng dụng này tại Mỹ. Luật mới cho phép Nhà Trắng cấm các hãng công nghệ dựa trên các mức độ về rủi ro bảo mật.
Đầu tháng 8, chính phủ Senegal đã áp đặt lệnh cấm tạm thời với TikTok trên tất cả mạng điện thoại không dây. Không dừng lại ở đó, chính phủ Senegal đã chặn quyền truy cập toàn bộ internet trên thiết bị di động trong 5 ngày hoặc có thể lâu hơn.
Thời điểm đó, Moussa Bocar Thiam (Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Senegal) cho biết rằng việc cắt internet nhằm ngăn chặn sự lan truyền “các thông điệp thù địch và phản cách mạng của những cá nhân đe dọa gây bất ổn cho tình hình trong nước”. Ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Senegal kể từ khi Ousmane Sonko, nhà lãnh đạo phe đối lập bị bắt và kết tội làm suy đồi đạo đức thanh niên.
Vào tháng 6.2020, Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác của các nhà phát triển Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ cáo buộc các ứng dụng này có khả năng gây hại đến tính chất an ninh và toàn vẹn quốc gia.
Pakistan đã cấm TikTok ít nhất 4 lần, với lệnh cấm mới kết thúc vào tháng 11.2022. Chính phủ Pakistan cho rằng các nội dung trên TikTok là không đứng đắn.
Chính quyền Taliban của Afghanistan đã cấm TikTok vào tháng 4.2022 với lý do bảo vệ thanh niên khỏi "lầm đường lạc lối" và nội dung TikTok không phù hợp với luật Hồi giáo của quốc gia này.
Vào tháng 12.2022, Đài Loan cũng cấm TikTok và một số ứng dụng khác của Trung Quốc trên các thiết bị chính quyền. Đài Loan đã tiến hành cuộc điều tra ứng dụng trên mạng xã hội về các hoạt động bị nghi ngờ là bất hợp pháp tại hòn đảo này.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận