Sự thật đằng sau nhiều bức tượng cổ đại bị gãy mũi

Sự thật đằng sau nhiều bức tượng cổ đại bị gãy mũi

Những bức tượng như David của Michelangelo, The Thinker của Auguste Rodin không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật chiêm ngưỡng đơn thuần, nó còn thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao của người cổ đại. Tuy nhiên, qua nhiều năm, các nhà sử học đã tìm thấy một số bức tượng cổ đại có điểm chung hay bị gãy mũi, cánh tay, tai, .v.v… 

Điều này đặt ra câu hỏi: “Ai đã làm xấu các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa này?”. Câu hỏi không chỉ thu hút các nhà sử học, mà cả các nhà phê bình nghệ thuật, cũng như những người đam mê nghệ thuật. Dưới đây là một vài lý do có thể dẫn đến hiện tượng này.

Tượng Nhân sư vĩ đại của Ai Cập bị gãy mũi. (Ảnh: istockphoto)

Tượng Nhân sư vĩ đại của Ai Cập bị gãy mũi. (Ảnh: istockphoto)

Kẻ xâm lược muốn vô hiệu hóa yếu tố thần bí mà các bức tượng cổ đại sở hữu

Một trong những lý do thú vị nhất dẫn đến việc các bức tượng cổ hay bị đứt mũi có liên quan đến yếu tố thần bí. Trong một số nền văn hóa cổ đại, chẳng hạn như người Ai Cập, họ tin rằng các bức tượng sở hữu một “sinh lực” gì đó của riêng mình. 

Người Ai Cập không tin rằng một bức tượng “sống” được theo đúng nghĩa đen, nhưng họ tin rằng, có luồng sinh lực đã đi vào bức tượng thông qua bộ phận mũi. 

Để ngăn chặn luồng sinh lực đó xâm nhập vào bức tượng, kẻ thù xâm chiếm sẽ kiếm cách vô hiệu hóa bức tượng bằng cách làm gãy mũi. Trong quá khứ, người ta tin rằng điều này đã giết chết bức tượng. Đây cũng được gọi là hệ quả từ chủ nghĩa bài trừ thánh tượng.

Edward Bleiberg, người phụ trách phòng trưng bày nghệ thuật Ai Cập của Bảo tàng Brooklyn, nói rằng: “Trước đây, người ta cho rằng một bộ phận trên bức tượng khi bị phá hủy sẽ khiến nó không thể thực hiện được chức năng của mình. Việc cắt đôi tai sẽ khiến bức tượng không thể nghe được lời cầu nguyện của những người sùng đạo. Việc bẻ gãy cánh tay trái khiến bức tượng không thể ban phước lành cho những người sùng đạo bằng lễ vật". 

Những người cai trị mới phá tượng vì muốn xóa bỏ văn hóa, lịch sử của chúng

Qua nhiều thời đại, các bức tượng cổ đại đã phải chịu đựng sự tàn phá của vô số trận chiến khốc liệt. Những công trình này không chỉ thường xuyên bị hư hại trong chiến tranh, mà nó còn là mục tiêu của những kẻ thống trị mới nhằm khẳng định quyền lực của mình, bằng cách họ sẽ bôi xấu và đập vỡ tượng có từ triều đại cũ.

Theo Rachel Kousser, giáo sư nghệ thuật cổ đại tại Đại học Thành phố New York, mọi nền văn hóa trong thế giới cổ đại đều tuân theo tập tục này. Bằng cách làm xấu các bức tượng, điều này sẽ gián tiếp xóa bỏ và làm mất uy tín lịch sử của người cai trị chế độ cũ.

Một bức tượng không có mũi của pharaon Ramses II ở Ramesseum, Luxor, Ai Cập. (Ảnh: LBM1948/Wikimedia.org)

Một bức tượng không có mũi của pharaon Ramses II ở Ramesseum, Luxor, Ai Cập. (Ảnh: LBM1948/Wikimedia.org)

Thời gian cũng tàn phá các bức tượng

Giống như nhiều thứ do con người tạo ra, ngay cả những bức tượng cổ đại cũng không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời gian. Cộng với việc các bức tượng phải tiếp xúc khí hậu, thời tiết cực đoan ngoài trời, tất cả có thể khiến bức tượng xuống cấp dần dần, gây ra hiện tượng vỡ cấu trúc, bộ phận và bị xói mòn. 

Tượng Nhân sư vĩ đại nổi tiếng ở Giza gây chú ý với chiếc mũi bị mất. (Ảnh: Steampowered)

Tượng Nhân sư vĩ đại nổi tiếng ở Giza gây chú ý với chiếc mũi bị mất. (Ảnh: Steampowered)

Chung quy lại, có thể lấy yếu tố thời gian để giải thích một số hư hại xảy ra trên các bức tượng cổ đại, nhưng cả chủ nghĩa bài trừ thánh tượng, hay xóa bỏ nền văn hóa cai trị cũ cũng là những nguyên nhân nổi bật không thể bỏ qua.

HUỲNH DŨNG(Nguồn: Unbelievable-facts)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận