Thủ tướng Malaysia gọi điện cho Elon Musk, thảo luận về Starlink và khoản đầu tư từ Tesla

Thủ tướng Malaysia gọi điện cho Elon Musk, thảo luận về Starlink và khoản đầu tư từ Tesla

Tôi hoan nghênh sự quan tâm và quyết định đầu tư vào Malaysia từ công ty (Tesla - PV) cũng như thiện chí đến Malaysia của Elon Musk”, ông Anwar Ibrahim nói trong một tuyên bố, theo hãng tin Reuters.

Đầu năm nay, Malaysia đã phê duyệt đơn đăng ký của Tesla để nhập khẩu ô tô điện chạy bằng pin vào quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia, Tesla sẽ mở văn phòng, phòng trưng bày và trung tâm dịch vụ tại nước này cũng như thiết lập một mạng lưới các trạm sạc cho ô tô điện của mình.

Ông Anwar Ibrahim cho biết hoạt động của Tesla tại Malaysia sẽ bắt đầu trong năm nay.

Thủ tướng Malaysia tiết lộ hai người cũng đã thảo luận về Starlink, dịch vụ internet vệ tinh do Elon Musk khởi xướng và được điều hành bởi công ty SpaceX của ông.

thu-tuong-malaysia-goi-dien-cho-elon-musk-thao-luan-ve-starlink.jpg
Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết đã tổ chức một cuộc gọi với Elon Musk để thảo luận về việc Tesla đầu tư vào Malaysia và Starlink - Ảnh: Reuters

Starlink là dự án triển khai một mạng lưới vệ tinh toàn cầu của hãng hàng không vũ trụ SpaceX. Mục tiêu của Starlink là cung cấp kết nối internet nhanh chóng và đáng tin cậy cho các vùng không được phủ sóng mạng và các khu vực hẻo lánh trên toàn thế giới.

Starlink sử dụng hàng ngàn vệ tinh nhỏ đặt ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp để tạo ra mạng lưới liên lạc không dây, cho phép truyền tải dữ liệu giữa các vệ tinh và các đầu thu nhận tín hiệu từ người dùng cuối. SpaceX hiện có hơn 4.000 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo với lần phóng gần nhất vào cuối tháng 5.

Gói dịch vụ internet mới của Starlink cho phép sử dụng kết nối vệ tinh ở hầu hết khu vực trên thế giới với giá 200 USD mỗi tháng.

Hồi tháng 2, SpaceX cho biết bắt đầu cung cấp thử nghiệm dịch vụ Chuyển vùng toàn cầu dành cho người dùng ở những nơi chưa triển khai Starlink. Ngoài gói cước 200 USD mỗi tháng, người dùng phải mua thêm thiết bị kết nối Starlink Kit giá 599 USD.

Elon Musk cùng các công ty của ông gần đây rất quan tâm đến thị trường Đông Nam Á.

Tesla giảm giá ô tô điện ở Singapore

Giữa tháng 4, Tesla giảm giá ô tô điện của mình tại Singapore. Công ty ô tô điện Mỹ đã thông báo rằng các loại ô tô điện Model 3 và Model Y mới sẽ được giảm giá từ 4.000 đến 5.000 đô la Singapore, tương đương 3.000 đến 3.800 USD.

Tesla cho biết mục tiêu của công ty là làm cho việc sở hữu ô tô điện tại Singapore "phù hợp với túi tiền hơn". Song với nhiều người, đây là mức giảm không nhiều.

Việc điều chỉnh giá của Tesla diễn ra trước khi khoản phí giấy chứng nhận quyền sở hữu xe cơ giới (COE) được thêm vào chi phí bán lẻ của ô tô. Tất cả ô tô tại Singapore đều phải có COE. Đây là giấy phép cho phép các cá nhân sở hữu và vận hành phương tiện ở đảo quốc sư tử trong 10 năm.

"Tesla đặt mục tiêu truyền đạt giá trị từ việc tiết kiệm chi phí hiệu quả trực tiếp đến tất cả khách hàng và đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững tại Singapore bằng ô tô điện giá cả phải chăng", công ty Mỹ cho biết trong thông cáo báo chí.

thu-tuong-malaysia-goi-dien-cho-elon-musk-thao-luan-ve-starlink1.jpg
Tesla Model 3

Dù Tesla chưa công khai chi phí COE ô tô điện của hãng, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore tuyên bố rằng COE có giá trung bình khoảng 74.000 đô la Singapore cho một chiếc ô tô cơ bản, tính đến tháng 6.2022. Điều này đồng nghĩa có khả năng COE của ô tô điện Tesla đắt hơn so với giá bán lẻ thực sự của nó.

Thế nhưng, ô tô điện Tesla vẫn được hưởng một số chiết khấu từ chính phủ Singapore vì chính quyền địa phương đang cố gắng khuyến khích người dân sở hữu xe điện.

Trong thông cáo báo chí, Tesla cho biết chi phí dành các chiếc ô tô điện của mình có thể được hoàn lại lên đến 45.000 đô la Singapore ở chương trình khuyến mại sớm sở hữu xe điện và chương trình hạn chế khí thải phát từ các phương tiện.

Theo trang Insider, Singapore là quốc gia bán ô tô đắt nhất thế giới. Trong khi một chiếc sedan nhỏ gọn có giá trung bình khoảng 125.000 đô la Singapore ở quốc gia Đông Nam Á, chiếc sedan hạng phổ thông có giá chỉ khoảng 10.000 USD tại Mỹ, theo trang Edmunds (có trụ sở tại bang California, Mỹ).

Ngoài COE, ô tô ở Singapore còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cùng thuế hàng hóa và dịch vụ (phí đăng ký bổ sung). Khoản chiết khấu và phụ phí giá cả phụ thuộc vào lượng khí thải carbon của phương tiện.

Tesla bán ô tô điện ở Thái Lan giá rẻ bất ngờ

Đầu tháng 12.2022, Tesla đã bắt đầu bán Model 3 và Model Y tại Thái Lan với giá khởi điểm rẻ bất ngờ nhằm cạnh tranh với các ô tô điện của Trung Quốc, chẳng hạn BYD.

Tesla cho biết Model Y được bán với ba phiên bản “để đáp ứng nhu cầu cụ thể về phong cách sống cho mọi tài xế Thái Lan”. Giá ô tô điện Tesla ở Thái Lan sẽ dao động từ 1,76 triệu baht Thái - 2,5 triệu baht (50.800 - 71.200 USD).

Thời điểm đó, Tesla tổ chức một buổi giới thiệu hoành tráng về các kế hoạch của mình tại trung tâm mua sắm Siam Paragon ở Bangkok (thủ đô Thái Lan).

Giá thấp hơn nhiều so với chúng tôi mong đợi. Về vấn đề dịch vụ sau bán hàng, tôi không lo lắng quá nhiều về điều đó vì các bộ phận của ô tô điện không phức tạp lắm so với xe động cơ đốt trong", theo Wit Wongngamdee, người đã tham dự sự kiện của Tesla cùng vợ. Anh dự định đặt hàng một trong các mẫu ô tô điện này.

Apichat Prasitnarit, một người mua ô tô điện Tesla tiềm năng khác, nói rất ngạc nhiên với mức giá này, đồng thời cho biết: “Các thương hiệu của các quốc gia khác cũng tung ra ô tô của họ ở đây, nên chúng tôi có nhiều lựa chọn và điều đó thật tuyệt vời cho người tiêu dùng”.

Tesla mở trung tâm dịch vụ và trạm sạc nhanh đầu tiên tại Thái Lan vào tháng 3.2023. Công ty Mỹ lên kế hoạch có ít nhất 10 trung tâm được thành lập tại quốc gia này vào năm 2023.

Nithi Thuamprathom, chuyên gia về ô tô của kênh Auto Life Thái Lan, cho biết Tesla có thể sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thị trường xe điện ở Thái Lan, phần lớn nhờ vào giá cả cạnh tranh và giá trị thương hiệu, vốn là lợi thế so với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD.

Ông nói: “Thật không thể tin được Tesla lại công bố mức giá khởi điểm (mẫu xe rẻ nhất của hãng) là 1,7 triệu baht Thái. Đó là mức giá của ô tô Nhật Bản với động cơ đốt trong hoặc động cơ hybrid”.

Tuy nhiên, Thái Lan chủ yếu vẫn là vùng đất của các phương tiện chạy bằng xăng, dầu diesel và LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), ngay cả khi mạng lưới các trạm sạc ô tô điện trên toàn quốc được mở rộng.

Xu hướng ô tô điện đang phát triển ở Thái Lan và sự chấp nhận của người tiêu dùng ngày càng tăng. Thế nhưng, chúng ta phải chấp nhận rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu. Nó đang ở giai đoạn tiên phong”, Nithi Thuamprathom nhận xét.

Tesla kí hợp đồng 5 tỉ USD với Indonesia để mua nguyên liệu sản xuất pin ô tô điện

Đầu tháng 8.2022, Tesla đã ký hợp đồng trị giá khoảng 5 tỉ USD để mua nguyên liệu sản xuất pin ô tô điện từ các công ty chế biến niken ở Indonesia.

Indonesia kêu gọi Tesla thành lập một cơ sở sản xuất tại quốc gia có trữ lượng niken lớn. Tổng thống Indonesia - Joko Widodo từng gặp Elon Musk để thúc đẩy đầu tư.

"Chúng tôi vẫn đang đàm phán liên tục với Tesla, nhưng họ đã bắt đầu mua hai sản phẩm xuất sắc từ Indonesia", Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, cho biết.

Ông nói Tesla đã ký hợp đồng 5 năm với các công ty chế biến niken hoạt động ngoài tỉnh Morowali Regency ở đảo Sulawesi. Vật liệu niken sẽ được sử dụng trong pin lithium của Tesla.

Có trữ lượng niken lớn nhất thế giới và đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng niken, Indonesia đang trở thành một nơi không thể thiếu với ngành công nghiệp ô tô điện vốn sử dụng rộng rãi kim loại này.

Theo Reuters, chỉ trong 3 năm, Indonesia đã ký hơn 12 thỏa thuận trị giá hơn 15 tỉ USD để sản xuất pin và ô tô điện trong nước với các nhà sản xuất bao gồm Hyundai Motor, LG Group và Foxconn.

Mục tiêu tiếp theo của Indonesia là Tesla. Tổng thống Joko Widodo đã tìm mọi cách để thuyết phục Elon Musk sản xuất ô tô điện hoặc pin tại nước mình.

"Tôi rất tin tưởng ngành công nghiệp này sẽ phát triển nhanh chóng", ông Joko Widodo cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

SpaceX đưa vệ tinh viễn thông lớn nhất Indonesia lên quỹ đạo

Tháng 6 vừa qua, SpaceX đưa vệ tinh viễn thông lớn nhất Indonesia là SATRIA-1 lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Falcon-9. Đây là một phần trong dự án 540 triệu USD xoá vùng lõm internet của quốc gia Đông Nam Á.

Hiện 2/3 trong tổng số 280 triệu dân nước này đã được sử dụng internet, song khả năng kết nối vẫn bị hạn chế tại các hòn đảo xa xôi phía đông, kém phát triển hơn.

Công nghệ vệ tinh sẽ giúp tăng tốc đưa truy cập internet đến những ngôi làng hẻo lánh mà mất đến 10 năm nữa cáp quang cũng chưa thể xuất hiện”, Mahfud MD, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia, cho biết.

Vệ tinh SATRIA-1 nặng 4,5 tấn, được chế tạo bởi hãng Thales Alenia Space và phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa Falcon 9 tại bảng Florida (Mỹ). SATRIA-1 bay trên khu vực Papua, phía đông Indonesia.

Theo chính phủ Indonesia, khi đi vào hoạt động, SATRIA-1 là loại vệ tinh lớn nhất cho đến nay của Indonesia, cung cấp truy cập internet tới 50.000 điểm dịch vụ công cộng với công suất 150 gigabyte/giây. Dự án có sự hợp tác giữa chính phủ và công ty cung cấp dịch vụ vệ tinh PT Satelit Nusantara Tiga (Indonesia).

Đầu năm 2023, SpaceX cũng chính thức cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Philippines.

Trang web SpaceX cho thấy các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Brunei, Singapore, Indonesia và Campuchia dự định triển khai dịch vụ vào năm 2023, còn Lào là năm 2024.

Theo Reuters, SpaceX là 1 trong hơn 50 công ty tham gia" chuyến công du kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ tới Việt Nam cuối tháng 3 để thảo luận về cơ hội đầu tư và bán hàng ở nước ta.

Hơn 50 công ty, gồm cả quốc phòng, dược phẩm và công nghệ, sẽ tham gia trong chuyến công tác tới Việt Nam được tổ chức bởi Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN (tổ chức ngành công nghiệp).

Động thái này là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đến Việt Nam. Với dân số 100 triệu người, Việt Nam có thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng.

Đây là sứ mệnh lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam”, ông Vũ Tú Thành, đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tại Việt Nam, cho biết. Ông Vũ Tú Thành lưu ý rằng Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đã tổ chức các sự kiện này trong ba thập kỷ.

Phần lớn các công ty tham gia sứ mệnh kinh doanh này đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam, gồm cả Apple, Coca-Cola và PepsiCo, theo ông Vũ Tú Thành. Một số công ty Mỹ đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành nói một số công ty quan tâm đến Việt Nam như một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho các khách hàng ngày càng giàu có trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%. Trong số này có SpaceX, công ty đang tìm cách bán dịch vụ internet vệ tinh Starlink của mình cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận