Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hướng tới mục tiêu xây dựng thành công kho bạc số

Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hướng tới mục tiêu xây dựng thành công kho bạc số

Năm 2021, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. (Ảnh: Internet)

Trong những năm qua, KBNN đã xây dựng, vận hành một loạt các hệ thống CNTT cốt lõi nhằm phục vụ các chức năng của KBNN. Đến nay, KBNN cơ bản đã hình thành Kho bạc điện tử và đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành công kho bạc số trong tương lai.

Mục tiêu của KBNN đến năm 2030 là xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), các cơ quan nhà nước (CQNN).

Từ những kết quả số hóa thành công…

Xác định hiện đại hóa hoạt động trên nền tảng CNTT hiện đại để chủ động hội nhập và phát triển, thời gian qua, hệ thống KBNN đã tập trung đầu tư nghiên cứu và triển khai xây dựng hạ tầng số như: hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hệ thống chương trình thanh toán song phương điện tử; thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu với ngân hàng; kho dữ liệu; hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động… qua đó giúp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng hiệu quả quản lý vận hành của hệ thống KBNN.

Theo báo cáo của KBNN, năm 2021, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Đến nay, hầu hết khoản thu - chi qua KBNN đều được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; cao điểm có khoảng 200.000 giao dịch/ngày.

Việc đẩy mạnh triển khai DVCTT đã góp phần CCHC mạnh mẽ của KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet nên giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, DVCTT cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận, hồ sơ, kiểm soát thanh toán, tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, nâng cao hiệu quả kiểm soát chi và sử dụng vốn NSNN.

Về phía các đơn vị KBNN, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVC đảm bảo thời gian tiếp nhận hồ sơ và kiểm soát chi đúng theo quy định. Đồng thời, làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi và hình thành quy trình kiểm soát chi điện tử tiến tới hình thành kho bạc số.

Số hóa hoạt động của KBNN giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước. (Ảnh: M.P)

Đặc biệt, KBNN cũng đã hoàn thành việc tích hợp DVCTT của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai mở rộng các dịch vụ thu phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, KBNN cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi NSNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN với việc kết nối liên thông 3 hệ thống: DVCTT, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách TABMIS và Thanh toán song phương điện tử.

Việc triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống đã góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách, hạn chế tối đa việc cán bộ kho bạc phải bổ sung, hoàn thiện thông tin, từ đó giảm thiểu rủi ro cho công chức kiểm soát chi; hỗ trợ cho công chức kiểm soát chi của KBNN chỉ phải thao tác xử lý hồ sơ, chứng từ điện tử một lần trên một hệ thống (so với 3 lần trên 3 hệ thống phần mềm khác nhau), qua đó rút ngắn đến 40% thời gian thao tác nghiệp vụ trên các phần mềm so với trước đây, giúp cho công chức kiểm soát chi có thêm thời gian để kiểm soát nội dung chi của hồ sơ, chứng từ.

Từ nền tảng những thành công này, năm 2022, một trong những mục tiêu quan trọng được KBNN đặt ra là xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đặt nền móng cho việc hình thành kho bạc số vào năm 2030.

Theo đó, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, hướng tới bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC trong toàn hệ thống KBNN.

… Đến mục tiêu hoàn thành kho bạc số vào năm 2030

Với mục tiêu trở thành kho bạc số, KBNN đưa ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là xây dựng và triển khai kiến trúc CNTT của KBNN phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT), trong đó, hệ thống thông tin ngân sách và kế toán Nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan.

Bản "Kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới kho bạc số" đã được KBNN ban hành ngày 4/6/2021 tại Quyết định số 2739/QĐ-KBNN sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng. Đây là bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa KBNN nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị tổ chức, người dân và DN, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là "nền móng" để hệ thống KBNN tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030.

Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số. (Nguồn: Cổng TTĐT KBNN)

Kiến trúc tổng thể CNTT của KBNN phù hợp với xu thế phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, hiện đại hóa của KBNN và nằm trong Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Các cấu phần của Kiến trúc tổng thể CNTT gồm: Kiến trúc nghiệp vụ; Kiến trúc dữ liệu; Kiến trúc ứng dụng; Kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin.

Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ gồm 5 nghiệp vụ chính bao gômg: quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính Nhà nước; tổng kế toán Nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính Nhà nước; huy động vốn và quản lý ngân quỹ; thanh tra; nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ. Đây chính là cơ sở để KBNN triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 10 năm tới.

Cùng với việc xây dựng Kiến trúc tổng thể CNTT, KBNN cũng đưa ra kế hoạch và mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, KBNN tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương; củng cố hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời, triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu; Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT; Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; và chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Giai đoạn 2026 - 2030, KBNN tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ; Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT; Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật...

Mới đây, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Chiến lược hướng đến phát triển hệ thống KBNN hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính Nhà nước.

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 thể hiện quan điểm kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, dựa trên phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN và các CQNN.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chiến lược là tăng cường ứng dụng CNTT, chủ động tham gia CMCN 4.0, từng bước hình thành kho bạc số.

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro.

Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, DN và các CQNN; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.

Ngoài ra, Chiến lược cũng đặt mục tiêu trước năm 2025, KBNN chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc 2 cấp và giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.

Bên cạnh đó, số hóa các nghiệp vụ KBNN và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - NSNN thông qua việc nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc và các hệ thống liên quan thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán Nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, DN, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT khác, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa KBNN; ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), di động (mobility), Internet vạn vật (IoT), AI, chuỗi khối (blockchain),... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Cùng với đó, KBNN tiếp tục hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro; hệ thống giám sát vận hành và giám sát an toàn bảo mật thông tin, đảm bảo hệ thống CNTT luôn được vận hành an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.

Với kế hoạch và lộ trình cụ thể, toàn hệ thống KBNN đã và đang nỗ lực vào cuộc triển khai để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng kho bạc số, góp phần cùng ngành Tài chính, Chính phủ xây dựng thành công Chính phủ số./.

Nguồn: Thông tin và Truyền thông

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận