Uber Việt Nam giải thích về một phán quyết của tòa án châu Âu

Uber Việt Nam giải thích về một phán quyết của tòa án châu Âu

Liên quan tới hoạt động của các dịch vụ như Uber, ngày 20/12, Toà án Công lý Hội đồng châu Âu đã đưa ra phán quyết: ""Các dịch vụ trung gian sử dụng ứng dụng di động, có thu phí, để kết nối giữa các tài xế không chuyên có phương tiện di chuyển cá nhân và những người có nhu cầu đi lại trong thành phố, về bản chất phải được coi là có liên quan đến một dịch vụ vận tải và được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" dưới hệ thống pháp luật Châu Âu". Quyết định này chỉ áp dụng cho dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải.

uber viet nam giai thich ve mot phan quyet cua toa an chau au hinh anh 1

Ở châu Âu, Uber được xem là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải".

Ngay sau khi CJEU đưa ra phán quyết trên, Uber Việt Nam đã nhanh chóng có những chia sẻ liên quan để giải thích rõ phán quyết này cũng như mức độ ảnh hưởng của phán quyết đối với hoạt động của Uber tại Việt Nam. Theo đại diện Uber Việt Nam, phán quyết này không phải áp dụng bắt buộc trên toàn thể 28 quốc gia thành viên của châu Âu. Thay vào đó, phán quyết chỉ dành cho các tài xế không chuyên ở Tây Ban Nha, và mang tính tham khảo cho các quốc gia thành viên.

Liên hệ tới Việt Nam, Uber cho biết, tại đây, họ không được cung cấp phần mềm cho lái xe không đăng ký kinh doanh vận tải (kể cả đã có bằng B2, chứ chưa nói đến việc chỉ có bằng không chuyên B1). Hơn nữa, theo đề án thí điểm hợp đồng điện tử, Uber chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đã được cấp phép kinh doanh vận tải; hay nói cách khác, Uber không được cung cấp dịch vụ kết nối cho hộ cá thể.

"Ở Việt Nam, kể cả có giấy phép lái xe hạng B2 nhưng không thuộc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh vận tải thì cũng không được phép kết nối với Uber để vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử. Nếu so với quy định của châu Âu thì Việt Nam quy định chặt chẽ hơn nhiều", Uber cho biết.

"Theo đề án thí điểm, mọi phương tiện sử dụng ứng dụng Uber phải là phương tiện hợp đồng, tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành áp dụng cho kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng. Cụ thể, chỉ các doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép kinh doanh vận tải mới được sử dụng ứng dụng Uber. Uber luôn ủng hộ những chính sách tiến bộ vì an toàn và tuyệt đối không chấp nhận các tài xế không chuyên, không đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thí điểm", Uber giải thích thêm.

Theo Uber, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có nhiều quốc gia điển hình triển khai những chính sách tiến bộ cho việc quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện, chẳng hạn như Úc, Malaysia, Singapore và Indonesia. Đây là nguồn tham khảo cho quá trình xây dựng chính sách tại Việt Nam. 

Ví dụ, tại Malaysia, Uber được công nhận là một "dịch vụ trung gian", nghĩa là một công ty hỗ trợ việc tổ chức, đặt chỗ hoặc giao dịch thanh toán. Một số định nghĩa tương tự khác cũng được các quốc gia trong khu vực sử dụng: Tại Singapore, Uber là một "nhà điều hành dịch vụ đặt xe cá nhân"; tại Đài Loan, Uber được hiểu như một "nền tảng tìm kiếm khách hàng"; tại Úc, luật pháp sử dụng thuật ngữ "nhà cung cấp dịch vụ được uỷ quyền" hoặc "dịch vụ đặt chỗ".

"Mặc dù Uber triển khai cùng một công nghệ trên khắp thế giới, các quy định về Uber nói riêng và quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện nói chung có nhiều khác biệt tại mỗi quốc gia. Mỗi Chính phủ và Cơ quan quản lý có một khung pháp lý riêng và Uber luôn tuân thủ. Uber cam kết đầu tư và gắn bó với Việt Nam và người dùng tại đây.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại và hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng như các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương, để hỗ trợ tìm ra giải pháp tốt nhất cho chính sách quản lý dịch vụ chia sẻ phương tiện, vì lợi ích của cộng đồng tài xế đối tác, hành khách và các thành phố tại Việt Nam", Uber Việt Nam cho biết trong một tuyên bố.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận