Rafaela Vasquez vừa thừa nhận tội gây nguy hiểm liên quan đến vụ án để tránh phải ngồi tù. Bà là người ngồi sau vô lăng chiếc Volvo XC90 tự lái của hãng Uber tông chết một người phụ nữ đi bộ ở thành phố Tempe (bang Arizona, Mỹ) vào tháng 3.2018.
Rafaela Vasquez bị kết án ba năm quản chế có giám sát, theo thỏa thuận nhận tội do Văn phòng Biện lý quận Maricopa (bang Arizona) công bố.
Rafaela Vasquez bị buộc tội giết người không chủ ý sau khi các nhà điều tra nói rằng cô đang xem video trên ĐTDĐ vào thời điểm xảy ra tai nạn và không phanh kịp thời ô tô, trang Insider đưa tin trước đó.
Theo tờ The New York Times, hệ thống của Uber đã phát hiện ra nạn nhân 5, 6 giây trước tai nạn, nhưng không thể xác định rằng cô là người đi xe đạp hay đang đi vào phần đường của phương tiện.
Elaine Herzberg (nạn nhân 49 tuổi) là người đi bộ tử vong đầu tiên được biết đến liên quan đến một vụ tai nạn ô tô lái hoàn toàn tự động. Elaine Herzberg đã đẩy chiếc xe đạp của mình qua dải đường dành cho người đi bộ trước khi tai nạn xảy ra.
Hai năm trước đó, Joshua Brown (ở thành phố Canton, bang Ohio, Mỹ) điều khiển chiếc ô tô điện Tesla bán tự động và thiệt mạng trong một vụ tai nạn. Đây là vụ tử nạn đầu tiên được cho liên quan công nghệ tự lái, theo The New York Times.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải Mỹ hồi tháng 1, các nhà sản xuất ô tô đã báo cáo tổng cộng 419 vụ tai nạn liên quan đến xe bán tự động hoặc hoàn toàn tự lái, trong đó có 18 trường hợp tử vong.
Ô tô tự lái của Uber bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ tai nạn tại Mỹ
Hồi tháng 3.2018, chiếc Volvo XC90 được trang bị công nghệ tự lái của Uber tông chết Elaine Herzberg khi cô đang đi bộ sang đường. Sau đó, Uber đã phải mất 9 tháng để đưa các ô tô tự lái hoạt động trở lại. Theo chia sẻ của lãnh đạo Uber, hãng đã thực hiện hàng loạt thay đổi nhằm cải thiện độ an toàn của các ô tô tự lái này.
Tuy nhiên, trang CNBC đưa tin các ô tô tự lái của Uber có liên quan đến nhiều vụ tai nạn khác xảy ra trước đó ở bang Arizona.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) cho biết các ô tô tự lái của Uber đã gây ra 37 vụ tai nạn chỉ trong vòng 18 tháng trước khi xảy ra vụ việc khiến Elaine Herzberg tử vong.
Theo NTSB, trong khoảng thời gian từ tháng 9.2016 đến tháng 3.2018 có 37 vụ tai nạn liên quan đến ô tô Uber ở chế độ lái tự động, trong đó có 33 vụ xảy ra trong quá trình xe chạy thử nghiệm. Có chiếc xe Uber thử nghiệm đã tông vào làn đường dành cho xe đạp.
Hệ thống hỗ trợ tự lái của Tesla gây ra 736 vụ tai nạn, 17 trường hợp tử vong
Giữa tháng 6 vừa qua, tờ Washington Post cho biết hệ thống hỗ trợ tự lái trên ô tô Tesla là nguyên nhân gây ra 736 vụ va chạm giao thông ở Mỹ kể từ năm 2019 đến nay, dựa theo số liệu thống kê do Cục Quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA).
Dữ liệu cho thấy số người chết và bị thương nặng trong các vụ tai nạn liên quan đến Autopilot cũng đang có dấu hiệu tăng lên. Khi các nhà chức trách lần đầu tiên công bố một số thống kê về tai nạn giao thông liên quan đến Autopilot vào năm 2022, chỉ có ba trường hợp tử vong được xác định là liên quan đến hệ thống này. Thế nhưng, những số liệu gần đây cho thấy có ít nhất 17 vụ tai nạn đã gây ra thiệt hại về người, trong đó 11 trường hợp tử vong xảy ra kể từ tháng 5.2022 đến nay.
Sự gia tăng đột biến các vụ tai nạn trong 4 năm qua phản ánh việc các tài xế đang phụ thuộc quá nhiều công nghệ hỗ trợ tự lái và sự tăng lên nhanh chóng số lượng ô tô điện Tesla trên các xa lộ ở Mỹ.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng sự gia tăng các vụ tai nạn có thể do việc Tesla không còn sử dụng radar để hỗ trợ công nghệ tự lái. Vào năm 2021, Tesla đã thông báo sẽ chỉ dựa vào quá trình xử lý hình ảnh dựa trên hệ thống camera. Mỗi chiếc ô tô điện Tesla đều có 8 camera bên ngoài để lập bản đồ môi trường xung quanh.
NHTSA cho biết đơn vị này đã mở một số cuộc điều tra với công nghệ hỗ trợ tự lái của Tesla do sự gia tăng đột biến trong các vụ tai nạn gần đây. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk đã nhiều lần nhấn mạnh lợi ích của Autopilot.
Theo báo cáo, 800.000 chiếc ô tô điện Tesla chạy trên những con đường ở Mỹ có Autopilot và hãng đang đẩy mạnh phát triển loại công nghệ này. Hầu hết ô tô điện Tesla có mặt tại Mỹ đều được trang bị tính năng kiểm soát hành trình thích ứng, cho phép tự tăng giảm tốc độ dựa theo xe phía trước và tăng tốc hoặc phanh tùy thuộc vào điều kiện.
Ngoài ra, một số ô tô điện Tesla còn được trang bị tính năng hỗ trợ lái tự động nâng cao (Enhanced Autopilot), giúp xe điều hướng đường đi tự động và cũng có thể tự thay đổi làn đường cùng các chức năng khác.
Khách hàng mua ô tô điện Tesla cũng được cung cấp loạt tính năng Full-Self Driving (FSD) dưới dạng tùy chọn. Với FSD, ô tô điện Tesla có thể tự đưa ra quyết định chủ động dựa trên nhận dạng biển báo giao thông.
Tesla đề cập rõ ràng trên trang web rằng các tính năng nói trên không làm cho ô tô điện hoàn toàn lái tự động: “Các tính năng Autopilot, Enhanced Autopilot và FSD yêu cầu người lái chủ động giám sát và không làm cho xe điện trở nên tự động”.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận