Website hàng hiệu Leflair bị tố nợ hàng chục tỷ đồng sau khi đóng cửa

Website hàng hiệu Leflair bị tố nợ hàng chục tỷ đồng sau khi đóng cửa

Website hàng hiệu Leflair bị tố nợ hàng chục tỷ đồng sau khi đóng cửa

Sáng 4/3, trụ sở văn phòng Công ty Cổ phần Leflair (đơn vị sở hữu trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu giá rẻ Leflair) trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TP.HCM) đóng cửa im lìm. Bên ngoài tiền sảnh, gần 10 nhà cung cấp đứng chờ ký văn bản đối soát công nợ nhưng không ai đón tiếp.

Theo nhân viên lễ tân tòa nhà, khoảng 2 tuần trở lại đây, văn phòng này không có nhân viên đến làm việc. Tuy nhiên, số lượng nhà cung cấp tìm đến để yêu cầu thanh toán liên tục tăng lên.

98 nhà cung cấp đã lên tiếng với khoản nợ 40 tỷ đồng

Trong buổi làm việc với các nhà cung cấp vào ngày 2/3, ông Pierre Antoine Brun - Đồng sáng lập và COO của Leflair cho biết, số công nợ mà sàn thương mại điện tử (TMĐT) này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD. Tuy nhiên, khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản của doanh nghiệp chưa đến 50.000 USD.

Trước đó, ngày 26/2, đã có 98 nhà cung cấp tập hợp lại để cùng làm việc với phía Leflair và cơ quan chức năng. Tổng số công nợ ghi nhận được với những nhà cung cấp này đã lên tới khoảng 40 tỷ đồng.

Chia sẻ với Zing.vn, chị Kim Đặng - Giám đốc một doanh nghiệp cung cấp giày dép trên Leflair cho biết đã làm việc với sàn TMĐT này hơn 2 năm và cảm thấy bức xúc với cách giải quyết hiện nay của đội ngũ điều hành.

Chị chia sẻ, hợp đồng giữa 2 bên quy định rõ trong vòng 30 ngày sau khi giao hàng thành công cho khách, Leflair phải thanh toán công nợ cho công ty chị. Có khi sàn này chậm thanh toán khoảng 35-45 ngày, nhưng vì tin tưởng nên chị vẫn tiếp tục hợp tác.

"Hai tháng trước Tết là cao điểm mua sắm nên khi họ hối thúc đẩy nhiều hàng hơn, tôi không nghi ngờ gì. Bản thân tôi lu bu nên không kiểm soát kỹ công nợ từ tháng 11, còn nhân viên cấp dưới chỉ muốn bán nhiều hàng hơn, thế nên đến nay bị ngâm gần 140 triệu đồng công nợ", chị chia sẻ.

Chị Kim Đặng nhận định sự việc hiện nay là "có chủ đích" và "tận dụng niềm tin của nhà cung cấp". "Đại diện pháp lý không bao giờ ra mặt, gửi email hay gọi điện thoại đều không được. Đồng sáng lập còn lại là ông Pierre chịu làm việc nhưng không đưa ra câu trả lời xác đáng. Tôi cảm thấy không được tôn trọng", chị nhận xét.

Đồng tình với quan điểm này, anh Quý Đinh - Giám đốc một doanh nghiệp trang sức đá phong thủy đang có công nợ 100 triệu đồng với Leflair cho biết sàn này làm việc khá lấp lửng, đến ngày 29/2 mới có động thái đầu tiên là đối soát công nợ với nhà cung cấp.

Khuya 29/2, ông Pierre thay mặt Leflair gửi email cho các nhà cung cấp, thông báo tiến hành đối chiếu công nợ và số dư kho. Sau khi hai bên thỏa thuận xong số công nợ, vị này yêu cầu nhà cung cấp in văn bản xác nhận công nợ, ký tên, đóng dấu và gửi bản scan qua email, đồng thời gửi bản cứng cho phía Leflair ký và đóng dấu xác nhận lại.

Tuy nhiên, theo anh Quý Đinh, vì văn phòng Leflair đã đóng cửa nên nhà cung cấp không biết làm cách nào để gửi hồ sơ xác nhận công nợ này. Đồng thời, thông tin về cuộc gặp mặt trực tiếp với 50 trong số 500 nhà cung cấp vào sáng 10/3 cũng không nêu rõ nhà cung cấp nào được tham dự.

Không chỉ công nợ, nhiều nhà cung cấp cũng đang bị giữ hàng trong kho của đơn vị vận chuyển. Do chưa làm việc với Leflair, họ không thể lấy lại hàng hóa của mình.

Thông tin mới nhất, nhóm nhà cung cấp đã gửi đơn tố cáo doanh nghiệp cùng 2 nhà sáng lập lên các cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam...

Trong bối cảnh này, đại diện Leflair cho biết đang thương lượng với các nhà đầu tư mới được hứa hẹn sẽ chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp hiện nay. Do đó, sàn này yêu cầu các nhà cung cấp hạn chế làm việc với truyền thông để tránh tạo hình ảnh tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình thương lượng đầu tư.

Nợ tiền nhân viên và khách hàng

Không chỉ nhà cung cấp, nhiều khách hàng và nhân viên của Leflair cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi doanh nghiệp này ngừng hoạt động. Một nữ khách hàng 35 tuổi ở TP.HCM thường xuyên mua hàng trên sàn TMĐT này cho biết đã gần 1 tháng trôi qua mà chưa nhận được hàng, dù đã thanh toán đầy đủ.

"Tôi đặt 3 đơn hàng từ Singapore vào các ngày 11 và 21/2, tổng giá trị 2,5 triệu đồng. Trước giờ mọi thứ đều ổn, nên lần này giao chậm tôi cứ nghĩ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giờ không cách nào liên lạc được với Leflair", chị cho biết.

Thậm chí, theo một số khách hàng khác, khi nhắn tin cho fanpage Leflair để phàn nàn, họ còn được biết chính mình đã từ chối nhận hàng. "Họ bảo mình từ chối nhận hàng cách đây 3 ngày, nên hàng quay về kho. Chẳng lẽ mình đã thanh toán mà không nhận hàng nữa", tài khoản Tô Tuyết Lan chia sẻ.

Trong khi đó, một nhân viên đã làm việc tại Leflair từ tháng 12/2018 cho biết đang bị nợ lương tháng 2 và không được hưởng lương tháng 13 dịp Tết cũng như thưởng năng suất tháng 12.

"Tất cả nhân viên đã ký đơn bàn giao vào ngày 4/2 và hoàn tất thủ tục nghỉ việc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lương. Leflair còn hứa sẽ đền bù nghỉ việc cho nhân viên là 1 tháng lương nhưng cũng không có. Thế mà vừa rồi CEO Loic Gautier còn nói là chỉ khi được rót thêm vốn hoặc có bên đồng ý mua lại thì tất cả khoản nợ mới được thanh toán", người này cho biết.

Cũng theo nhân viên cũ này, ngày 25 tháng Chạp năm ngoái, Leflair đã sa thải 50 nhân viên mà không đền bù, với lý do cạn vốn. Thời điểm chính thức đóng cửa, Leflair có khoảng 100 nhân viên ở văn phòng Việt Nam và 40 nhân viên ở Philippines.

Zing.vn đã liên hệ với đại diện Leflair nhưng chưa nhận được phản hồi.

Leflair được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre Antoine Brun, chuyên phân phối các sản phẩm hàng chính hãng với mức giá phải chăng.

Trong 4 năm qua, sàn TMĐT này đã kêu gọi gần 12 triệu USD trong các vòng gọi vốn, từ đó phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu ước đạt hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách hàng cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, theo thông báo chính thức gửi các nhà cung cấp hồi đầu tháng 2, do áp lực về nguồn vốn, Leflair sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam và tập trung kinh doanh hàng xuất nhập khẩu.

Theo Zing

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận