Buộc dừng phát triển thuê bao mới nếu doanh nghiệp vi phạm
Thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông không ngừng đẩy mạnh các biện pháp siết chặt nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác trên thị trường. Vào tháng 3.2024, lãnh đạo Bộ đã chủ trì cuộc họp về xử lý SIM rác, chỉ rõ việc thực hiện quản lý thuộc về doanh nghiệp viễn thông, Nhà nước quản lý thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Lãnh đạo Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển trạng thái SIM có thông tin thuê bao, có gói cước đang khóa 2 chiều về SIM không có thông tin thuê bao trước ngày 22.3. Trước 15.4, SIM khóa một chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn cũng phải về trạng thái SIM không có thông tin thuê bao, đồng thời xử lý dứt điểm nhóm thuê bao di động một giấy tờ nhưng đứng tên sở hữu nhiều SIM (từ 4 SIM trở lên).
Sau thời điểm trên, từ ngày 16.4, doanh nghiệp viễn thông di động chịu trách nhiệm nếu còn xuất hiện, lưu thông SIM phát triển mới không đúng quy định trên thị trường. Thanh tra Bộ đảm trách việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Mức xử lý cao nhất có thể áp dụng là yêu cầu dừng phát triển thuê bao mới đối với nhà mạng vi phạm, đồng thời Bộ sẽ có văn bản nhắc nhở người đứng đầu doanh nghiệp cũng như báo cáo Thủ tướng xem xét có hình thức kỷ luật.
Xử phạt 420 triệu đồng với 3 nhà mạng để tồn tại cuộc gọi rác
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây công bố kết luận kiểm tra về việc chấp hành quy định chống cuộc gọi rác tại doanh nghiệp viễn thông. Theo đó, 3 doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, CMC Telecom, FPT Telecom bị đề nghị phạt 140 triệu đồng mỗi đơn vị vì chưa triệt để ngăn chặn cuộc gọi làm phiền người dùng.
Cụ thể, ba nhà mạng trên đều chấp hành quy định, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nhận diện, ngăn chặn cuộc gọi rác đến các thuê bao từ chối nhận quảng cáo, tuy nhiên vẫn để xảy ra tình trạng này. Trong đó, Viettel có 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 921 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo, CMC Telecom có 63.390 cuộc gọi quảng cáo đến 41.917 thuê bao, FPT Telecom có 526.159 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao.
Ngoài khoản phạt đối với 3 nhà mạng, Cục Viễn thông cũng đề nghị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng đối với các thuê bao vi phạm.
Riêng với VNPT, doanh nghiệp để 1.239 cuộc gọi rác, quảng cáo đến 626 thuê bao nhưng theo giải trình của đơn vị, hạn chế về mặt công nghệ PSTN khiến không thể ngăn chặn cuộc gọi rác từ thuê bao cố định đến thuê bao đăng ký từ chối nhận quảng cáo. Do đó, cơ quan quản lý không phạt hành chính nhưng yêu cầu doanh nghiệp sớm hoàn thiện hệ thống, khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Công cụ kiểm tra thông tin thuê bao
Như đã đề cập ở trên, hiện còn tồn tại tình trạng một giấy tờ cá nhân đứng tên sở hữu nhiều hơn 4 số thuê bao di động dù trong một số trường hợp, chính chủ không hề biết tới sự tồn tại của các số điện thoại đó. Việc sử dụng giấy tờ để đăng ký "lậu" thuê bao cũng góp phần gia tăng số lượng SIM rác trên thị trường.
Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển công cụ giúp người dùng chủ động tra cứu số lượng SIM mình đang sở hữu. Chủ sở hữu số điện thoại di động có thể nhắn tin với cú pháp TTTB [dấu cách] Số CCCD rồi gửi tổng đài 1414 và đợi kết quả trả về từ hệ thống. Tổng đài và cú pháp áp dụng chung cho mọi nhà mạng, hoàn toàn miễn phí.
Thống kê cho thấy người dùng đã quen với phương thức tra cứu này khi các nhà mạng nhận hơn 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài kèm thông tin CCCD để tra cứu. Đến nay, có khoảng 1.200 chủ sở hữu thuê bao phản ánh tới nhà mạng về sự xuất hiện của "SIM lạ" đăng ký trên giấy tờ cá nhân của mình. Điều này giúp doanh nghiệp viễn thông loại bỏ thuê bao có thông tin không đúng, thực hiện khóa 1 chiều và 2 chiều đối với những số điện thoại này.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận