80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan

80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan

80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan

Trong ngày thứ 2 xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, đại diện VKSND đã công bố xong bản cáo trạng 160 trang, truy tố các bị cáo về tội danh Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cũng trong phiên tòa ngày 6/3, xét đề xuất của luật sư bào chữa và tình trạng sức khỏe của Nguyễn Cao Trí, HĐXX chấp thuận cho bị cáo không cần đến tòa vào những ngày xử không xét tới hành vi của ông Trí.

7 người thoát tội Nhận hối lộ

Cơ quan tố tụng xác định, Đoàn thanh tra liên ngành thực hiện việc thanh tra tại Ngân hàng SCB có 18 thành viên. Tất cả đều nhận tiền, quà từ nhóm lãnh đạo SCB để thực hiện những hành vi sai phạm.

Trong đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) nhận hối lộ nhiều nhất với 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng). Cơ quan chức năng đánh giá đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.

Những người còn lại nhận quà biếu với tổng số tiền gần 480.000 USD và 700 triệu đồng.

80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Hải Long).

Theo cáo trạng, quá trình thực hiện thanh tra, phía SCB và bà Trương Mỹ Lan chủ động tiếp cận, nhiều lần biếu tiền, quà nhóm cán bộ thanh tra.

Cụ thể, Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã nhận 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ tổng hợp, đã nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn.

Các bị cáo Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh (cùng là thanh tra viên), Bùi Tuấn Khoa (thành viên đoàn thanh tra) nhận 100 triệu đồng. Vương Đỗ Anh Tuấn (Tổ trưởng tổ thanh tra số 3 - đợt 1 và tổ số 2 - đợt 2) nhận 20.000 USD và hai chiếc áo. Trần Văn Tuấn (Tổ trưởng tổ thanh tra số 4 - đợt 1, thành viên tổ 1 - đợt 2) nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng.

Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng. Nguyễn Duy Phương (thành viên Tổ thanh tra số 4) chỉ thừa nhận đã nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng, không thừa nhận nhận 5.000 USD. Nguyễn Văn Thùy (thành viên Tổ thanh tra) nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông và 1 hộp yến; Trương Việt Hưng (thành viên Tổ thanh tra) nhận 6.000 USD.

Nhóm bị cáo này đã nộp lại toàn bộ số tiền trên trong quá trình giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, theo cáo trạng, trong nhóm 18 cán bộ đoàn thanh tra, 7 thành viên gồm Phạm Quốc Thịnh, Chuyên viên cơ quan thanh tra giám sát; Phạm Hồng Linh, Thanh tra viên cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (TTGSNHNN); Nguyễn Lan Hương, Thanh tra viên cơ quan TTGSNHNN; Lại Văn Bách, Phó trưởng phòng tổng hợp Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII; Bùi Vũ Hồng Trang, Phó trưởng phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng; Nguyễn Hà Linh, Thanh tra viên vụ VII; Phạm Thị Thùy Linh, chuyên viên Phòng giám sát lĩnh vực ngân hàng, đã có sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền từ SCB. Người nhận ít 100 triệu, người nhận nhiều 9.000 USD.

Song, quá trình thanh tra, đoàn thanh tra gồm 7 người này chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, khi ký biên bản họp chỉ được tham gia ý kiến với phần việc tham gia, một số nội dung thanh tra đã bị tổ tổng hợp biên tập, cắt gọt, chỉnh sửa theo yêu cầu của bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Xét tính chất, mức độ phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Đỗ Thị Nhàn, quá trình làm việc với cơ quan điều tra những người này đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ SCB, hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án, quá trình công tác có nhiều thành tích khen thưởng. Do đó, cơ quan điều tra, VKSND Tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự 7 cá nhân này mà đề nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền.

Kiến nghị điều tra người liên quan hành vi của Nguyễn Cao Trí

Khi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chuyển cho bị cáo Nguyễn Cao Trí 1.000 tỷ đồng, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bị cáo Trương Mỹ Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thỏa thuận với bà Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.

80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Ảnh: Hải Long).

Sau đó, Nguyễn Cao Trí làm hồ sơ chuyển nhượng 4,4 triệu cổ phần sang cho em trai là Nguyễn Cao Đức và Trần Lê Diệp Thúy (nhân viên kế toán).

Ngày 23/10/2022, ông Trí hẹn gặp ông Minh tại quán cà phê ở Sân bay Tân Sơn Nhất và yêu cầu ông này ký một số hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư...

Theo cơ quan tố tụng, do Hồ Quốc Minh đã xuất cảnh, hiện nay chưa nhập cảnh về Việt Nam nên chưa đủ tài liệu chứng cứ xác định vai trò đồng phạm với Nguyễn Cao Trí trong việc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan. Do đó, VKSND Tối cao kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục thu thập tài liệu chứng minh hành vi của Hồ Quốc Minh để xem xét xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với Nguyễn Cao Trí nếu có đủ căn cứ.

9 tình tiết giảm nhẹ

Phần cuối cáo trạng truy tố, cơ quan tố tụng đề nghị áp dụng 9 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Cụ thể, theo VKSND Tối cao, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 bị cáo đang bị truy nã (5 cựu cán bộ Ngân hàng SCB), 80 bị cáo còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố.

28 bị cáo được xác định đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án, như: Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh, Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước, Trần Hoàng Giang, Từ Văn Tuấn, Cao Việt Dũng…

Các bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra. Trong đó, người nộp nhiều nhất là bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) đã trả cho Ngân hàng SCB hơn 813 tỷ đồng, xin được nộp lại hơn 2.200 tỷ đồng đã nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan, nộp khắc phục 52 tỷ đồng. Người nộp ít nhất là 2 triệu đồng.

80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan
Ông Phạm Lương Toản, chủ tọa phiên tòa (Ảnh: Hải Long).

Các tình tiết giảm nhẹ khác được đề nghị áp dụng là: các bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác; gia đình chính sách, có công với cách mạng; bị bệnh, già, sức khỏe yếu; nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng...

Theo Dân trí

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận