Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện

Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện

Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện
TS Thái Doãn Hoàng Cầu có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Australia.

Loạt bài trong Chuyên đề Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước" của PetroTimes đã giúp độc giả, trong đó có tôi, thấy được bức tranh toàn cảnh của phát triển điện lực Việt Nam, vai trò “trụ đỡ” của điện khí, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, giải pháp tháo gỡ chúng trong việc đóng góp vào tương lai năng lượng.

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII đã cho thấy mức độ tăng trưởng, quy mô rất lớn của ngành điện Việt Nam trong giai đoạn 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng công suất điện khí sử dụng khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được tính toán sẽ đóng góp 37.330 MW, tức khoảng 25% trên tổng công suất toàn hệ thống vào năm 2030, sản xuất ra 156,5 tỷ kWh điện năng. Vào năm 2050, điện khí được định hướng có tổng công suất khoảng 40.330 MW, trong đó chuyển dần sang sử dụng khí hydro, sản xuất 216,7-225,5 tỷ kWh.

Chuyên đề đã nêu bật, dù việc triển khai các dự án điện khí mang lại nhiều lợi ích và cấp bách, việc xác định giá điện khí và cơ chế bao tiêu sản lượng hằng năm là rào cản, vướng mắc lớn nhất và đề xuất có cơ chế ưu tiên, chính sách đặc thù để hiện thực hóa mục tiêu điện khí.

Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện
TS Thái Doãn Hoàng Cầu phát biểu trong một cuộc hội thảo về thị trường điện

Đặc điểm và tầm quan trọng của điện khí

Điện khí có hai loại công nghệ chính: turbine khí chu trình hở (OCGT) và turbine khí chu trình kín hay kết hợp (CCGT). OCGT sử dụng khí trộn lẫn với không khí nén và đốt trong buồng nổ tạo ra hơi có áp lực và nhiệt độ cao quay turbine máy phát điện. Trong chu trình đơn giản này, khí thoát ra từ turbine xả trực tiếp ra ngoài không khí.

Công nghệ CCGT sử dụng khí nóng thoát ra từ chu trình hở nói trên, dẫn qua một quy trình khác kết hợp dùng nhiệt thừa này đun sôi nước để tạo hơi nước quay thêm turbine phát điện. Nhờ có thêm turbine hơi nước tận dụng nhiệt năng nên CCGT có hiệu suất cao hơn so với OCGT.

Điện khí có thể xem là điện sạch vì có mật độ phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính thấp hơn nhiều so với điện than. Điện khí có thể được khởi động nhanh, có khả năng điều khiển cao bởi sự linh hoạt, tốc độ thay đổi công suất cao đáp ứng kịp sự thay đổi nhanh và lớn của phụ tải, bổ trợ cân bằng công suất nhanh cho hệ thống điện những khi nhà máy điện năng lượng tái tạo như gió, mặt trời có công suất phát ra biến động, bất ổn.

OCGT có độ linh hoạt, đáp ứng nhanh hơn nên thường được dùng bảo đảm an ninh hệ thống điện, khắc phục bất ổn ngắn hạn khi có sự cố mất nguồn, lưới đột ngột. Vì có chi phí vận hành cao (do giá khí cao) so với thủy điện, điện than, OCGT còn thường dùng để chạy phủ đỉnh khi nhu cầu phụ tải hệ thống điện cực cao trong vài giờ trong ngày, hoặc một số giờ nhất định trong năm.

CCGT kém linh hoạt hơn so với OCGT nhưng lại có chi phí vận hành thấp (do hiệu suất cao hơn) cũng như chi phí sản xuất trung bình thấp hơn OCGT nên có thể vận hành như nhà máy điện chạy nền để dần thay thế các nhà máy điện than giúp bảo đảm an ninh cung cấp đủ điện về dài hạn. Lưu ý, cho đến thời điểm hiện tại, CCGT có chi phí vận hành cao hơn thủy điện, điện than. Như vậy, với các ưu điểm sạch, linh hoạt, khả năng bình ổn năng lượng tái tạo và được quy hoạch có tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn (25% vào năm 2030), điện khí là một trong những trụ cột trong cơ cấu nguồn điện đa dạng của Việt Nam để chuyển dịch năng lượng bền vững. Các trụ cột khác cho đến năm 2030, theo Quy hoạch điện VIII là điện tái tạo gồm gió, mặt trời 40.716 MW (chiếm 27%), thủy điện 31.746 MW (chiếm 21,1%), điện than 30.127 MW (chiếm 20%).

Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện
TS Thái Doãn Hoàng Cầu trong một buổi hội thảo.

Quy hoạch điện quốc gia và mục tiêu điện khí

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (gọi vắn tắt là Quy hoạch điện) là quy hoạch tổng thể, đề ra các kế hoạch phát triển nguồn phát điện và lưới điện truyền tải, phân phối cho nhiều năm tới trong tương lai.

Quy hoạch điện thường có chu kỳ lập và điều chỉnh mỗi 5 năm. Chẳng hạn như Quy hoạch điện VII được phê duyệt năm 2011 cho giai đoạn 2011-2020. Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt năm 2016 cập nhật Quy hoạch điện VII nhưng có tính đến năm 2030. Vì có nhiều thay đổi quan trọng, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023 cho giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch điện sử dụng nhiều số liệu dự báo cho nhiều năm tới như nhu cầu điện, chi phí đầu tư công nghệ, chi phí nhiên liệu cho nhà máy điện và nhiều số liệu đầu vào khác để tính toán cơ cấu nguồn, lưới điện mới cần phát triển để đáp ứng nhu cầu tương lai trên cơ sở chi phí thấp nhất, hài hòa với mục tiêu tin cậy hệ thống điện, bền vững về môi trường và các mục tiêu phát triển khác.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy biến động, khó dự báo. Nhu cầu điện thay đổi theo tình hình kinh tế; chi phí đầu tư, chi phí nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện, lưới điện tăng cao bất thường do xung đột quân sự, bất ổn địa chính trị thế giới; tốc độ phát triển công nghệ điện lực như năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng thay đổi nhanh theo hướng hiệu quả hơn, giá thành thấp hơn.

Như vậy, với các số liệu đầu vào “động”, Quy hoạch điện của hôm nay có thể không còn phù hợp, không còn tối ưu chi phí cho năm sau, vài năm sau. Quy hoạch điện nên được xem là “mở” hơn là “tĩnh” và theo tôi, cần được cập nhật, điều chỉnh với chu kỳ ngắn hơn như hằng năm, 2 năm thay vì 5 năm như hiện nay.

Chương trình phát triển điện lực được xác định từ Quy hoạch điện, vì lẽ đó không nên được xem là bất biến. Nên chăng, ngành điện, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng chỉ đầu tư, tiến hành xây dựng các dự án ít rủi ro nhất, ít chịu tác động của thay đổi nhất như các dự án chi phí thấp nhất, hoặc các dự án trọng điểm bắt buộc phải tiến hành để tuân thủ các nhu cầu cơ bản, mục tiêu cốt lõi và duy trì mức độ linh hoạt cần thiết để lựa chọn có tiến hành các dự án còn lại hay không tùy theo tình hình thay đổi.

Thực hiện mục tiêu phát triển điện khí cũng không ngoại lệ, cần linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh giá khí, LNG thế giới còn đang cao; các công nghệ năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ năng lượng sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh với điện khí về độ linh hoạt và giá thành.

Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện
TS Thái Doãn Hoàng Cầu trong khoá tập huấn "Nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực điện và năng lượng.

Giải pháp tháo gỡ nút thắt phát triển điện lực, điện khí nói riêng

Thời gian qua, chúng ta thấy rằng để phát triển lĩnh vực của mình, các nhà đầu tư lưới điện truyền tải, năng lượng tái tạo, điện than, điện khí đều ít nhiều kiến nghị, yêu cầu có cơ chế ưu tiên, ưu đãi, chính sách đặc thù.

Trong khi đó, Văn bản hợp nhất Luật Điện lực số 06/VBHN-VPQH do Văn phòng Quốc hội Việt Nam ban hành năm 2022 quy định mục tiêu chính sách của ngành điện tại Chương I, Điều 4-Chính sách phát triển điện lực, mục 2 như sau: “Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực;...”. Văn bản Luật Điện lực này cũng quy định nguyên tắc hoạt động của thị trường điện tại Chương IV, Điều 17, mục 1 như sau: “Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực”.

Theo tôi, vướng mắc mấu chốt cho phát triển điện lực trong đó có điện khí là ngành điện chưa thực sự có giá bán điện theo cơ chế thị trường điện. Quy hoạch điện VIII có tính toán và báo cáo chi phí biên dài hạn cho các kịch bản quy hoạch. Thị trường bán buôn điện Việt Nam quy định: giá thị trường điện bán buôn giao ngay bao gồm giá điện năng thị trường thể hiện chi phí biên hệ thống cho vận hành ngắn hạn và giá công suất thị trường được xác định trên nguyên tắc bảo đảm cho nhà máy điện mới tốt nhất thu hồi đủ chi phí biến đổi và chi phí cố định cho phát điện khi tham gia thị trường điện. Đây là các giá điện tối ưu hiệu quả kinh tế dài và ngắn hạn. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng các giá này sẽ được tính đúng, tính đủ, kịp thời theo thay đổi chi phí đầu vào cùng với các thành phần khác vào cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành.

Việc yêu cầu người mua buôn điện duy nhất và gần như độc quyền trong khâu bán lẻ điện là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua điện với chi phí đầu tư và bao tiêu sản lượng hàng năm trong khi người mua không được bảo đảm chuyển những chi phí này vào giá điện bán lẻ vì thế rất khó để thoả thuận, nếu như không muốn nói là bất khả thi ở khía cạnh kinh doanh - thương mại.

Do đó, tôi cho rằng ngoài việc kêu gọi cơ chế, chính sách hỗ trợ đáng có cho lĩnh vực công nghệ của mình, các nhà đầu tư điện lực nói chung, điện khí nói riêng cần kiến nghị, chung tay với các cơ quan quản trị ngành điện thúc đẩy việc tiến hành thực hiện các cơ chế thị trường điện, nhằm sớm tạo nên một sân chơi bình đẳng cho tất cả những thành viên tham gia thị trường theo các tinh thần, nguyên tắc nêu trên của Luật Điện lực.

Các cơ chế thị trường điện chính là giải pháp có thể giúp gỡ “nút thắt” về bán điện đầu ra mà nhiều năm nay chưa có lời giải theo như chuyên đề đã nêu bật như sau.

Đầu tiên, thị trường bán lẻ điện hay một cơ chế giá bán lẻ điện phản ánh kịp thời chi phí đầu vào biến động và khan hiếm cung - cầu có thể giúp nhà đầu tư điện lực (người bán điện) bán điện cho người mua buôn điện gồm các công ty bán lẻ điện với mức giá hợp lý, có lợi tức đủ bù rủi ro. Nhiều công ty bán lẻ điện cạnh tranh mua buôn điện cũng giúp nhà đầu tư dễ đạt được thỏa thuận hợp đồng PPA bán buôn điện dài hạn hơn là chỉ một công ty mua buôn, bán lẻ điện là EVN.

Một thị trường công suất điện phù hợp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện cho nhiều năm tới trong tương lai có thể giúp nhà đầu tư bán trước phần lớn sản lượng điện của các dự án đầu tư phát triển nguồn phát điện trong dài hạn với giá cạnh tranh.

Các thị trường hợp đồng tương lai với các kỳ hạn ngắn và trung hạn (tháng hay quý tới cho đến 3 năm tới) cho phép các nhà đầu tư bán phần sản lượng còn lại chưa bán hết thông qua PPA hay qua thị trường công suất.

Cuối cùng, một thị trường bán buôn giao ngay chào giá tự do sẽ giúp nhà đầu tư cân bằng thiếu thừa sản lượng điện giao nhận thực tế so với các hợp đồng bán điện tương lai đã giao dịch trước đó với giá cạnh tranh, thể hiện tính hiệu quả kinh tế trong vận hành ngắn hạn, thời gian thực.

TS Thái Doãn Hoàng Cầu

(Viết riêng cho PetroTimes)

Về tác giả

Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Australia.

Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.

Tham khảo

Cầu, T. D. H. (2022). Thị trường điện: Các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý chiến lược. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

PetroTimes (2023). Chuyên đề Gỡ nút thắt điện khí để "điện đi trước một bước". PetroTimes - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam.

Viện Năng lượng (2023). Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, Thuyết minh chung. Viện Năng lượng - Bộ Công Thương.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận