Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/2: Tàu chở nhiên liệu của Nga cũng bắt đầu tránh Biển Đỏ

Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/2: Tàu chở nhiên liệu của Nga cũng bắt đầu tránh Biển Đỏ

Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/2: Tàu chở nhiên liệu của Nga cũng bắt đầu tránh Biển Đỏ

1. Tính đến đầu giờ sáng nay 1/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 76,01 USD/thùng, trong khi chuẩn Brent dừng lại ở mức 81,71 USD/thùng.

Đà trượt dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo EIA, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,2 triệu thùng, trái ngược với kỳ vọng của các nhà phân tích về mức giảm 217.000 thùng và ngược so với dữ liệu giảm hơn 2 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ đưa ra trước đó 1 ngày.

2. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 1, ghi nhận mức giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Theo cuộc khảo sát, các đợt cắt giảm khai thác tự nguyện mới của một số thành viên cùng với việc đóng cửa mỏ dầu ở Libya do các cuộc biểu tình hồi đầu tháng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm.

3. Grain LNG của Vương quốc Anh, nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất châu Âu, mới đây đã ký một thỏa thuận 10 năm với mục tiêu mở rộng khả năng lưu trữ và phân phối lại dài hạn của công ty khí đốt Algeria Sonatrach tại nhà ga Grain LNG từ tháng 1 năm 2029.

Grain LNG, nằm trên Isle of Grain ở Kent, là kho cảng lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ tám trên thế giới tính theo sức chứa với tổng diện tích hơn 600 mẫu Anh.

4. Một số tàu chở dầu vận chuyển nhiên liệu của Nga đã bắt đầu tránh tuyến kênh đào Suez đến châu Á.

Tuyến Biển Đỏ/Kênh Suez là tuyến đường ngắn nhất cho tàu chở dầu từ các cảng phía Tây của Nga đến châu Á. Cho đến gần đây, các thương nhân và hãng khai thác vẫn tương đối chắc chắn rằng hàng hóa có nguồn gốc từ Nga sẽ không bị nhắm tới. Nhưng cuộc tấn công vào tuần trước nhằm vào một tàu chở dầu liên kết giữa Mỹ và Anh chở naphtha của Nga có thể đã thúc đẩy việc chuyển hướng một số lô hàng có xuất xứ từ Nga.

5. Theo Bloomberg, Đức đã bắt đầu xem xét các phương án bán cổ phần của công ty năng lượng khổng lồ Uniper, công ty được chính phủ quốc hữu hóa vào năm 2022, với khả năng chào bán cổ phiếu vào cuối năm nay hoặc năm sau.

Đức đã phải quốc hữu hóa Uniper vào năm 2022 để tránh sự sụp đổ trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt và thiếu nguồn cung từ Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine và lệnh trừng phạt của EU.

Bình An

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận