Bản tin Năng lượng Quốc tế ngày 13/3: Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục hỗ trợ giá dầu

Bản tin Năng lượng Quốc tế ngày 13/3: Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục hỗ trợ giá dầu

Bản tin Năng lượng Quốc tế ngày 13/3:

1. Tính đến đầu giờ sáng nay 13/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 77,90 USD/thùng - tăng 0,44%, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 82,27 USD/thùng - tăng 0,43%.

Giá dầu tăng do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại cho nhà đầu tư.

Tại Đông Âu, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các cơ sở năng lượng của Nga có khả năng làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại nước xuất khẩu dầu bằng đường biển lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, sự gia tăng trong hoạt động lọc dầu của Mỹ có thể thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu.

2. Bất chấp việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số thành viên trong liên minh OPEC+, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 2 đã tăng hơn 200.000 thùng mỗi ngày so với tháng 1, do sản lượng cao hơn ở Libya, quốc gia được miễn trừ cắt giảm nguồn cung theo thỏa thuận OPEC+.

Báo cáo thị trường dầu hàng tháng của OPEC (MOMR) cho thấy sản lượng dầu thô từ tất cả các thành viên OPEC đã tăng 203.000 thùng/ngày từ tháng 1 lên 26,57 triệu thùng/ngày trong tháng 2.

3. Tuần trước, Nga đã xuất khẩu khối lượng dầu thô hàng tuần cao nhất từ đầu năm đến nay, ở mức 3,7 triệu thùng/ngày, tăng gần 600.000 thùng/ngày so với tuần trước đó và cao hơn 420.000 thùng/ngày so với mức cắt giảm xuất khẩu đã cam kết, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg giám sát cho thấy.

Xuất khẩu hàng tuần tăng vọt trong tuần tính đến ngày 10/3 có thể là do hoạt động bình thường trở lại tại cảng Kozmino ở Viễn Đông, nơi xuất khẩu bị cản trở bởi cơn bão trong tuần tính đến ngày 3/3.

4. Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã bắt đầu khai thác tại mỏ khí đốt tự nhiên có công suất hàng năm ước tính khoảng 2 tỷ m3.

Reuters đưa tin, trích dẫn một tuyên bố của Sinopec, mỏ này ở tỉnh Tứ Xuyên có trữ lượng ước tính khoảng 100 tỷ m3, đóng góp quan trọng vào sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước của Trung Quốc.

5. Một nhóm chuyên gia ngành dầu mỏ từ công ty năng lượng Petrobras của Brazil đã tới Venezuela theo lời mời của Tổng thống Nicolas Maduro bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Venezuela.

Dẫn các nguồn tin giấu tên, Bloomberg đưa tin phái đoàn Petrobras đã đến thăm một số mỏ dầu ở Bể Maracaibo, khu vực khai thác dầu hàng đầu ở Venezuela và là ưu tiên hợp lý của chính phủ vốn muốn đảo ngược tình trạng sản lượng sụt giảm trong nhiều năm.

Bình An

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận