Cắt giảm điều kiện kinh doanh - Vẫn chờ “đột phá”

Cắt giảm điều kiện kinh doanh - Vẫn chờ “đột phá”

Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua cải cách điều kiện kinh doanh tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây. Với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định, trong đó có một số quy định về điều kiện kinh doanh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến 2023 là 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua cải cách điều kiện kinh doanh tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây - Ảnh minh họa
Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua cải cách điều kiện kinh doanh tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây - Ảnh minh họa

Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng, đôi chỗ vẫn còn mang tính hình thức. Đáng chú ý, các vấn đề lớn, tác động đến doanh nghiệp, dường như “vắng bóng” trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.

Thực tế, báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, năm 2023, qua việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước, cơ quan này nhận thấy còn 9 vấn đề tồn tại. Cụ thể như: số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế lớn hơn số lượng (229 ngành) theo danh mục thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư.

Nhiều ngành nghề “cắt giảm” chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng để rút gọn về hình thức số lượng ngành nghề; số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc một số lĩnh vực quản lý nhà nước cũng tăng lên qua mỗi đợt sửa đổi danh mục; có sự khác biệt, không thống nhất về tên ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành; ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư nhưng không tìm thấy ngành nghề tương ứng tại pháp luật chuyên ngành.

Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng, đôi chỗ vẫn còn mang tính hình thức - Ảnh minh họa
Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng, đôi chỗ vẫn còn mang tính hình thức - Ảnh minh họa

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, nhưng Chính phủ chưa quy định về điều kiện kinh doanh tương ứng; ngành nghề kinh doanh đã được đưa ra khỏi danh mục Phụ lục IV của Luật Đầu tư, nhưng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn hiệu lực thi hành; không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề thiếu thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và một số văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng ngành nghề không được quy định tại danh mục Phụ lục IV của Luật Đầu tư.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) chia sẻ, việc thu gọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên thực tiễn là chưa thực chất, chưa đúng tinh thần cải cách tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể xu hướng chững lại của tiến trình cải cách môi trường kinh doanh nói chung và cắt giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nói riêng, vốn đang tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro và gánh nặng chi phí phải tuân thủ đối với doanh nghiệp.

“Báo cáo của CIEM trong năm 2023 cũng ghi chú một số vấn đề bất cập như: còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ là khá phổ biến. Đây là những thách thức trong pháp luật kinh doanh cần nhanh chóng được khắc phục để tạo lập thể chế minh bạch, thuận lợi và thúc đẩy sự tuân thủ của doanh nghiệp”, bà Thảo bày tỏ.

Không chỉ có vậy, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ rõ, tư duy của các nhà soạn chính sách vẫn nặng về “quản lý” thay vì “phục vụ”. Trong hệ thống pháp luật về kinh doanh hiện hành cũng như đang được soạn thảo, có một số biện pháp quản lý chưa phù hợp, quá mức cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý, vô hình trung tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Đơn cử như yêu cầu quá nhiều giấy phép cho một hoạt động kinh doanh. Điều này quy định trong giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và giấy phép xuất khẩu sản phẩm này. Ngoài ra có một số thủ tục hành chính được thiết kế quá phức tạp, yêu cầu chủ thể kinh doanh phải thực hiện nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, trong hồ sơ xin cấp phép có các “giấy phép con” không cần thiết như quy định kinh doanh dịch vụ bảo tàng...

Chưa kể, một số chính sách đang được soạn thảo lại đang quay lại tư duy kiểm soát thị trường bằng các biện pháp hành chính, như “yêu cầu việc xây dựng, thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phải căn cứ vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác liên quan”...

Từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến bày tỏ, việc cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp là trọng tâm mà Chính phủ cùng các cấp ngành đang hướng tới cần phải đi vào thực chất hơn, có nhiều hành động quyết liệt hơn để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận