Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Ủy ban, đại diện Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Ban Đảng Trung ương.
Về phía Petrovietnam có đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; đồng chí Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn; cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các ban/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo các đơn vị thành viên/ban quản lý dự án/chi nhánh của Tập đoàn.
Cần thống nhất, đoàn kết, chia sẻ, hợp tác để hoàn thành giấc mơ lớn của ngành Dầu khí |
Cách đây đúng 62 năm, ngày 27/11/1961, tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam - Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 được thành lập. Trải qua hơn 6 thập niên với biết bao thăng trầm, các thế hệ người lao động dầu khí đã nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, đó là “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”. Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” của nền kinh tế Việt Nam với hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi; đồng thời đào tạo được đội ngũ lao động dầu khí hùng hậu, có trình độ cao.
Những thành công của Petrovietnam, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua, đã nhận được sự ghi nhận đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường, Petrovietnam không những bảo toàn và phát triển vốn, bảo toàn và phát triển tài sản qua từng năm. Ttính đến giữa năm 2023 quy mô vốn của Tập đoàn tăng hơn 11%, quy mô tài sản cũng tăng hơn 11% so với năm 2020. Đồng thời duy trì, bảo đảm các hoạt động của Tập đoàn được an toàn, ổn định, đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, năm 2022 đã thiết lập hàng loạt kỷ lục trong suốt hơn 60 năm hình thành và phát triển Tập đoàn.
Theo các báo cáo, Tập đoàn đã đạt bình quân tăng trưởng về tổng doanh thu của giai đoạn 2021-2023 là trên 30%/năm so với giai đoạn 2016-2020. Về nộp ngân sách nhà nước, so với giai đoạn trước bình quân đã tăng 40%/năm (giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân khoảng 100.000 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tập đoàn bình quân tăng xấp xỉ 60%/năm. Đặc biệt, thu nhập và đời sống của người lao động tăng 18,2% so với giai đoạn 2016-2020. Tập đoàn cũng tiết kiệm được khoảng 13.900 tỷ trong công tác quản trị. Những con số đó là thành quả của nỗ lực vượt khó của toàn thể người lao động dầu khí từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên, ban quản lý dự án, chi nhánh.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt |
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, trong những năm qua Petrovietnam đã thực hiện và hoàn thành được 7 công việc lớn.
Thứ nhất, Tập đoàn tham gia hoàn thành xây dựng, điều chỉnh các thể chế cơ bản cho hoạt động của Petrovietnam, cho ngành Dầu khí như Luật Dầu khí, Nghị định 45, Nghị định 124, Hiệp định Liên Chính phủ cho các liên doanh… Việc hoàn chỉnh các thể chế đối với ngành Dầu khí sẽ giúp Petrovietnam mở ra được không gian mới, với khung pháp lý cũng như chính sách mới để có những phát triển mới.
Công việc thành công thứ hai là cập nhật chiến lược tái cấu trúc Tập đoàn. Sau rất nhiều năm kiên trì đề xuất, vừa qua, trên cơ sở thống nhất cấp cao từ Chính phủ, các bộ ngành và các ban Đảng Trung ương, đề án thay đổi, điều chỉnh để ban hành những nghị quyết thay thế Nghị quyết 41 đã chính thức trình Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, cũng trong tháng 10 vừa qua, với sự nỗ lực của Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án tái cấu trúc Tập đoàn đến năm 2025. Hai văn bản này có vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới cho Tập đoàn là công nghiệp năng lượng và năng lượng mới bên cạnh những lĩnh vực truyền thống.
Thứ ba, Petrovietnam đã thực hiện thành công và nâng cao hệ thống quản trị Tập đoàn. Trong những năm qua, sự thành công từ việc xây dựng, vận hành hệ thống quản trị, mô hình quản trị đến việc triển khai các đề án về quản trị nguồn lực tổng thể, quản trị mục tiêu tăng trưởng, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi giá trị đã giúp Petrovietnam vượt qua những giai đoạn khó khăn, đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Thứ tư, Tập đoàn đã thành công trong việc cấu trúc và điều chỉnh cấu trúc mô hình kinh doanh cũng như phát triển mở rộng thị trường. Cấu trúc mô hình kinh doanh của Tập đoàn hiện nay đã được cơ cấu rất cân đối giữa các lĩnh vực hoạt động trong Tập đoàn. Trước đây, cơ bản doanh thu và lợi nhuận đến từ khối E&P, nhưng đến nay, mô hình kinh doanh cấu trúc từ các khối khác như dịch vụ, khí, điện... đã đem lại doanh thu lợi nhuận rất cân đối. Tất cả các lĩnh vực của Tập đoàn đều có đóng góp rất quan trọng vào thành quả chung của Tập đoàn. Điều đó giúp cho hoạt động, năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu với sự thay đổi của Tập đoàn bền vững hơn.
Thứ năm, Tập đoàn đã xây dựng và chuẩn bị đội ngũ nhân sự để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Thứ sáu, là việc Petrovietnam đã giải quyết được một loạt các vấn đề tồn tại các dự án khó khăn và đưa vào hoạt động như Sông Hậu 1, Thái Bình 2, khởi động chuỗi dự án Lô B...
Cuối cùng, quan trọng nhất, Petrovietnam đã cơ bản thực hiện thành công Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Các giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn của Tập đoàn, qua đó đã đưa thương hiệu Petrovietnam là 1 trong những thương hiệu có giá trị cao nhất ở Việt Nam hiện nay (khoảng 1,4 tỷ USD; gần gấp đôi so với thời điểm năm 2019). Từ việc tái tạo và phát triển văn hóa Dầu khí, Petrovietnam đã lấy lại được lòng tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xã hội và đặc biệt là của người lao động dầu khí.
Tất cả những thành công, những kết quả nêu trên là sự kết tinh của trí tuệ và tinh thần đoàn kết cùng với các giá trị văn hóa cốt lõi của người dầu khí. Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng gửi lời tri ân tới các thế hệ lãnh đạo, người lao động dầu khí đã đồng hành, hỗ trợ, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam như ngày hôm nay.
Trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng vấn đề khó khăn lớn nhất mà ngành Dầu khí, Tập đoàn phải đối mặt là bước chuyển thời đại của kinh tế, đó chính là bước chuyển về nền tảng phát triển kinh tế, về cơ cấu phát triển, về quy mô và tốc độ của kinh tế vĩ mô. Khó khăn thứ hai là sự biến động phức tạp về địa chính trị dẫn đến những khủng hoảng không thể dự báo. Thứ ba là vấn đề lớn về thị trường có sự thay đổi của các xu hướng lớn như xu hướng dịch chuyển năng lượng, xu hướng chuyển đổi xanh và tốc độ, mức độ phản ứng của internet và chuyển đổi số.
Đối với Tập đoàn, áp lực trong những năm tới là mục tiêu là trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng với tốc độ tăng trưởng 6-6,5%/năm, nhưng dư địa và động lực tăng trưởng đến nay đã tới hạn, thậm chí là đang đi xuống buộc Petrovietnam phải tìm ra động lực mới, đồng thời làm mới động lực cũ.
Để hiện thực hóa giấc mơ trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về mục tiêu tăng trưởng và vai trò trụ cột của Petrovietnam hiện tại và tương lai, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng Tập đoàn phải tiếp tục kế thừa kết quả của giai đoạn vừa qua và tập trung vào các nhóm công nghiệp quan trọng. Đó là, cụ thể hóa, hiện thực hóa các thể chế ta đã đạt được như các cơ chế cho hoạt động E&P, cơ chế cho nâng cao hệ số thu hồi dầu, cơ chế cho lĩnh vực công nghiệp khí, cơ chế cho điện khí LNG… Tiếp đến là tập trung phân công tổ chức thực hiện đồng bộ chiến lược phát triển Petrovietnam; Tập trung vào hiện đại hóa hệ thống quản trị ở bước 2, sau khi thực hiện các công tác giải pháp chuyển đổi số và dịch chuyển năng lượng. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng gốc rễ và phát triển nguồn nhân tài trong Tập đoàn, trong ngành Dầu khí. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo để tạo ra động lực mới và làm mới động lực cũ để phát triển Tập đoàn. Cuối cùng, Petrovietnam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam để tiếp tục định hướng về tư tưởng cốt lõi, mục đích cốt lõi và hệ giá trị cốt lõi của người dầu khí, làm cơ sở, tạo đà để thực hiện các công việc của Tập đoàn trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng, không một ai dù giỏi đến mấy cũng không thể thực hiện công việc một mình. Chính vì vậy, trong dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa của ngành Dầu khí, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng kêu gọi toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động dầu khí hơn bao giờ hết phải thống nhất, đoàn kết, ủng hộ, hợp tác, chia sẻ để cùng nhau tổ chức thực hiện và hoàn thành ước mơ lớn của ngành Dầu khí Việt Nam như mong ước lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Petrovietnam về đích sớm nhiều chỉ tiêu sản lượng và tài chính, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng |
Dầu khí - "Đầu tàu" của nền kinh tế Việt Nam |
Công đoàn Dầu khí Việt Nam đồng hành cùng Petrovietnam thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
H.A
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrovietnam.petrotimes.vn
Tham gia bình luận