Người cao tuổi là nền tảng của gia đình, nguồn lực quan trọng của sự phát triển xã hội, có công lớn đối với gia đình, xã hội và đất nước, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; tuổi cao vẫn tiếp tục đem trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế, sự đóng góp quan trọng của người cao tuổi và dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều chính sách thiết thực nhằm bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi...
Nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi
Dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người; trong đó có 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 trở lên, chiếm 12,8% dân số. Dự báo đến năm 2029, Việt Nam có 17,2 triệu người cao tuổi và năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già,” khi có khoảng 15,46 triệu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Thông tin từ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan chức năng, hằng năm có trên 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ; 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Để nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi, Hội Người Cao tuổi các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Cả nước hiện có trên 77.000 Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. Mới đây Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam đã phát động Liên hoan tiếng hát Người Cao tuổi ở tất cả các địa phương. Liên hoan tiếng hát Người Cao tuổi trên toàn quốc dự kiến tổ chức cuối tháng 10 tới, tại Hà Nội.
[Phiên họp 26: Nhiều băn khoăn về quy định trợ cấp hưu trí xã hội]
Theo các chuyên gia, già hóa là thành tựu của quá trình phát triển, nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế, xã hội và văn hóa, lối sống cho các cá nhân, gia đình, xã hội (thiếu hụt lao động, an sinh xã hội, lương hưu, chi tiêu công, y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giao thông; thay đổi cấu trúc gia đình)…
Phát biểu tại buổi làm việc gần đây với Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Thường trực Ban Bí Trương Thị Mai lưu ý những khó khăn, thách thức khi Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ diễn ra rất nhanh, đòi hỏi phải nhanh chóng có những giải pháp, chính sách xử lý kịp thời, hiệu quả, như lồng ghép vấn đề già hóa dân số trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích phát huy người cao tuổi tham gia các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng khả năng tiếp cận của người cao tuổi đối với các dịch vụ y tế; nghiên cứu xây dựng gói dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, như chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội và chăm sóc tinh thần.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và tăng cường sự tham gia, đồng hành của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, để người cao tuổi luôn sống vui, sống khỏe. Hội Người Cao tuổi các cấp phải chủ động phối hợp với các cấp ủy, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện và sớm có các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi; chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần; tập trung xây dựng các phong trào khuyến khích người cao tuổi được tiếp tục cống hiến, lao động, phát triển kinh tế theo nhu cầu và sức khỏe…
Về công tác chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người cao tuổi, Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết Trung ương Hội sẽ xây dựng chương trình hành động cùng với các giải pháp thiết thực để chỉ đạo hướng dẫn các cấp hội triển khai thực hiện với quyết tâm, hiệu quả cao nhất; đồng thời, kịp thời cụ thể hóa, phổ biến sâu rộng nội dung nghị quyết trong cán bộ, hội viên, người cao tuổi, hướng dẫn các cấp hội tổ chức, thực hiện hiệu quả, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; giúp người cao tuổi tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, góp phần đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí
Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi, Kết luận số 58-KL/TW ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tổ chức, hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với hội và công tác người cao tuổi; quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật phù hợp với chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tốc độ già hóa dân số; tăng cường quản lý Nhà nước, đầu tư nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật, nhất là chính sách bảo đảm an sinh cho người cao tuổi.
Có thể nói, trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra hiện nay, công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi đang ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi được lồng ghép trong nhiều chương trình, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương. Người cao tuổi được tạo điều kiện để tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao... tại địa bàn, khu dân cư…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng nhanh, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, Chính phủ đã đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội trong dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Trong đó, dự thảo luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Đề xuất này nhận được sự đồng tình cao từ giới chuyên gia, người dân, nhất là những người cao tuổi rất mong chờ chính sách được thông qua.
Các chuyên gia an sinh cho rằng lương hưu là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội. Do vây, để không lọt lưới an sinh và theo kịp tốc độ già hóa dân số, đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp. Việc này cũng mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi trong vấn đề an sinh xã hội.
Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người Cao tuổi đề nghị các cấp, ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện công tác này, tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò, thêm nhiều đóng góp cho xã hội; các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 và các chế độ, chính sách, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về người cao tuổi./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.vietnamplus.vn
Tham gia bình luận