Mổ xẻ chiến lược năng lượng mới của Pháp

Mổ xẻ chiến lược năng lượng mới của Pháp

Mổ xẻ chiến lược năng lượng mới của Pháp
Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp

Thoát khỏi hydrocarbon

“Chiến lược Năng lượng và Khí hậu của Pháp” (SFEC), một tài liệu dài 102 trang, đã được đăng tải lên mạng Internet từ ngày 22/11 để lấy ý kiến ​​cộng đồng cho đến ngày 15/12; và gửi đến Brussels. Tài liệu nói về luật sản xuất năng lượng; dự kiến ​​có hiệu lực vào đầu năm 2024.

Các điểm chính của tài liệu đã được phổ biến rộng rãi từ lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu về năng lượng vào tháng 2/2022 tại Belfort. Vào đầu năm 2023, hai đạo luật về “tăng tốc” năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo cũng đã được áp dụng.

Mục tiêu của Chính phủ Pháp: “Thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch” vào năm 2050. Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Pháp có 37% dầu và 21% khí đốt.

Chính phủ cũng kêu gọi: Vì khí hậu và quyền tự chủ năng lượng của đất nước, cần có “một nền kinh tế điều độ hơn, hiệu quả hơn và gần như được cung cấp hoàn toàn bằng năng lượng carbon thấp, do chính đất nước Pháp sản xuất và làm chủ”.

Cũng vào hôm 22/11, bà Agnès Pannier-Runacher - Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, giải thích: Tình trạng phụ thuộc vào hydrocarbon đang "gây áp lực nặng lên hóa đơn tiêu thụ của người Pháp, là nguyên nhân đẩy giá tăng vọt vào năm trước, vì nhiên liệu hóa thạch được khai thác từ Nga, từ Trung Đông, còn chúng tôi thì không thể tự quyết định giá cả".

Bà nói thêm: “Bằng cách sản xuất năng lượng trong nước, chúng tôi tạo việc làm, chúng tôi có thể lắp đặt các khu công nghiệp và kiểm soát hóa đơn của mình”.

Pháp sẽ sử dụng những loại năng lượng nào cho năm 2035?

Theo tài liệu, điện sẽ là năng lượng ngày mai của Pháp. Về mặt hạt nhân, "tất cả các lò phản ứng sẽ được duy trì hoạt động nếu tôn trọng nghiêm ngặt các yêu cầu an toàn và nghiên cứu về cách nâng công suất sản xuất nếu có thể", song song đó là khởi động chương trình lò phản ứng mới (ban đầu là 6 lò EPR2, sau đó là 8 lò).

Tài liệu cũng nhấn mạnh tính cần thiết của việc “sản xuất đại trà tất cả những nguồn năng lượng tái tạo”.

Bắt đầu với năng lượng gió ngoài khơi: Phải đạt được công suất 18 GW vào năm 2035 (tương ứng với 30 trang trại tương tự như trang trại gió ngoài khơi Saint-Nazaire, hiện là trang trại duy nhất còn hoạt động tại Pháp).

Dự thảo cũng cho biết thêm, cần phải nâng gấp đôi tốc độ triển khai năng lượng mặt trời hàng năm nhằm vượt mốc 75 GW vào năm 2035 (với khả năng đẩy xa tham vọng hơn nữa).

Mặt khác, ban đầu, Tổng thống Pháp muốn giảm tăng trưởng lĩnh năng lượng gió. Tuy nhiên, lĩnh vực này sẽ giữ tốc độ hiện tại và vào năm 2035, công suất sản xuất sẽ nâng lên gấp đôi và chạm mốc 40 GW - tương ứng với việc có thêm tầm 1,5 GW mỗi năm (khoảng 40 trang trại). Tuy nhiên, chính phủ kêu gọi "phân phối cân bằng" và đầu tư vào "cải tạo năng lượng" (repowering - theo thuật ngữ gốc), tức là thay thế các turbine gió cũ bằng turbine gió mới hơn, mạnh hơn.

Mổ xẻ chiến lược năng lượng mới của Pháp
Pháp ngừng lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch": Phải phát triển ồ ạt năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng hạt nhân, đồng thời phải "kiểm soát được mức tiêu thụ".

Giảm tiêu thụ

Thế nhưng, chỉ riêng điện thì không thể đáp ứng đủ, nhất là cho các ngành công nghiệp hoặc cho hoạt động sưởi ấm. Công suất khí sinh học (từ rác thải thực phẩm, rác thải nông nghiệp...) phải tăng gấp 5 lần vào năm 2030 và chạm mức 50 TWh. Mục tiêu năm 2050 của Pháp là chỉ sử dụng “duy nhất khí đốt carbon thấp”.

Nhà nước cũng muốn nâng tốc độ tăng trưởng năng lượng địa nhiệt lên gấp 4 lần vào năm 2030.

Nhưng để có thể tự cung cấp năng lượng trong nước, Pháp cũng cần phải giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 40 đến 50% vào năm 2050 so với năm 2021 (-30% vào năm 2030 so với năm 2012).

Bộ trưởng Pháp nói: “Sử dụng điều độ phải là khẩu hiệu trong 30 năm tới”.

Mục tiêu này sẽ bao hàm chủ yếu việc cải tạo nhà cửa và sử dụng xe điện.

Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp nhấn mạnh: “Con số này trông có vẻ khổng lồ, nhưng hầu hết các phương pháp tiêu thụ năng lượng carbon thấp đều có bản chất rất "hiệu quả": Máy bơm nhiệt sẽ có hiệu quả cao hơn nhiều so với lò hơi dầu, tương tự giữa ô tô thường và ô tô điện”.

Một sự chuyển đổi cho tất cả mọi người?

Bộ trưởng cho biết: “Điều quan trọng ở đây, là bảo đảm "thân thiện với hệ sinh thái" không còn là một ý tưởng xa xỉ nữa”. Do đó, bà đề cập đến khả năng viện trợ (trợ giá thu cũ đổi mới, thưởng tiền) và lợi ích tiết kiệm nhiên liệu của ô tô điện. Ngày nay, một chiếc ô tô điện mới được bán với giá 15.000 euro tại Pháp.

Bà nói thêm: Theo thời gian, “quá trình chuyển đổi sẽ bao hàm cả những ngành công nghiệp mới. Dần dần, giá sản phẩm phi carbon sẽ giảm dần và sớm tương đồng với dòng sản phẩm có vết chân carbon”. Như vậy, không phải lúc nào cũng cần có thêm tiền viện trợ từ Chính phủ Pháp.

Chiến lược này sẽ là chủ đề nội dung cho nghị định mới của Pháp, nhằm định hướng năng lượng trong giai đoạn 5 năm.

Tổ chức năng lượng tái tạo France Renouvelables của Pháp hoan nghênh Chính phủ vì đã đưa ra những mục tiêu “dựa trên thực tế”.

Thế nhưng, đại biểu Michel Gioria của tổ chức lưu ý: Nhằm giữ vững những mục tiêu này, thì "nhà nước, tài chính, các quan chức địa phương... ngay từ bây giờ, phải tiến hành" cho nâng công suất năng lượng ngay và giữ nhịp độ đều đặn, nhằm tránh vấp phải những cú sốc năng lượng từng làm rung chuyển đất nước trong những năm gần đây.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận