Chuyên gia năng lượng đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện

Chuyên gia năng lượng đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện

Chuyên gia năng lượng đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng.

PV: Năm 2023, tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện vào những đợt nóng năng cao điểm như tháng 6,7, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

TS Ngô Đức Lâm: Theo tôi, về tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, có một số nguyên nhân chính góp phần vào vấn đề này.

Thứ nhất, là sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện. Miền Bắc đang phát triển nhanh chóng với sự tăng trưởng dân số, công nghiệp và đô thị hóa. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Hệ thống điện cần đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp đủ điện, nhưng việc mở rộng hạ tầng điện không thể thực hiện ngay lập tức.

Thứ hai, tình hình thời tiết cũng góp phần vào tình trạng thiếu điện. Miền Bắc thường xuyên trải qua những thay đổi thời tiết đột ngột như mùa hè nóng, mùa đông lạnh và cơn bão. Các biến đổi này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy điện, đường dây truyền tải và hệ thống điện nói chung.

Thứ ba, việc bảo dưỡng và sửa chữa hạ tầng điện không được tiến hành đúng kế hoạch cũng gây ra tình trạng thiếu điện. Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện, song nếu cả hai đều giảm công suất hoặc gặp sự cố. Đôi khi, các nhà máy điện phải tạm dừng hoạt động để thực hiện bảo trì, nâng cấp hoặc sửa chữa các thiết bị. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện trong một thời gian nhất định.

Thứ tư, chưa huy động hết các nguồn điện, nghĩa là có nhà máy để phát mà không phát điện được. Hàng mấy chục nhà máy năng lượng tái tạo hiện nay có điều kiện hòa lưới điện nhưng do cách thức trong cơ chế quản lý, thảo luận, không có tiếng nói chung nên không đưa được vào hệ thống. Như vậy thiếu điện một phần do khách quan, song cũng có cả lỗi chủ quan, trong cách quản lý có bất cập trong hệ thống ngành điện.

PV: Vậy theo ông, để tránh “vết xe đổ” như năm 2023, cần phải có những giải pháp gì?

Như chúng ta đã biết, năm 2023 vào mùa nắng nóng, nhiều nơi bị cắt điện gây xáo trộn, ảnh hướng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và thiệt hại kinh tế.

Năm nay, trước mắt chưa đến mức phải công bố tình trang khẩn cấp về thiếu điện, tuy nhiên vẫn phải cẩn trọng vì bây giờ mới chỉ là giai đoạn đầu của mùa hè và yếu tố cực đoan của biến đổi khi hậu có thể xảy ra. Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, theo tôi trước mắt phải khẩn trương chuẩn bị tất cả các nguồn điện, các nguồn điện này phải luôn sãn sàng, để làm được vậy, các nhà máy phải tu sửa, bảo hành, bảo dưỡng trước đừng để đến khi nắng nóng mới làm như năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiên liệu phải đầy đủ, phải chuẩn bị trước, các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện phải cam kết cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện trong nước; các hồ thủy điện vận hành hợp lý, hiệu quả. Các nhiên liệu luôn phải sẵn sàng khi cần, đừng để nước đến chân mới nhảy, khi thiếu mới huy động thì sẽ không kịp…

Ngoài ra, phải nâng cấp đường dây truyền tải điện. Với diễn biến thời tiết khó lường như năm nay, nguồn nước có khả năng thiếu theo kế hoạch, nên không thể huy động được công suất từ nguồn thủy điện, do vậy, phải huy động tối đa nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt công suất cho hệ thống. Một trong các biện pháp đó là, cấp điện từ khu vực nơi thừa điện ra nơi thiếu điện, cụ thể chuyển từ miền Nam ra miền Trung và miền Trung ra miền Bắc. Những năm gần đây, miền Bắc thường tiêu thụ điện nhiều hơn ở miền Nam, do vậy phải nâng cấp đường dây truyền tải điện, hiện nay Bộ Công Thương đang đôn đốc EVN cố gắng hoàn thiện đường dây truyền tải điện 500Kv mạch 3, từ Quảng Bình ra Hưng Yên trước tháng 6. Đường dây này hoàn thành, khi đó hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng, giảm thiếu điện cho miền Bắc.

Cùng với đó, cần bổ sung sớm nguồn điện mới, phải đa dạng hóa nguồn điện, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết. Cần sớm huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời để chuyển tiếp đưa vào vận hành với giá tạm tính, trước khi thống nhất được giá bán điện giữa các bên. Cần phải giải quyết những khó khăn vướng mắc về các quy chế, quy định kỹ thuật để hòa điện năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia.

Nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu, nhưng đang tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Vấn đề này tồn tại khá lâu mà chưa giải quyết được, không phải lỗi của EVN hay Bộ Công Thương mà chủ yếu do cơ chế giá và chính sách của chúng ta đang vướng. Tôi cho rằng sắp tới Bộ Công Thương sẽ phải tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội chính sách gỡ vướng cho các dự án này để "xóa treo" sớm. Mục đích phải đáp ứng đủ cung - cầu điện của xã hội.

Ngoài ra, với cơ chế khuyến khích của Chính phủ hiện nay, khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời áp mái để sử dụng nguồn điện mặt trời tại chỗ.

Chuyên gia năng lượng đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện
Điện mặt trời áp mái/Ảnh minh họa

PV: Tiết kiệm điện cũng là một trong các giải pháp để tránh thiếu điện, vậy theo ông, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình phải làm gì để tiết kiệm điện hiệu quả?

TS. Ngô Đức Lâm: Tiết kiệm điện phải thực hiện lâu dài trong suốt quá tình tiêu thụ điện, chứ không phải chỉ thực hiện vào lúc thiếu điện. Để cho việc thực hiện tiết kiệm điện có hiệu quả lâu dài và ổn định, phải tiết kiệm điện từ hai phía, phía sản xuất và tiêu dùng.

Về phía sản xuất, phải nâng cao hiệu suất của các thiết bị truyền tải. Vì truyền tải phải đi xa, cho nên tổn thất điện trên đường dây rất lớn, về các biện pháp kỹ thuật ấy cũng phải có biện pháp giảm.

Tiết kiệm ngay trong chính các nhà máy sản xuất điện, nhà máy điện cũng tiêu hao nguồn điện cực lớn cho sản xuất. Ví dụ, sản xuất ra 10 phần, thì cấp ra 9 phần còn 1 phần tự dùng, tuy nhiên 1 phần tự dùng ấy hiện nay lại ít quản lý, gây lãng phí. Cho nên bản thân các nhà máy cũng phải tiết kiệm, đôi khi tiết kiệm sản xuất còn lớn hơn tiết kiệm tiêu dùng.

Về phía tiêu dùng, đương nhiên cần phải có các biện pháp, cụ thể:

Đối với doanh nghiệp sản xuất, nên áp dụng giá hai thành phần với các doanh nghiệp sản xuất, tức là giá bán theo công suất và giá bán theo sản lượng, áp dụng biện pháp này để tránh các doanh nghiệp sử dụng điện bừa bãi, lãng phí…

Ngoài ra, cho phép bên tiêu dùng được quyền mua điện trực tiếp từ bên sản xuất điện không qua trung gian, bằng hệ thống đường dây riêng, việc này nếu được sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và tiết kiệm điện vì không phải truyền tải điện đi xa.

Bên cạnh đó, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn (như máy nghiền, máy nén khí... vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày), không để các thiết bị điện hoạt động không tải.

Đối với các cơ quan, cần phải có quy định sử dụng các thiết bị hợp lý, cán bộ sau khi rời phòng làm việc phải rút hết dây nguồn ra khỏi ổ cắm, tắt điện những nơi không cần thiết như hành lang, nhà vệ sinh…

Trong các cơ quan hành chính sự nghiệp của một đất nước, có hàng chục vạn đồ điện dân dụng kiểu như: máy vi tính, thiết bị truyền tin, máy photocopy, quạt điện, đèn bàn... Nếu tất cả chúng đều được rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm sau giờ làm việc thì sẽ tiết kiệm được một số điện năng đáng kể. Hơn nữa Việt Nam là một nước có khí hậu ẩm ướt, lượng điện năng hao phí do dòng điện rò còn lớn hơn gấp nhiều lên so với các nước có khí hậu khô ráo.

Còn về các hộ gia đình, lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt; sử dụng điều hòa nhiệt độ có biến tần, vận hành các thiết bị điện một cách hợp lý và tiết kiệm…

Đặc biệt, các gia đình nên sử dụng nhiều các thiết bị tích điện mặt trời, như quạt tích điện năng lượng mặt trời, bóng điện…

PV: Xin cảm ơn ông!

Việc áp dụng những biện pháp tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm chi phí điện hàng tháng mà còn giúp giảm tải cho hệ thống điện quốc gia trong mùa nắng nóng. Đồng thời, việc tiết kiệm điện cũng đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng khí thải sinh ra từ việc sản xuất điện.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận