Chương trình chính thức diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 8 năm 1957. Trong mấy ngày đó, ngoài việc hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Romania, dự mít- tinh với nhân dân thủ đô Bucarest để cảm ơn nước bạn đã giúp đỡ nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Người còn tham quan các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa xã hội, chứng kiến và tham khảo những thành tựu phát triển của nước bạn. Người tham quan Nhà máy Lọc Dầu số 1 ở Ploiesti, được nước bạn cho biết quá trình phát triển của ngành công nghiệp này và đến Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Bucarest gặp gỡ anh chị em lưu học sinh đang học tập ở đó. Người dặn dò anh chị em lưu học sinh cố gắng học tập, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật của nước bạn để về xây dựng Tổ quốc.
Được gặp Người hôm đó là hai đoàn lưu học sinh Việt Nam đầu tiên sang Romania từ năm 1955 và 1956. Trong số đó, có các anh là thế hệ đầu tiên được đào tạo tại Học Viện Dầu Khí và Địa chất (IPGG) của Romania như: anh Tăng Văn Mười và anh Trần Ngọc Toản học chuyên ngành Địa Vật lý; anh Nguyễn Xuân Tùng học chuyên ngành Địa chất.
Những năm sau, Nhà nước Romania đã tiếp tục nhận sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh đào tạo tại Học Viên Dầu Khí và Địa chất cũng như ở các cơ sở sản xuất từ khâu thăm dò khai thác đến khâu chế biến dầu khí (Lọc Hóa Dầu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các lưu học sinh Việt Nam tại Bucarest tháng 8 năm 1957 |
Đội ngũ cán bộ của ngành Dầu khí Việt Nam tiếp thu được tinh hoa của nền giáo dục chuyên ngành Romania
Theo ông Nguyễn Xuân Nhậm, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam: “Ngành Dầu Khí Romania trải qua hàng trăm năm phát triển, đã đạt được thành tựu được cả thế giới biết đến. Xét đến cùng thì sự phát triển rực rỡ của ngành kinh tế mũi nhọn lâu đời, một trong những trụ cột của nền kinh tế của đất nước Rumani, chính là yếu tố con người. Các thế hệ giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư và cộng đồng nhân lực dầu khí bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu đã đánh thức nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, phụng sự Tổ quốc và nhân dân của mình. Nền giáo dục chuyên ngành dầu khí của Romania đã đạt được trình độ tinh hoa của thế giới. Trong giai đoạn từ 1955 đến 1985 (30 năm), có tổng số khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp từ Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest (IPGG) và Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), gồm 90 kỹ sư địa chất, 40 kỹ sư địa vật lý, 38 kỹ sư khoan và khai thác, 39 kỹ sư thiết bị và 45 kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu. Trong số kỹ sư này, đã có khoảng 20 người tiếp tục được nghiên cứu, đào tạo trở thành tiến sĩ ở Rumani, ở một số nước khác và cả ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong giai đoạn cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, còn có 3 đoàn thực tập sinh Việt Nam được cử sang thực tập trong ngành Dầu khí Rumani. Tổng cục Hóa chất cử 2 đoàn thực tập sinh gồm Đoàn Lọc dầu 15 người, thực tập tại các nhà máy Lọc dầu ở Ploiesti và Đoàn Hóa dầu 15 người, thực tập tại Liên hợp Hóa dầu Brazi từ năm 1968 đến năm 1972. Tổng cục Địa chất cử Đoàn thực tập sinh khoan sâu, gồm 45 người, thực tập ở các giếng khoan dầu khí từ năm 1970 đến năm 1974.
Trong số kỹ sư, tiến sĩ, thực tập sinh dầu khí được đào tạo ở Romania, có rất nhiều người đã phát huy được năng lực, trở thành chuyên gia hàng đầu và cán bộ quản lý nòng cốt, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Có trên 60 cán bộ từ cấp trưởng, phó ban, giám đốc các đơn vị sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo đến Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia, cũng như cán bộ cấp vụ làm việc trong Văn phòng Chính phủ và các bộ quản lý ngành Dầu khí của đất nước.”
Đội ngũ cán bộ đào tạo ở Romania đã sát cánh cùng các bạn đồng nghiệp được đào tạo từ Liên Xô và các nước khác chung sức xây dựng ngành Dầu Khí Việt Nam từ buổi đầu trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, vượt qua bao thử thách và đã đạt được thành công rực rỡ.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Dịnh, nguyên Vụ trưởng, trợ lý Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng:
“Những cựu sinh viên Dầu khí Việt Nam tốt nghiệp ở Romania từ năm 1962 tới các thế hệ kế tiếp đều có duyên nghiệp và khá nhiều người gắn liền cuộc đời với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Nhiều người đã cố gắng vươn lên trở thành chuyên gia đầu ngành về mặt chuyên môn và là cán bộ quản lý các cấp trong lĩnh vực dầu khí. Họ đã cống hiến cho sự nghiệp dầu khí bằng công sức và tài năng. Trí tuệ Dầu khí Việt Nam có dấu ấn của tình Hữu nghị Việt - Ru”.
Dấu ấn Hữu nghị Việt – Ru được thể hiện qua các đóng góp của cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh được đào tạo từ lò dầu khí Romania. Kể ra thì rất nhiều, chỉ xin điểm qua một số ví dụ tiêu biểu.
Từ năm 1964, kỹ sư Tăng Văn Mười cùng các chuyên gia Liên Xô lập phương án thăm dò điện cấu tạo đầu tiên tại vùng rìa Đông Bắc và Tây Nam miền võng Hà Nội để phát hiện các cấu tạo có triển vọng dầu khí. Đây là phương án thăm dò điện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng một hệ dạng các phương pháp thăm dò điện như thăm dò điện thẳng đứng (VEZ), đo sâu lưỡng cực (PZ), thiết lập trường (ZCS), dòng Telua (T), từ - Telua (MT.MTP). Ông Tăng Văn Mười, nguyên là Đoàn trưởng Đoàn thăm dò điện 36Đ, tốt nghiệp TS Địa vật lý ở IPGG Romania, TSKH Địa vật lý ở Ba Lan và làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa vật lý Việt Nam, có nhiều đóng góp phát triển ngành Địa vật lý.
Kỹ sư, tiến sĩ địa chất Nguyễn Xuân Tùng là một chuyên gia thạch học nổi tiếng của Việt Nam, có 11 công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành và làm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chất Khoáng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Ngọc Toản tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Địa vật lý năm 1963 và tiến sĩ Địa vật lý năm 1969 tại IPGG, đã nghiên cứu, cải tiến phương pháp điện trường nhân tạo trực giao (ĐNT) của Romania vào việc thăm dò dầu khí các cấu tạo ở vùng trũng Hà Nội từ năm 1973 của Liên đoàn Địa chất 36. Cùng với các nghiên cứu của Tiến sĩ Tăng Văn Mười, các nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Ngọc Toản đã góp phần làm sáng tỏ cấu trúc địa chất miền võng Hà Nội. Tiến sĩ Trần Ngọc Toản từng làm Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật tổng hợp Liên đoàn 36 đầu thập niên 1970, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo năm 1982, Phó Vụ trưởng phụ trách Khoa học Kỹ thuật của Tổng cục Dầu khí năm 1985 và là Viện trưởng Viện Dầu khí giai đoạn 1999-2002.
Kỹ sư Ngô Mạnh Khởi, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý IPGG năm 1964 nguyên là Đoàn trưởng Đoàn Địa vật lý 36F đầu thập niên 1970. Đoàn 36F đã tiến hành nhiều công tác thăm dò địa vật lý tại vùng trũng Hà Nội suốt những năm 1970-1980, trong đó sử dụng trạm Carota khí của Liên Xô và của Romania; có 11 kỹ sư địa vật lý giếng khoan tốt nghiệp ở Romania qua các khóa ra trường từ năm 1972 tham gia cùng các đồng nghiệp được đào tạo từ Liên Xô.
Từ đầu thập niên 1970, nước ta có chủ trương phát triển ngành công nghiệp dầu khí, bắt đầu phải tìm hiểu ngành công nghiệp mới mẻ này. Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Bích (tốt nghiệp KS năm 1963 và TS chuyên ngành hóa năm 1971 tại Romania) tại Ban Dầu khí - Tổng cục Hóa chất giai đoạn 1972-1975 có nhiều đóng góp vào việc lập quy hoạch và làm ấn phẩm thông tin dầu khí, cung cấp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương trong buổi ban đầu chuẩn bị phát triển ngành Dầu Khí, rồi làm Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Lưu trữ - Tổng cục Dầu khí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam.
PGS. TS Phan Từ Cơ tốt nghiệp Kỹ sư và Tiến sĩ Địa chất tại IPGG nguyên là Giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất Việt Nam.
Tiến sĩ Phan Thu Hương tốt nghiệp IPGG 1970, TS về Công nghệ Lọc hóa dầu năm 1980 tại UPG nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật của Bộ Kế hoạch Đầu tư có nhiều đóng góp trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam trong giai đoạn đầu hầu như đều phải dựa vào nước ngoài. KS Nguyễn Xuân Nhậm, tốt nghiệp IPGG năm 1971, khi làm Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí rồi làm Phó Tổng Giám đốc của Tổng công ty Dầu khí Quốc gia, cùng KS Bùi Thọ Mạnh, tốt nghiệp IPGG 1971, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Giám đốc Công ty Vận tải Dầu khí đã đưa lĩnh vưc Dịch vụ Kỹ thuật phát triển ấn tượng, có sức cạnh tranh ngang tầm quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Nhậm khi làm Tổng Giám đốc có nhiều đóng góp làm cho Petrovietnam phát triển mạnh mẽ.
Ngành Dầu Khí Việt Nam từ sau năm 1975 bắt đầu hợp tác với các công ty dầu khí đa quốc gia, các nhà thầu nước ngoài. Các khái niệm dầu khí quốc tế hoàn toàn mới mẻ đối với nước ta đang ở trong hệ thống kế hoạch hóa tập trung của phe xã hội chủ nghĩa (XHCN), như: Hợp đồng nhượng địa, Hợp đồng phân chia sản phẩm, Hợp đồng chìa khóa trao tay…, petrodollar, thời giá đồng tiền, tiền hoa hồng chữ ký, các loại thuế tài nguyên, hiệu quả kinh tế, điểm hoàn vốn của dự án v.v… KS Đỗ Văn Hà, tốt nghiệp IPGG năm 1971, nguyên là Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Petrovietnam, cùng với các bạn đồng môn tốt nghiệp từ IPGG là KS Vũ Trọng Đức, KS Lê Quang Vinh, KS Đỗ Văn Luyện,… đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc chuẩn bị, đàm phán, ký kết thành công các hợp đồng Dầu Khí trong giai đoạn 1975 – 1980 và thập niên 1990. KS Đỗ Văn Luyện sau đó làm Trưởng ban Khí – điện, rồi Giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí.
KS Nguyễn Đăng Liệu tốt nghiệp IPGG năm 1972 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản lý KHCN của Viện Dầu khí từ những năm 1980, Trưởng Ban KHCN của Petrovietnam từ những năm 1990 và là Phó tổng Giám đốc phụ trách công nghiệp Khí, một lĩnh vực rất quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam.
Lĩnh vực triển khai và quản lý các dự án quan trọng, ngành Dầu Khí Việt Nam cũng đi tiên phong trong việc đổi mới từ cơ chế quản lý bao cấp của Khối SEV (các nước XHCN) và tiêu chuẩn GOST của Liên Xô sang tiêu chuẩn quốc tế, phương thức quản lý phương Tây. KS Bỳ Văn Tứ, tốt nghiệp IPGG năm 1971, nguyên là Trưởng ban Ban Quản lý công trình Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Thành Tuy Hạ trong giai đoạn 1982-1990 (hợp tác với Liên Xô) đã có những đổi mới trong quản lý dự án, một công trình trọng điểm quốc gia; giai đoạn 1996 – 2001 nguyên là Phó Giám đốc Công ty Khí đốt (VietGas), đã góp phần áp dụng mô hình quản lý và thực hiện dự án theo phương thức Tổng thầu Thiết kế - Mua sắm – Xây lắp (EPC) của phương Tây đối với công trình đường ống, kho cảng LPG lần đầu tiên ở Việt Nam; giai đoạn 2001-2004 nguyên là Trưởng ban Ban quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, dự án hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam đã vượt qua thử thách và thành công, đạt chất lượng, tiến độ và dự án có hiệu quả kinh tế cao; là chuyên gia lọc hóa dầu được mời tham gia và phản biện nhiều quy hoạch, dự án phát triển công nghiệp khí và khâu hạ nguồn của ngành Dầu khí Việt Nam. Năm 2018 cuốn sách "Romania– xứ sở vàng đen" do ông Tứ chủ biên viết về lịch sử phát triển ngành Dầu Khí Romania và Hợp tác Dầu Khí Việt Nam - Romania được xuất bản ở Việt Nam và được dịch ra tiếng Romania và xuất bản tại Romania năm 2019.
KS Ngô Dương Hùng, tốt nghiệp khoa Công nghệ CBDK năm 1971, nguyên là Phó trưởng ban Ban Chế biến dầu Khí của Tổng công ty Dầu Khí Quốc gia, rồi Trưởng ban Ban Quản lý dự án Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có nhiều đóng góp triển khai dự án này.
TS Trương Đình Hợi (tốt nghiệp IPGG 1972 và TS chuyên ngành Hóa dầu tại Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh năm 2000) từ năm 1974 được phân công phụ trách lĩnh vực nghiên cứu, phân tích dầu thô của Đoàn 36B. Các kết quả phân tích dầu thô và khí tự nhiên đã được cung cấp kịp thời để phục vụ công tác thiết kế công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy chế biến khí Dinh Cố, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau... TS Trương Đình Hợi cũng là Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước mã số 22.01.05.19 “Nghiên cứu sơ đồ công nghệ chế biến khí ngưng tụ mỏ Tiền Hải C (Thái Bình)” cùng với các tác giả khác, trong đó có các kỹ sư tốt nghiệp ở Romania như Nguyễn Văn Chỉnh, Trần Ngọc Côn..., đã hoàn thành xuất sắc, được Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước cấp bằng khen và cấp giấy chứng nhận Quyền tác giả. TS Trương Đình Hợi là Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2001-2007, là tác giả cuốn sách “Hóa học Dầu mỏ và tính chất dầu thô Việt Nam" xuất bản năm 2007.
Viện Dầu khí từ ngày thành lập, ngoài Viện trưởng Trần Ngọc Toản, một số Phó Viện trưởng là cựu sinh viên và nghiên cứu sinh dầu khí Romania như TSKH địa chất Phan Trung Điền (TS tại IPGG năm 1974, TSKH tại Bulgari năm 1988), TS Địa chất Nguyễn Huy Quý (tốt nghiệp KS tại IPGG năm 1973, TS tại Ba Lan năm 1990) giai đoạn 2000-2005, KS Nguyễn Xuân Dịnh (tốt nghiệp IPGG năm 1974), TS Nguyễn Hữu Trung (tốt nghiệp UPG năm 1980 và TS tại Trường Đại học Dầu khí Gupkin Nga năm 1992).
Vào đầu những năm 1980, mỏ khí đầu tiên trên đất liền của Bể trầm tích sông Hồng là Tiền Hải C được phát hiện. Nhóm công tác của Viện Dầu khí do KS Nguyễn Xuân Dịnh chủ trì được giao nhiệm vụ triển khai việc tính toán trữ lượng của mỏ khí này. Số liệu khai thác sau hơn 30 năm đã chứng minh con số trữ lượng cấp 2P do Viện Dầu khí tính toán vào năm 1982 là phù hợp với thực tế.
Vào cuối những năm 1980, để chuẩn bị thu hút đầu tư nước ngoài vào thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Petrovietnam đã giao cho Viện Dầu khí tiến hành nghiên cứu cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích nằm ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam bao gồm các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chính - Vũng Mây và Mã Lai - Thổ Chu. Các kỹ sư Nguyễn Quang Bô (tốt nghiệp Địa chất IPGG năm 1972), Lê Văn Trương (tốt nghiệp Địa chất IPGG năm 1972), Nguyễn Quyết Thắng (tốt nghiệp Địa chất IPGG năm 1972), Lê Văn Dung (tốt nghiệp Địa Vật lý IPGG năm 1972), Lâm Văn Lanh (tốt nghiệp Địa chất IPGG năm 1972), Nguyễn Mạnh Huyền (tốt nghiệp Địa Vật lý IPGG 1973), Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Xuân Dịnh, Lý Trường Phương (tốt nghiệp Địa chất IPGG năm 1974), Hoàng Ngọc Đang (tốt nghiệp Địa chất Trường Đại học Tổng hợp Bucarest năm 1984, TS tại Trường Đại học Mỏ và Địa chất Việt Nam năm 2002), Vũ Quang (tốt nghiệp Địa chất tại Trường Đại học Tổng hợp Bucarest năm 1984) đã tham gia thực hiện công việc này. Kết quả tính toán tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích nói trên kết hợp với kết quả hợp tác đánh giá khả năng sinh thành dầu khí của bể trầm tích Nam Côn Sơn với Công ty Robertson của Anh quốc đã tạo ra tiền đề khoa học có ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam vào những năm 1990.
Thông qua việc hợp tác với tổ chức thăm dò khoáng sản ngoài khơi châu Á và Thái Bình Dương (CCOP), các phần mềm tính toán tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích chưa có giếng khoan (PRASS1) từ Hoa Kỳ và các bể trầm tích đã có giếng khoan (FASPUM) từ Canada đã được chuyển giao thành công. KS Nguyễn Xuân Dịnh được giao nhiệm vụ tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các phần mềm này.
Bể trầm tích Nam Côn Sơn tuy có nhiều tiềm năng dầu khí nhưng tại đây xuất hiện nhiều dị thường áp suất (DTAS). Việc xác định DTAS trước khi khoan nhằm giúp các nhà đầu tư sử dụng chế độ dung dịch khoan hợp lý để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong quá trình khoan là việc làm có tính khoa học và thực tiễn to lớn. Viện Dầu khí đã giao cho nhóm công tác bao gồm KS Lê Vân Dung, KS Nguyễn Xuân Dịnh và 3 chuyên gia khác tiến hành nghiên cứu. Nhóm tác giả đã nghiên cứu thành công giải pháp xác định DTAS trước khi khoan tại bể trầm tích Nam Côn Sơn. 11 nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Esso-Mobil, Total, British Gas... đã đặt hàng mua sản phẩm tính toán DTAS của Viện Dầu khí theo hình thức Viện Dầu khí chuyển giao kết quả tính toán DTAS trước khi khoan cho nhà thầu, nhà thầu chỉ trả tiền sau khi khoan cho Viện Dầu khí nếu sai số thực tế của DTAS ≤± 10% so với giá trị tính toán. Tất cả các nhà thầu đều hài lòng với kết quả tính toán DTAS do Viện Dầu khí chuyển giao. Phần mềm tính toán này đã mang về cho Viện Dầu khí hơn 100.000 USD vào cuối những năm 1990.
Để nâng cao hệ số thu hồi dầu và khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, nhiều chuyên gia trong đó có KS Đinh Hữu Kháng (tốt nghiệp IPGG năm 1973), TS Vũ Văn Viện (tốt nghiệp UPG năm 1977, TS Khai thác Dầu khí tại Trường Đại học Dầu khí Gupkin Nga năm 1991) và TS Nguyễn Hữu Trung đã tham gia nghiên cứu thành công công nghệ bơm ép nước để nâng cao hệ số thu hồi dầu từ 25% lên 45%. Thành công của giải pháp công nghệ này đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác dầu và khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ.
Để triển khai các dự án Khí - Điện - Đạm Vũng Tàu, Khí - Điện - Đạm Cà Mau và định hướng phát triển các dự án khí phía Bắc, Petrovietnam đã giao cho Viện Dầu khí triển khai các dự án quy hoạch thị trường khí Đông Nam Bộ, thị trường khí phía Bắc và quy hoạch phát triển khí Tây Nam. KS Nguyễn Xuân Dịnh được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm các dự án quy hoạch này.
KS Đặng Thị Hồng Vân đã cùng nhóm tác giả của Viện Dầu khí nghiên cứu thành công quy trình công nghệ chế biến bột silica từ cát của Việt Nam để sản xuất dung dịch khoan.
Vào đầu những năm 1990, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam không tin tưởng vào khả năng phân tích mẫu của các phòng thí nghiệm của Viện Dầu khí. Nhiều nhà thầu muốn gửi mẫu lõi đến các phòng thí nghiệm ngoài Việt Nam để phân tích. Viện Dầu khí đã đề xuất phương án đề nghị Nhà thầu BHP của Australia mời thanh tra kỹ thuật quốc tế vào thẩm định năng lực phân tích mẫu của Viện Dầu khí. Kết quả thẩm định của chuyên gia kỹ thuật từ Học viện Dầu mỏ Pháp (IFP) đã khẳng định Viện Dầu khí hoàn toàn đủ khả năng phân tích mẫu lõi đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên gia thẩm định IFP đánh giá rất cao năng lực trí tuệ và kinh nghiệm của TS Nguyễn Hữu Trung trong lĩnh vực phân tích và tổng hợp số liệu phân tích mẫu.
Việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của hoạt động dầu khí được Petrovietnam và nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm. KS Hoàng Văn Thạch (tốt nghiệp IPGG năm 1974) được giao nhiệm vụ thực hiện nhiều đề tài, dự án với các nhà đầu tư dầu khí trong lĩnh vực này và trở thành Phó giám đốc trung tâm rồi Phó trưởng ban An toàn - Môi trường của Petrovietnam.
Các kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu tốt nghiệp IPGG năm 1971 như KS Bỳ Văn Tứ, Phùng Văn Chiến, Phạm Ngọc Thường, Hoàng Chân (1972) đã tham gia trong Ban Dầu khí - Tổng cục Hóa chất làm quy hoạch phát triển và chủ trì lập phương án xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu ở miền Bắc giai đoạn 1971-1975; sau đó cùng các đồng nghiệp khác như Ngô Dương Hùng, Nguyễn Văn Vượng, Lê Xuân Ba, Nguyễn Thị Phương Hải, Nguyễn Mậu Phương... tại Phòng Quản lý Thiết kế và Công nghệ Lọc hóa dầu do KS Bỳ Văn Tứ phụ trách ở Cục Xây dựng cơ bản của Tổng cục Dầu khí giai đoạn 1975-1980 tiếp tục cập nhật các phương án Nhà máy Lọc hóa dầu Tĩnh Gia -Thanh Hóa và Thành Tuy Hạ - Đồng Nai làm cơ sở cho việc đàm phán với các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất.
Trong giai đoạn này, các kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu còn đề xuất phương án Việt Nam tự thiết kế, xây dựng Trạm chế biến khí tại Tiền Hải - Thái Bình thay thế cho việc nhập khẩu công trình do Công ty Serete của Pháp chào hàng vì vào thời điểm đó rất khan hiếm ngoại tệ. Đề xuất nói trên được Tổng cục Dầu khí chấp nhận chủ trương để Cục Xây dựng cơ bản phối hợp với Công ty Thiết kế, Công ty Dầu khí I và Công ty Vật tư triển khai. Dự án này được Công ty Dầu khí 1 thực hiện trong giai đoạn 1981-1985 và được Giám đốc Công ty Dầu khí I cấp giấy chứng nhận sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất “Thiết kế trạm tách khí phục vụ tua bin điện” cho nhóm kỹ sư Nguyễn Mậu Phương (tốt nghiệp IPGG năm 1975) và đồng tác giả Phùng Đình Thực, Dương Tuấn Khanh, Trần Quang Khải...
Trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật dầu khí, KS Trần Quang Vinh (nguyên là Trưởng đoàn thực tập sinh Lọc dầu) làm Hiệu trưởng đầu tiên và KS Nguyễn Khải làm Hiệu phó Trường Công nhân kỹ thuật Dầu Khí ở Bà Rịa.
Trong lĩnh vực chỉ huy, điều hành thi công ở khâu tìm kiếm, thăm dò dầu khí, các kỹ sư đào tạo từ Romania có nhiều đóng góp quan trọng: KS Vũ Chấn Đán, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Romania năm 1972 làm Trạm trưởng Trạm bắn mìn mở vỉa những tập chứa theo kết quả minh giải tài liệu karota tổng hợp và Carota khí, bắn mìn lấy mẫu đá thành giếng khoan để xác định thành phần thạch học đá chứa và nổ mìn cứu kẹt cần khoan bằng phương pháp nổ rung để tháo cần và bắn cắt cần; KS Nguyễn Văn Thanh, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Romania năm 1973 làm Tổ trưởng Tổ chuyên đề chịu trách nhiệm thử nghiệm các máy mới nhập về, các máy có hệ thống điều khiển chuẩn chỉnh phức tạp hồi đó như Carota siêu âm, cảm ứng, phóng xạ phát xung và các máy chịu nhiệt độ cao; KS Lê Tiến Nghinh, tốt nghiệp chuyên ngành Địa vật lý Romania năm 1972 làm Tổ trưởng Tổ minh giải tổng hợp, có nhiệm vụ giải thích nhanh tại giếng khoan ngay sau khi kết thúc đo Carota để có kết quả sớm nhất tiến hành các công việc tiếp theo, như thử vỉa bằng phương pháp KI, bơm trám xi măng v.v...
Nhờ được đào tạo trong môi trường chất lượng cao của các trường đại học hàng đầu của Romania về dầu khí, các du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp đã phát huy tốt năng lực của mình trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực KHCN. Trong số họ, nhiều người đã trở thành chuyên gia giỏi tầm cỡ quốc tế, đã và đang góp phần xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam ngày càng phát triển lên tầm cao mới.
Bỳ Văn Tứ
Triển khai Chuỗi dự án Lô B: Những vấn đề đặt ra |
TS. Nguyễn Quốc Thập: Hội Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tư vấn, phản biện |
Hội Dầu khí Việt Nam trao tặng hai kỷ vật quý để trưng bày tại Nhà Truyền thống Dầu khí Thái Bình |
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrovietnam.petrotimes.vn
Tham gia bình luận