Chính phủ, ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp giải bài toán "nguồn vốn"
Trong điều hành kinh tế vĩ mô, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và có nhiều chỉ đạo trong lĩnh vực này, coi đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trong đó, Thủ tướng yêu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực vào cuộc thực hiện chủ trương của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ…
Hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở đối với các khoản vay của doanh nghiệp/ Ảnh minh họa/ |
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm lãi suất huy động , qua đó lãi suất cho vay cũng giảm theo. Hiện lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,1 - 10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất dành cho các khách hàng cùng các gói hỗ trợ tín dụng quy mô lớn đã, đang góp phần giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần tăng trưởng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng.
Đơn cử như từ đầu năm 2024, Vietcombank triển khai đồng loạt các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Lãi suất chỉ từ 5,3%/năm đối với các khoản vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
SHB cũng đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Chương trình ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp quy mô 11 nghìn tỷ, Chương trình ưu đãi lãi suất USD cho doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu quy mô 50 triệu USD, với lãi suất đang được áp dụng là 6,63%/năm.
Bên cạnh đó, SHB còn chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn, đào tạo miễn phí tài chính doanh nghiệp, nhằm đảm bảo chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại.
SHB cũng là ngân hàng tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Lãnh đạo Agribank khẳng định bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng chủ động dành nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là trong giai đoạn then chốt của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, lãnh đạo Agribank cho hay: Từ nay đến hết ngày 31/12/2024, khách hàng doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đến 2%/năm từ Agribank để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh. Chương trình ưu đãi hướng đến các doanh nghiệp có phương án, hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vốn vay ngắn hạn.
Năm 2024, Agribank dự kiến dành hơn 100.000 tỷ đồng vốn ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu tín dụng. Ngay từ đầu năm, Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, triển khai ưu đãi tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp đầu tư dự án thuộc 6 ngành trọng điểm (lãi suất cố định năm đầu chỉ từ 6,0%/năm); dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay bổ sung vốn lưu động ngắn hạn (lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường đến 1,5%/năm).
Trước đó, Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 22/2/2024, Agribank tiếp tục dành 20.000 tỷ đồng tín dụng ngắn hạn với lãi suất đặc biệt ưu đãi đồng hành cùng 19 Tập đoàn, Tổng công ty có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Bên cạnh các giải pháp tích cực hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cũng dành ưu đãi tín dụng cho cá nhân vay tiêu dùng, doanh nghiệp tư nhân vay phục vụ sản xuất kinh doanh… và các chương trình ưu đãi thuộc lĩnh vực xanh góp phần vào việc thực hiện cam kết Net Zero và phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Hướng đi nào cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng?
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất không phải yếu tố duy nhất để họ quyết định vay vốn ở đâu, mà điều quan trọng là những giải pháp tổng thể của ngân hàng có hỗ trợ doanh nghiệp tốt hay không, như quy trình phê duyệt và thời gian giải ngân và ngân hàng cần tăng hạn mức tín dụng để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh…
Tăng hạn mức tín dụng để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh/Ảnh minh họa/ |
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đa số người dân và doanh nghiệp muốn vay vốn trung và dài hạn nhưng hiện nay mức lãi suất thường chỉ cố định trong năm đầu tiên, sau đó lại thả nổi, điều đó gây khó khăn cho họ rất nhiều trong việc hoạch định tài chính trong tương lai như thế nào, do vậy nếu ngân hàng tung ra gói lãi suất cố định trong thời gian dài thì người dân và doanh nghiệp sẽ tự tin hơn trong việc vay vốn.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh kinh tế còn dự báo nhiều khó khăn, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tỷ lệ vay tín chấp lên mức cao nhất. Hiện tỷ lệ vay vốn tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (viết tắt là SMEs) trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng, bên cạnh những nỗ lực từ chính bản thân doanh nghiệp, cũng cần có sự cởi mở và thông thoáng từ các tổ chức tín dụng, cũng như những hỗ trợ cần thiết từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước hết, đối với các SMEs, phải tuyệt đối trung thực trong việc hợp tác và cung cấp thông tin cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, cũng như quá trình kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay và xử lý khoản vay một khi khoản vay đã trở thành nợ xấu.
Việc làm này, trước hết, tạo thuận lợi cho quá trình thẩm định của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nó còn tạo được lòng tin và sự tín nhiệm cũng như thiện cảm ban đầu từ các tổ chức tín dụng cho vay. Các chủ doanh nghiệp SMEs, bên cạnh kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm có được, cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về quản trị tài chính, đặc biệt các chủ doanh nghiệp SMEs phải có kiến thức về kiểm soát chi phí và quản trị dòng tiền, phải đọc và hiểu được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng khi thẩm định để ra quyết định cấp tín dụng cũng cần lưu ý đến yêu cầu quan trọng này đối với các chủ doanh nghiệp SMEs, vì thực tế hiện nay, đa phần các chủ SMEs không phải là những người được đào tạo bài bản về lĩnh vực tài chính kế toán, nên việc chi tiêu và cân đối dòng tiền thường không hiệu quả và hợp lý.
https://petrotimes.vn/
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrotimes.vn
Tham gia bình luận