Nhịp đập năng lượng ngày 11/11/2023

Nhịp đập năng lượng ngày 11/11/2023

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

4 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa gửi hồ sơ đàm phán giá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 10/11/2023, số lượng dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 81/85 dự án, với tổng công suất 4.597,86 MW.

Trong đó, có 69 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.927,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/69 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW. Lũy kế đến ngày 3/11/2023, các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD đã phát điện thương mại lên lưới với sản lượng điện tính từ thời điểm COD đạt gần 793,4 triệu kWh.

Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện tại, có 24 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được nghiệm thu công trình/một phần công trình; 30 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Như vậy, hiện vẫn còn 4 dự án điện chuyển tiếp với tổng công suất 136,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán, gồm: Nhà máy điện gió số 18 - Sóc Trăng; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 2.2; Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu giai đoạn 1; Nhà máy điện mặt trời Ngọc Lặc.

Hàn Quốc và Nhật Bản thiết lập chuỗi cung ứng nhiên liệu hydro chung

Ngày 11/10, The Japan Times đưa tin, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thiết lập một mạng lưới cung cấp chung cho các nhiên liệu như hydro và amoniac (một nguyên liệu điều chế hydro). Theo kế hoạch, Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ công bố khuôn khổ này vào ngày 17/11 tại Mỹ, nơi hai nhà lãnh đạo dự kiến tham gia hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Nhật Bản và Hàn Quốc có kế hoạch hợp tác để đàm phán giá cả và khối lượng, báo Nhật Bản Nikkei cho biết, và các tổ chức tài chính do chính phủ hậu thuẫn – như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - sẽ tham gia hỗ trợ tài chính cho các dự án liên quan tới hydro và amoniac bên ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, những năm qua, Nhật Bản và Hàn Quốc có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng hạ tầng năng lượng mới, cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Kazakhstan cung cấp nguyên liệu hạt nhân cho Trung Quốc

Kazakhstan, nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới, hôm 9/11 tuyên bố đã ký kết “hợp đồng dài hạn” cung cấp uranium cho Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa quốc gia Trung Á giàu tài nguyên thiên nhiên và Bắc Kinh.

Thông báo này được đưa ra một tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Kazakhstan, bên lề thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân đã được ký kết giữa Kazatomprom và công ty Framatome của Pháp.

Ngoài Trung Quốc, nước này đặc biệt hợp tác với Nga và Pháp trong lĩnh vực hạt nhân thông qua liên doanh. Ba quốc gia này cùng với Hàn Quốc, dự kiến ​​​​sẽ cung cấp lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Kazakhstan, việc xây dựng nhà máy này phải được quyết định bằng cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay.

Hungary ra tối hậu thư về khí đốt Nga

Hungary đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện hành động pháp lý chống lại Bulgaria, sau khi quốc gia này áp thuế quá cảnh nhắm vào khí đốt Nga. Thông tin trên được ông Janos Boka, bộ trưởng các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU), công bố trên Facebook hôm 10/11.

Theo Bộ trưởng Boka, Hungary tin rằng hành động của Bulgaria đã vi phạm các quy định của EU về thị trường nội địa, cũng như về liên minh hải quan và chính sách thương mại chung, nhất là khi Bulgaria không tham vấn Hungary trước khi áp thuế. Bộ trưởng Boka nhấn mạnh nếu EC không hành động, Hungary sẽ đưa vụ việc lên tòa án của EU trước cuối năm nay.

Bulgaria tháng trước khiến Hungary và Serbia nổi giận, khi áp mức thuế quá cảnh khoảng 11 USD/MWh lên khí đốt Nga. Hungary là quốc gia nhận phần lớn khí đốt từ Nga thông qua đường ống Turkstream. Chính phủ Bulgaria nhận định mức thuế nêu trên sẽ không làm tăng giá khí đốt dành cho Hungary và Serbia, mà sẽ chỉ khiến lợi nhuận của Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom sụt giảm.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận