Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Nga sẽ dỡ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào tuần tới
Ba nguồn tin trong ngành nói với Reuters hôm 9/11 rằng các nhà sản xuất nhiên liệu của Nga đã được Chính phủ yêu cầu chuẩn bị cho việc dỡ bỏ tất cả các hạn chế còn lại đối với việc xuất khẩu dầu diesel và xăng. Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov hôm 8/11 cho biết Nga đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với một số loại xăng.
Một nguồn tin giấu tên của công ty dầu mỏ Nga cho biết: “Họ nói với các nhà sản xuất rằng xuất khẩu sẽ được mở cửa từ tuần tới”. Một nguồn tin khác trong ngành cho biết lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ vào tuần tới. “Họ hứa sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vào tuần tới. Liên quan đến lời hứa này, chúng tôi đã lập lịch trình xuất khẩu và kế hoạch lọc dầu”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Nga, nước xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển hàng đầu thế giới, đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào ngày 21/9 để giải quyết tình trạng thiếu hụt và giá cả trong nước tăng cao. Sau đó, Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế vào ngày 6/10, cho phép xuất khẩu dầu diesel bằng đường ống, nhưng vẫn giữ nguyên các biện pháp về xuất khẩu xăng. Việc cung cấp xăng dầu ở nước ngoài bằng xe tải và đường sắt cũng bị cấm.
Trung Quốc bắt đầu bán lại LNG kiếm lời
Trung Quốc - nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới - đang tái xuất loại nhiên liệu này cho các khách hàng châu Á khác để tận dụng biến động giá. Theo số liệu từ hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã tái xuất 617.000 tấn LNG nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023, so với 576.000 tấn của cả năm 2022, 26.000 tấn vào năm 2021 và 59.000 tấn vào năm 2020.
Doanh số LNG của Trung Quốc tăng cùng với nhu cầu của châu Á ngày càng tăng sau khi nguồn cung của Nga xuất sang châu Âu bị gián đoạn do giao tranh ở Ukraine, làm biến động giá cả và nguồn cung thắt chặt trên toàn thế giới. Công ty LNG hàng đầu Trung Quốc PetroChina International (PCI) dẫn đầu các giao dịch này, được hải quan Trung Quốc ghi nhận là xuất khẩu từ các kho ngoại quan.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, Hàn Quốc là khách hàng chính kể từ đầu 2023, chiếm 27% lượng hàng được Trung Quốc tái xuất, tiếp theo là Thái Lan, Bangladesh, Nhật Bản và Kuwait. Trung Quốc cũng nhận xuất LNG đến Australia và Indonesia với các điều khoản điểm đến linh hoạt.
Báo Mỹ và Đức công bố kết luận điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream
Ngày 11/11, tờ The Washington Post (Mỹ) và tờ Der Spiegel (Đức) công bố kết luận điều tra chung rằng vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9/2022 có vai trò quan trọng của Đại tá Roman Chervinsky - từng phục vụ trong Lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Ukraine.
Các tờ báo dẫn các nguồn tin từ quan chức Ukraine và châu Âu cho biết ông Chervinsky là “người điều phối” hoạt động tấn công đường ống, quản lý hậu cần và hỗ trợ cho một nhóm sáu người thuê máy bay, thuyền buồm và sử dụng thiết bị lặn biển để đặt chất nổ lên đường ống.
Hai tờ báo kết luận rằng ông Chervinsky không hành động một mình mà nhận lệnh từ các quan chức cấp cao hơn của Ukraine. Sau đó, các quan chức này báo cáo tình hình lên Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny. “Vai trò của sĩ quan này là bằng chứng trực tiếp nhất cho đến lúc này cho thấy đội ngũ lãnh đạo an ninh và quân đội Ukraine có liên quan một cuộc tấn công nguy hiểm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu” - theo The Washington Post. Ông Chervinsky phủ nhận kết luận từ 2 tờ báo trên.
ExxonMobil khởi động dự án đường ống dẫn dầu lớn tại Argentina
ExxonMobil đã tiến hành đấu thầu dự án đường ống dẫn dầu trị giá 75 triệu USD ở Argentina, nhằm mục đích tăng sản lượng dầu từ mỏ dầu đá phiến Vaca Muerta. Người phát ngôn của ExxonMobil tuyên bố, ứng cử viên thắng thầu sẽ thiết kế và xây dựng đường ống Bajo del Choique Nordeste với công suất 8.000 - 12.000 thùng/ngày, với khả năng công suất vượt 60.000 thùng/ngày.
Đường ống dài 43 km từ lô Bajo del Choique-La Invernada (dự án lớn nhất của ExxonMobil tại Vaca Muerta) đến một kết nối với hệ thống vận chuyển dầu thô xuyên Đại Tây Dương. Người phát ngôn cho biết thêm, ExxonMobil đang tiếp nhận hồ sơ dự thầu đến cuối tháng 11, để thi công đường ống vào nửa đầu năm 2024 và bắt đầu vận chuyển dầu vào cuối năm đó.
Dự án này cho phép sử dụng đường ống để vận chuyển dầu thô thay vì xe tải, điều này giúp ExxonMobil tăng sản lượng. Theo số liệu từ Viện Dầu mỏ và Khí đốt Argentina (IAPG), lô Bajo del Choique hiện sản xuất khoảng 7.600 thùng/ngày.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrotimes.vn
Tham gia bình luận