Núi lửa phun trào ở Tonga bắn 146 triệu tấn nước lên khí quyển

Núi lửa phun trào ở Tonga bắn 146 triệu tấn nước lên khí quyển

Hình ảnh từ vệ tinh của NASA cho thấy quy mô thực sự vụ phun trào núi lửa ở Tonga, diễn ra vào tháng 1 năm nay.

Vào ngày 15/1, khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào dưới đáy biển, nó đã tạo ra sóng thần và vụ nổ siêu thanh (sonic boom) 2 lần liên tiếp, theo CNN. Bên cạnh đó, vụ phun trào đã thổi một lượng lớn hơi nước vào tầng bình lưu, cách bề mặt Trái đất 12-53km.

Theo tính toán từ một vệ tinh của NASA, lượng hơi nước này đủ để lấp đầy thể tích của 58.000 bể bơi chuẩn Olympic.

Phát hiện được thực hiện bởi thiết bị Microwave Limb Sounder (MLS) trên vệ tinh Aura của NASA. Vệ tinh này có thể đo hơi nước, chất lượng tầng ozone và các khí khác trong bầu khí quyển. Sau khi vụ phun trào ở Tonga xảy ra, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước kết quả đo hơi nước.

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vụ phun trào ở Tonga tạo ra vùng khói bụi rộng lớn.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vụ phun trào ở Tonga tạo ra vùng khói bụi rộng lớn. (Ảnh: Phys).

Họ ước tính rằng vụ phun trào đã đưa 146 teragram, hay 146 tỷ kg nước đến tầng bình lưu. Trong trường hợp này, nó bằng 10% lượng nước đã có trong tầng bình lưu. Thậm chí, con số này còn cao hơn gần 4 lần so với lượng hơi nước được tạo ra từ vụ phun trào Pinatubo ở Philippines vào năm 1991.

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì giống như vậy. Chúng tôi đã phải kiểm tra cẩn thận tất cả các phép đo trong thiết bị để đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy”, ông Luis Millan, nhà khoa học nghiên cứu khí quyển tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cho biết.

Công cụ Microwave Limb Sounder (MLS) có thể đo tín hiệu tự nhiên của vi sóng từ bầu khí quyển của Trái đất và tiến hành ước tính ngay cả trong trường hợp những đám mây tro dày đặc.

“MLS là công cụ duy nhất để ghi lại chùm hơi nước khi các hiện tượng tự nhiên xảy ra. Bên cạnh đó, MLS còn không bị ảnh hưởng bởi tro bụi mà núi lửa tạo ra”, ông Millan nói.

Song, vụ phun trào ở Tonga có điểm đặc biệt là hơi nước được tạo ra có thể giữ nhiệt, khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất ấm hơn. Theo các nhà nghiên cứu, hơi nước dư thừa có thể tồn tại trong tầng bình lưu trong vài năm.

May mắn thay, hiệu ứng làm ấm của hơi nước tương đối nhỏ và có tính tạm thời. Nhiệt độ sẽ trở về bình thường khi lượng hơi nước thừa giảm đi. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng này không đủ để làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu, mà chỉ ảnh hưởng một thời gian ngắn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận