Dự án phát triển Mỏ Sư Tử Trắng |
Nghị định 45/2023/NĐ-CP hướng dẫn, trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt hoặc trong thời hạn 6 tháng trước khi kết thúc kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, trên cơ sở kế hoạch phát triển mỏ dầu khí do nhà thầu lập được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 2 bộ hồ sơ (gồm 1 bộ hồ sơ gốc và 1 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí; Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có); Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 48 Luật Dầu khí; Bản tóm tắt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí; Thỏa thuận hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí giữa các bên liên quan (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định của Nghị định này; Thỏa thuận phát triển chung mỏ dầu khí (nếu có) trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc phát triển chung mỏ dầu khí đã được phê duyệt theo quy định tại Nghị định này; Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.
Việc thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí được thực hiện theo hình thức hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định (bao gồm đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan) và tổ chuyên viên giúp việc hội đồng thẩm định.
Trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu, ngoài việc thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bằng hình thức hội đồng thẩm định, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra kế hoạch phát triển mỏ dầu khí. Kinh phí thuê tư vấn thẩm tra được lấy từ nguồn chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí quy định tại điểm c khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí. Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với nhà thầu. Thời gian thẩm tra không quá 90 ngày.
Nghị định 45 nêu rõ, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (bao gồm báo cáo thẩm tra của tổ chức tư vấn, nếu có yêu cầu), hội đồng thẩm định hoàn thành thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương quy định tại khoản 6 Điều 48 Luật Dầu khí được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí đối với các trường hợp điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 48 Luật Dầu khí được xác định trên tổng mức đầu tư cộng dồn trong lần phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí gần nhất và được thực hiện theo quy trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành.
Điều 48 Luật Dầu khí 1. Sau khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt hoặc trước khi kết thúc thời hạn thực hiện của kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, nhà thầu lập kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt. 2. Nội dung chính của báo cáo kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bao gồm: a) Kết quả thực hiện của kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (nếu có); b) Kết quả nghiên cứu đặc điểm địa chất mỏ; c) Số liệu và các phân tích thành phần, tính chất chất lưu và vỉa chứa, các nghiên cứu về mô hình mô phỏng mỏ, công nghệ mỏ và thiết kế khai thác, dự báo về sản lượng khai thác dầu khí, hệ số thu hồi dầu khí; d) Các thông tin về công nghệ khai thác và các nghiên cứu khả thi; đ) Công nghệ khoan và hoàn thiện giếng; e) Mô tả hệ thống công trình và thiết bị khai thác được sử dụng; g) Báo cáo thuyết minh thiết kế kỹ thuật tổng thể; h) Các kế hoạch về bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái bao gồm cả an toàn và xử lý sự cố, giải pháp ngăn chặn, xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm và thu dọn công trình dầu khí; i) Tính toán tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của dự án; k) Đánh giá mức độ rủi ro công nghệ và tài chính của dự án; l) Tiến độ, lịch trình thực hiện; m) Thống kê những nguyên tắc, quy định kỹ thuật được áp dụng trong quá trình khoan khai thác; n) Thỏa thuận khung bán khí đối với dự án khai thác khí; o) Ước tính chi phí thu dọn công trình dầu khí; p) Đối với dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển, ngoài những nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản này phải có các nội dung chính sau đây theo quy định của pháp luật về xây dựng: thông tin hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi đất, nhu cầu sử dụng đất; địa điểm xây dựng; phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình; giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng; đánh giá tác động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của dự án; q) Kết luận và kiến nghị. 3. Nội dung thẩm định kế hoạch phát triển mỏ dầu khí bao gồm: a) Đánh giá sự phù hợp với phương án được lựa chọn trong kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí; b) Đánh giá sự phù hợp của địa chất mỏ, tính chất chất lưu và vỉa chứa, mô hình mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, sản lượng khai thác dầu khí, hệ số thu hồi dầu khí; c) Đánh giá sự phù hợp của công nghệ khoan, công nghệ khai thác, hệ thống công trình và thiết bị; d) Đánh giá tính hợp lý trong đánh giá hiệu quả kinh tế; mức độ rủi ro công nghệ, biến động giá sản phẩm và tài chính của dự án; tiến độ thực hiện; đ) Đánh giá sự phù hợp của các giải pháp thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế kỹ thuật tổng thể; e) Đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường; g) Nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với nội dung quy định tại điểm p khoản 2 Điều này. 4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí thay cho việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án dầu khí theo quy định của Luật Xây dựng. 5. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong trường hợp việc điều chỉnh dẫn đến tổng mức đầu tư tăng thêm dưới 10% đối với các nội dung sau đây: a) Điều chỉnh số lượng, kích thước đường ống nội mỏ, điều chỉnh công suất số lượng thiết bị để tăng hiệu quả dự án hoặc tăng hệ số thu hồi dầu khí; b) Điều chỉnh tối ưu vị trí, thứ tự và số lượng giếng khoan để gia tăng sản lượng, trữ lượng hoặc tối ưu hóa đầu tư; c) Áp dụng giải pháp kỹ thuật bổ sung, mở vỉa mới được phát hiện trong quá trình khoan phát triển để gia tăng sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả của dự án; d) Khai thác thử nghiệm nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu khí; đ) Khoan bổ sung các giếng khoan đan dày. 6. Nhà thầu trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong các trường hợp khác ngoài quy định tại khoản 5 Điều này. 7. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ dầu khí. Điểm c khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng tiền từ việc bán phần sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà từ các hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước để thanh toán chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí. |
Thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí |
Thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí |
H.T
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrovietnam.petrotimes.vn
Tham gia bình luận