Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2023, toàn ngành thuế đã thực hiện được 71.328 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 97,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 702.441 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 91,9% so với năm 2022.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 66.114 tỷ đồng, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.307 tỷ; giảm khấu trừ là 2.285 tỷ đồng; giảm lỗ là 46.522 tỷ đồng. Số thuế truy thu bình quân qua thanh tra là 1,88 tỷ đồng/cuộc. Số thuế truy thu bình quân qua kiểm tra là 149 triệu/cuộc. Có 43/63 Cục Thuế đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023. Còn 20 Cục Thuế không hoàn thành kế hoạch.
Ảnh minh họa |
Thực hiện thu nợ thuế năm 2023 đạt 45.959 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2022. Một số địa phương có kết quả thu nợ khá như: Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Lâm Đồng…
Tổng số tiền thuế nợ tính đến 31/12/2023 là 169.990 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 91.778 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 7,8%. Có 28/63 Cục Thuế có tổng tiền thuế nợ trên tổng thu ngân sách năm 2023 dưới 8% và 35/63 Cục Thuế có tổng tiền thuế nợ trên tổng thu ngân sách năm 2023 trên 8%.
Cũng theo Tổng cục Thuế, trong thanh tra kiểm tra, chống thất thu vẫn chưa đảm bảo thực hiện tốt nhất bao quát nguồn thu, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế mới, lĩnh vực rủi ro cao. Nguy cơ thất thu thuế vẫn xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực, khoản thu như: tài nguyên khoáng sản, kinh doanh vàng, đầu tư tài chính, nông sản xuất nhập khẩu, chuyển giá, chuyển nhượng bất động sản, y tế, giáo dục, du lịch, nhà hàng, khách sạn, tài nguyên khoáng sản, đất đai, hộ kinh doanh, vận tải, kinh doanh vàng bạc…
Số nợ thuế và tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 vẫn còn ở mức cao, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra dưới 8%. Việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy trình ở một số Cục Thuế còn chậm, muộn, chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan thuế.
Năm 2024, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực rủi ro,... Trong đó tập trung triển khai xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan thuế để báo cáo trình cấp thẩm quyền; hoàn thiện bộ tiêu chí và ứng dụng quản lý rủi ro trong công tác xây dựng, lập kế hoạch thanh tra kiểm tra thuế đảm bảo dự báo được rủi ro và số xử lý sau thanh tra, kiểm tra
Về công tác quản lý nợ và qưỡng chế nợ thuế, toàn ngành thực hiện phân tích, phân loại các khoản nợ để áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, từng bước tự động hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Giao chỉ tiêu thu nợ tới từng cấp thực hiện và kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ thuế. Trong đó tập trung triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án tự động hóa các khâu trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, hướng tới mục tiêu thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrotimes.vn
Tham gia bình luận