Dự án đường dây tải điện vượt sông Dương Tử ở Vô Tích, Giang Tô sẽ có thể đáp ứng nhu cầu điện hàng ngày của khoảng 8 triệu hộ gia đình và cải thiện đáng kể việc trao đổi năng lượng giữa hai bờ sông Dương Tử |
Nhằm cải cách một hệ thống cứng nhắc và rời rạc – nguyên nhân góp phần gây tình trạng mất điện nghiêm trọng trong những năm gần đây, nhà hoạch định chính sách quyền lực của nhà nước Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu thiết lập một hệ thống điện quốc gia vào năm 2030.
Điều đó bao gồm hợp nhất sáu lưới điện khu vực thành một lưới điện chung và thống nhất, và tạo giao dịch giao ngay, cho phép đáp ứng nhanh hơn những vấn đề về cung cầu.
Vào tuần trước, nhà nước Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết hệ thống. Lần đầu tiên, cơ chế giao dịch giao ngay trên toàn quốc đã được tích hợp vào kế hoạch, cũng như những điều kiện cung và cầu ngắn hạn nhằm định giá điện.
Bà Xuewan Chen - nhà phân tích chuyển dịch năng lượng tại Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), cho biết: “Cải cách ngành điện có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc và đảm bảo an ninh năng lượng”.
Nội các Trung Quốc đã cam kết tăng gấp đôi nỗ lực cho những cải cách như vậy trong bối cảnh Trung Quốc muốn thúc đẩy chuyển sang năng lượng tái tạo, vì quốc gia này là nước sản xuất năng lượng gió và mặt trời lớn nhất thế giới với công suất mới liên tục được bổ sung, nhưng họ phải đối mặt với những thách thức trong việc cung cấp kịp thời.
Các nhà phân tích của Fitch Ratings cho biết, một thị trường giao ngay trên toàn quốc sẽ giúp người tiêu dùng thao khảo được giá điện theo thời gian thực, thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo.
Hầu hết các giao dịch về điện đều được thực hiện dưới dạng hợp đồng trung và dài hạn, dù một số tỉnh đã thử nghiệm giao dịch giao ngay kể từ năm 2019.
Các nhà phân tích của Fitch nói: “Giá giảm trong những giờ đạt đỉnh về sản lượng điện tái tạo sẽ tạo ra nguồn áp lực, khiến các nhà sản xuất nhiệt điện than và điện khí giảm sản lượng. Năng lượng tái tạo cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn, do chi phí ít dao động hơn".
Tuy nhiên, về lý thuyết, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng tăng lên và nhu cầu đạt đỉnh, các nhà máy nhiệt điện than nên chuyển từ hoạt động phụ tải cơ bản sang cung cấp công suất dự phòng.
Nhưng theo Fitch, các quy định mới cũng đề xuất một kế hoạch bù công suất để tạo ra "lợi nhuận hợp lý" cho các nhà máy nhiệt điện than.
Mặt khác, theo ông Anders Hove thuộc chương trình nghiên cứu năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đối với các nhà máy nhiệt điện than, những khoản thanh toán như vậy sẽ hóa nhiệt điện than thành nguồn dự phòng và giảm hoạt động mua bán điện giữa các tỉnh.
Nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về những rủi ro mà các nhà phân tích đã chỉ ra.
Thanh toán công suất sẽ là một khoản tiền bù đắp cho những máy phát điện dự phòng mà không kể đến sản lượng tạo ra trên thực tế.
Theo Bloomberg ngày 26/9, bản dự thảo của kế hoạch cho thấy, Trung Quốc đang xem xét áp dụng phí công suất cho khách hàng công nghiệp và thương mại từ đầu năm 2024.
Đối với bà Lauri Myllyvirta - nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, Không khí Sạch và Giám sát Năng lượng Toàn cầu, những quy định này khiến nhiều tỉnh mất thời gian trong việc áp dụng chính sách "theo điều kiện thực tế", dẫn đến làm chậm quá trình cải cách.
Chính quyền địa phương, thường là chủ sở hữu những nhà máy và mỏ than, có thể phản đối hệ thống thị trường giao ngay vì chúng đe dọa nhu cầu sử dụng nhiệt điện.
Bà Myllyvirta cho biết: “Các chủ sở hữu công suất điện than dư thừa hiện đang nhận được sự bảo vệ từ hệ thống điện kém hiệu quả. Do đó, họ rất phản đối ý tưởng cải cách”.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrotimes.vn
Tham gia bình luận