Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu làm thế nào để có thể chuyển thông số vận hành các đường dây 220kV bị giới hạn tại Trạm biến áp sang mức độ có thể truy cập từ xa và cập nhật lên trang web nội bộ do đơn vị tự xây dựng, để phục vụ nhân viên vận hành có thể truy cập thông số đường dây ngay ngoài hiện trường khi thực hiện công tác kiểm tra, mà vẫn đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.
CBCNV quản lý vận hành đường dây sử dụng web xem thông số vận hành đường dây. |
Để làm được điều này, nhóm đã sử dụng giao thức Modbus RTU cổng vật lý RS485. Với giao thức này, các thiết bị thu nhập thông số được kết nối với nhau đơn thuần chỉ bằng 2 sợi dây điện trực tiếp. Do đó, việc sử dụng phần cứng này đảm bảo không cho xâm nhập IP hoặc can thiệp vào mạng nội bộ từ bên ngoài. Đồng thời, để có thể chuyển dữ liệu từ RS485 sang Ethernet, cần phải trang bị phần cứng chuyển đổi giao thức Modbus RTU sang Modbus TCP đấu nối vào Switch mạng Internet của Trạm.
Hơn nữa, việc quan trọng nhất chính là thiết bị Master (nhóm sử dụng thiết bị LOGO! OBA8 của hãng SIEMENS) để đọc dữ liệu và chuyển dữ liệu đó sang đồ họa HMI. Từ đó, người dùng có thể xem được trực quan, sinh động các thông số vận hành của đường dây 220kV trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Ông Nguyễn Duy Cường - Tổ trưởng Tổ Thao tác lưu động Quy Nhơn, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết: "Khi nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm ban đầu tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn đã mang lại hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về vấn đề đảm bảo an ninh mạng, giá thành đầu tư không lớn, cấu hình thiết bị ở mức phù hợp, hiển thị trực quan, thuận tiện cho việc theo dõi đầy tải hoặc quá tải. Hệ thống hoạt động ổn định, thời gian đáp ứng thay đổi thông số nhanh, dễ dàng tùy biến giao diện và chức năng theo người dùng, thuận tiện cho việc truy cập từ nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại, tablet, laptop… có kết nối Internet".
Từ kết quả mang lại, đơn vị đã triển khai áp dụng Giải pháp cập nhật thông số vận hành các đường dây 220kV theo thời gian thực trên nền tảng web tại các Trạm biến áp mà Đơn vị quản lý. Từ đó, đối với công tác quản lý vận hành Trạm biến áp có thể theo dõi thông số vận hành ngay khi nhân viên đang kiểm tra thiết bị ở ngoài sân phân phối. Và đối với công tác quản lý vận hành đường dây có thể theo dõi các thông số vận hành đường dây để kịp thời kiểm tra phát nhiệt đúng thời điểm đường dây đang đầy tải, quá tải.
Ông Nguyễn Duy Cường cho biết thêm, trong tương lai, phần mềm sẽ tiếp tục được Nhóm nghiên cứu phát triển thêm việc truy suất lịch sử thông số vận hành tại thời điểm bất kỳ trước đó, đồng thời vẽ biểu đồ thông số vận hành để theo dõi và đánh giá tình trạng vận hành của đường dây và thiết bị.
Trong thời gian qua, với sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tạo áp lực lớn về đầy tải, quá tải đối với lưới truyền tải điện, gây nguy cơ mất an toàn vận hành ngày càng cao. Giải pháp cập nhật thông số vận hành theo thời gian thực trên nền tảng web đã giúp cho công tác kiểm tra thiết bị nhất thứ, các điểm đấu nối, soi phát nhiệt thiết bị khi đầy tải, quá tải được dễ dàng hơn, sớm phát hiện những nguy cơ sự cố, hư hỏng thiết bị để xử lý kịp thời, đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục, ổn định.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: petrotimes.vn
Tham gia bình luận