Bước tiến mới trong nhân sự AI

Bước tiến mới trong nhân sự AI

Những trải nghiệm mới cho khách hàng

Giống như nhân vật bước ra từ các bộ phim khoa học viễn tưởng, “nhân sự” AI của Viettel đang góp phần đưa chuyển đổi số đi vào đời sống của người dân Việt Nam.

Nhiều tháng qua, khách hàng tới các trung tâm dịch vụ khách hàng của Viettel Telecom đang dần “quen mặt” với một nhân viên mới của Tập đoàn Viettel: Trợ lý ảo AI (trí tuệ nhân tạo), được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn mà Tập đoàn Viettel đầu tư phát triển. 

Dù không “bằng xương, bằng thịt” nhưng “cô” trợ lý ảo trên màn hình, với những cử chỉ, điệu bộ “không hề giả trân”, đang gây ấn tượng tốt với khách hàng cả trong giao tiếp lẫn xử lý công việc.

Nhân sự AI tại một cửa hàng của Viettel Telecom (Ảnh Tú Linh).

Nhân sự AI tại một cửa hàng của Viettel Telecom (Ảnh Tú Linh).

Chị Hoài Thương (Hà Nội) tới cửa hàng của Viettel để chuẩn hóa thông tin thuê bao và tỏ ra hài lòng khi được chăm sóc bởi nhân viên AI. Thay vì chờ đợi được nhân viên hỗ trợ như thường lệ, chị Thương và nhiều khách hàng khác quyết định trải nghiệm dịch vụ với tư vấn viên AI ngay trên chính chiếc điện thoại của mình.

“Chỉ đến khi xong việc, thấy nhiều người xung quanh cùng được hướng dẫn bởi một cô tổng đài viên giống nhau, tôi mới biết đó là nhân sự được tạo nên nhờ công nghệ”, chị Thương chia sẻ về trải nghiệm của mình với “nhân viên mới” của Tập đoàn Viettel.

Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí

Tại Trung tâm Dịch vụ khách hàng của Viettel, những nhân sự AI không còn xa lạ. Với tỷ lệ khách hàng hài lòng đạt 91,5% trong năm 2022, hàng triệu cuộc gọi, hàng chục triệu thắc mắc của khách hàng đã được giải đáp và tư vấn bởi nhân sự ảo - Callbot từ tổng đài Viettel. 

Sau khi ứng dụng thành công Chatbot vào ứng dụng My Viettel năm 2019, từ tháng 12/2021, Viettel là nhà mạng đi đầu tại Việt Nam trong việc đưa vào hoạt động Callbot nhằm hỗ trợ và chăm sóc khách hàng tại tổng đài với độ chính xác 90% cho các câu trả lời. Trung tâm Dịch vụ khách hàng (TTDVKH) đã tối ưu 180 nhân sự giải đáp, giúp tiết kiệm khoảng 21 tỷ đồng/năm cho Tổng công ty Viễn thông Viettel.

Khách hàng không cần ra cửa hàng vẫn được Viettel hỗ trợ qua nhân sự AI (Ảnh Tú Linh).

Khách hàng không cần ra cửa hàng vẫn được Viettel hỗ trợ qua nhân sự AI (Ảnh Tú Linh).

Cuối năm 2022, công nghệ Human Digital dần hoàn thiện giúp nhân sự AI tiến tới “điểm bùng nổ”. Nhân sự ảo bắt đầu có thể giao tiếp dưới hình dạng giống người thật trên màn hình. Dù là xu hướng mới nhưng người Viettel nhanh chóng bắt kịp với thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0. 

Chưa tới 6 tháng, đội ngũ phát triển của Viettel đã biến ý tưởng “như phim” này thành sự thực. Quý II/2023, khi những gã khổng lồ viễn thông toàn cầu như NTT Communications, Ericsson, T-Mobile, Vodafone tung ra nhân sự ảo của mình, Viettel cũng sẵn sàng đưa “cô tổng đài AI” vào thực tế và chứng minh được vai trò trong công tác chuẩn hoá thông tin thuê bao trên khắp cả nước.

Theo thống kê của Viettel, việc ứng dụng nhân sự AI videobot đã giúp các yêu cầu xác minh thông tin được tiếp nhận và kiểm duyệt được nhanh, chính xác hơn, đưa thời gian kiểm duyệt hồ sơ trung bình từ 33s xuống 23s. Giải pháp này đã giúp Viettel tiết kiệm đáng kể chi phí thuê nhân công, đồng thời tránh được sai sót, chậm trễ. 

Lợi ích khách hàng đóng vai trò trung tâm của chuyển đổi số

Bên cạnh những công nghệ tối tân nhất, các giải pháp chăm sóc khách hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Viettel đều hướng tới xây dựng trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Khả năng tối ưu hóa tới từng cá thể giúp tổng đài viên AI hiểu khách hàng hơn.

Tổng đài viên AI có khả năng cung cấp thông tin cho khách hàng tự động, mọi lúc, mọi nơi. Việc học hỏi qua chính những câu hỏi giúp giải quyết linh hoạt trước những tình huống khó. Do không phục thuộc vào thể trạng hay cảm xúc của con người, tổng đài viên AI đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng sẽ ngày càng tốt hơn.

Khách hàng hiện nay sẽ không cần phải chờ đợi để được nói chuyện với tổng đài viên, qua đó giúp tiết kiệm thời gian. Trong khi đó, sự hữu ích của các trợ lý AI cũng góp phần xây dựng niềm tin của khách hàng, mang lại cho doanh nghiệp có những sự ủng hộ quan trọng để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số.

Thành công của tổng đài viên AI Viettel nói riêng, các trợ lý ảo trên nền tảng trí tuệ nhân tạo nói chung, cũng sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số ở các tổ chức, doanh nghiệp khác. Đây chính là chìa khóa để ngày càng nhiều người Việt Nam được thành quả từ tiến trình chuyển đổi số mà Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh.

Trong khi đó, việc trợ lý AI thay thế những công việc có tính lặp đi lặp lại, thâm dụng lao động cũng trở thành cơ hội để giúp nâng cao kỹ năng, trình độ của người lao động. Thay vì làm những công việc “nhàm chán”, họ được học những kỹ năng mới, thông qua đó phát triển bản thân, tăng thêm thu nhập cho gia đình và góp phần lớn hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước.

Trở lại với câu chuyện những tổng đài viên AI, bên những nền tảng công nghệ hiện đại nhất, văn hóa số của Tập đoàn Viettel là yếu tố đóng góp lớn cho trình chuyển đổi số nói chung, phát triển trí tuệ nhân tạo nói riêng. Thay vì sợ sai, lựa chọn “sai có kiểm soát” giúp người Viettel mạnh dạn thử nghiệm ứng dụng số, tiền đề quan trọng cho sự ra đời của các ứng dụng như tổng đài viên AI.

Tiếp tục đẩy mạnh quyết tâm số hóa, năm 2023 được Chính phủ lựa chọn là Năm dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay có chủ đề: “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Từ nhận thức đó, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa các ứng dụng đi vào cuộc sống. Người dân Việt Nam đã bắt đầu hưởng “quả ngọt” từ hành trình ấy. Trợ lý AI trong các cửa hàng của Viettel Telecom không chỉ kể câu chuyện về quyết tâm đưa công nghệ 4.0 vào đời sống của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) mà còn khẳng định Việt Nam đang dần bắt kịp với thế giới trong những xu hướng công nghệ mới nhất.  

(Nguồn: Vietnamnet)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận