Cơn sốt ChatGPT tại Việt Nam

Cơn sốt ChatGPT tại Việt Nam

ChatGPT gây sốt trên toàn cầu từ đầu tháng 12 năm ngoái với hơn một triệu người đăng ký chỉ sau một tuần. Tại Việt Nam, AI này cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý. Đức Luân, trưởng một nhóm sinh viên yêu thích trí tuệ nhân tạo, cho biết số người quan tâm đến dịch vụ nằm ngoài dự đoán của anh khi nhận được khoảng 300 lời nhờ tạo tài khoản trong tháng cuối năm.

Đến giữa tháng 1, người dùng ChatGPT tăng vọt. Theo thống kê của Google Trends ba ngày qua, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Website của ChatGPT thường xuyên ở trạng thái "đang hoạt động hết công suất". Siêu AI này cũng trở thành chủ đề phổ biến trên mạng xã hội Facebook. Trên hàng loạt cộng đồng thuộc mọi lĩnh vực, ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện với ChatGPT xuất hiện dày đặc.

Trong khi đó, Đức Luân cho biết số yêu cầu lập tài khoản anh nhận được cũng tăng gấp năm lần so với tháng trước. "Có ngày nhận cả trăm yêu cầu", anh nói, dù nhiều bên cũng đang cũng cung cấp dịch vụ tương tự. "Đây là tín hiệu vui khi AI ngày càng gần với cuộc sống"

Giao diện ChatGPT trên trình duyệt điện thoại. Ảnh: Lưu Quý

ChatGPT là ứng dụng AI được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của công ty khởi nghiệp OpenAI, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Dù hoạt động miễn phí, người sử dụng cần có tài khoản trên nền tảng của OpenAI. Dịch vụ chưa hỗ trợ mở tài khoản ở Việt Nam. Người dùng trong nước muốn trải nghiệm phải sử dụng mạng riêng ảo , thuê số điện thoại nước ngoài với giá khoảng một USD, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác.

Trên những hội nhóm công nghệ, thành viên đang chia sẻ danh sách tài khoản OpenAI để mọi người cùng sử dụng. Dịch vụ cho thuê tài khoản, tạo tài khoản sử dụng ChatGPT trở thành một trong những dịch vụ "hot" những ngày gần đây. Một số người cho biết đã mua tài khoản với giá từ 20 nghìn đến 150 nghìn đồng.

Nhờ dịch vụ như trên, đến tháng 1, Minh Phong (TP HCM) mới chính thức sở hữu một tài khoản OpenAI để sử dụng, sau thời gian đi mượn của bạn ở nước ngoài. Cậu nhân viên văn phòng nói mình "nghiện" AI này. "Phần lớn thời gian tôi dùng ChatGPT như một người bạn để trò chuyện và hỏi ý kiến về mọi thứ trên đời. Khi gặp câu trả lời hài hước hoặc sâu sắc, tôi chụp lại để khoe", anh kể.

Một số người cũng nhờ ChatGPT viết văn, làm thơ, làm bài tập và trong nhiều tình huống, sản phẩm của OpenAI hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Tuy nhiên, có thể do lượng người sử dụng quá lớn, tôi thường xuyên gặp tình trạng hệ thống quá tải, không thể đăng nhập, hoặc AI không thể đưa ra câu trả lời vì lỗi mạng", Phong nói.

ChatGPT không phải "giáo sư biết tuốt"

ChatGPT đạt 10 triệu tài khoản đăng ký trên toàn cầu sau 40 ngày ra mắt. Theo thống kê của Similarweb, website của OpenAI có hơn 304 triệu lượt truy cập trong tháng 12, tăng hơn 1.500% so với tháng trước đó. Các chuyên gia đánh giá thành công của ChatGPT là do lần đầu tiên một sản phẩm trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ được phát hành ra cộng đồng, thay vì chỉ thử nghiệm hạn chế như trước.

"ChatGPT tạo được mối quan tâm lớn bởi lần đầu có một sản phẩm AI được giới thiệu rộng rãi, trí tuệ nhân tạo nhưng đem đến cảm giác rất gần trí tuệ của con người", TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC ATI, đánh giá. Theo ông, điểm hấp dẫn của ChatGPT là khả năng trả lời đa dạng câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, từ câu hỏi liên quan đến tri thức cho đến việc tạo ra nội dung theo yêu cầu, như kịch bản phim, hay thậm chí lập trình, sửa lỗi.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đánh giá những sản phẩm mới như ChatGPT sẽ có tính hai mặt.

Về mặt tốt, người dùng có thể tận dụng AI để thu thập thông tin kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện. Giải pháp của OpenAI có thể giúp tiết kiệm thời gian bằng cách trả lời nhanh, đi thẳng vấn đề, thay vì đưa ra danh sách đường link và người dùng phải tự tổng hợp như khi sử dụng Google.

Ngược lại, đây cũng có thể trở thành vấn đề nguy hiểm nếu câu trả lời sai sót về mặt thông tin. "ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ, có thể trả lời sai hoặc chưa chính xác, không có link dẫn nguồn để minh chứng kết quả đưa ra", ông Tuấn nói. Ngoài ra, trong những cuộc trò chuyện, ChatGPT không hiểu bối cảnh hoặc cảm xúc của người dùng, nên có thể trả lời không phù hợp hoặc gây tác động xấu đến trải nghiệm.

Theo ông, với sức mạnh của AI như ChatGPT, người dùng nên sử dụng với mục đích phù hợp và có trách nhiệm. Họ chỉ nên coi ChatGPT như một tài nguyên tham khảo, với mục đích học tập hoặc tìm kiếm thông tin, chứ không nên coi nó là một nguồn tin tuyệt đối, hoặc dùng để đưa ra các quyết định, hành động có tác động đến người khác. "Đồng thời, cần cẩn thận với thông tin gây tranh cãi hoặc gây tổn hại cho cá nhân hoặc tổ chức", ông Tuấn nói.

Lưu Quý

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận