Đội quân giấu mặt chuyên 'dạy' AI

Đội quân giấu mặt chuyên 'dạy' AI

Alexej Savreux, 34 tuổi, sống ở thành phố Kansas , cho biết đã làm đủ loại việc trong nhiều năm, từ bán bánh mỳ, thức ăn nhanh cho đến bảo vệ, thu gom rác. Còn giờ anh đầu quân cho một công ty với vai trò huấn luyện mô hình AI.

Savreux là một phần trong đội quân giấu mặt - những người âm thầm dạy các hệ thống AI cách nhận biết dữ liệu và cải thiện độ chính xác theo thời gian. Nhiệm vụ của họ là dán nhãn, phân loại nội dung trong kho dữ liệu khổng lồ, tinh chỉnh văn bản AI tạo ra sao cho phù hợp dựa trên danh mục tiêu chí có sẵn, từ đó giúp chatbot phản hồi tốt hơn.

Những người như Savreux đóng vai trò không thể thiếu trong các mô hình AI tạo sinh hiện nay. Tuy nhiên, vị trí của họ thường bị lãng quên. Những người phát triển và công bố các sản phẩm như ChatGPT sẽ được vinh danh, còn đội ngũ âm thầm phía sau không được nhắc đến.

Phía sau AI là đội ngũ lọc và dán nhãn dữ liệu. Ảnh: Business Insider

Savreux đã làm nhiệm vụ phân loại và gắn nhãn dữ liệu cho hệ thống AI nhiều năm qua, trong đó có ChatGPT. "Chúng tôi làm công việc nặng nhọc. Bạn có thể tạo công cụ bằng hệ thống AI mạnh mẽ với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu. Nhưng nếu không có người gắn nhãn, sẽ không có ChatGPT và cũng chẳng có gì cả", anh nói.

"Rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh AI thời gian qua. Nhưng chúng ta đang bỏ lỡ phần quan trọng của câu chuyện, rằng một cỗ máy dù thông minh đến đâu vẫn phải phụ thuộc vào yếu tố con người đứng sau", Sonam Jindal, đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Partnership on AI ở San Francisco, cho hay.

Lĩnh vực công nghệ phát triển trong nhiều thập kỷ. Nhưng ở thời kỳ nào, doanh nghiệp vẫn phải dựa sức lao động của hàng nghìn công nhân, từ người làm thẻ đục lỗ cho máy tính vào những năm 1950, đến nhân viên phân loại dữ liệu thời hiện đại. Công việc như huấn luyện AI không ổn định và tùy theo nhu cầu thị trường. Người được tuyển dụng chủ yếu thông qua đối tác bên thứ ba và chỉ làm việc khi có đơn hàng. Họ được yêu cầu ẩn danh, các phúc lợi như bảo hiểm y tế rất hiếm hoặc không tồn tại.

Thời gian qua, mô hình AI tạo sinh phát triển nở rộ khiến nhu cầu thuê người huấn luyện AI tăng đột biến. Tuy nhiên, họ chỉ được trả mức lương rất thấp. Theo Time, OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, thuê nhân công ở Kenya với giá chưa đến 2 USD một giờ để dán nhãn và kiểm duyệt thông tin. Những người này phải liên tục xem các nội dung về nhiều chủ đề như lạm dụng tình dục trẻ em, giết người, tự tử, tra tấn, tự làm hại bản thân, loạn luân để huấn luyện AI lọc thông tin. Hồi tháng 4/2022, Technology Review cho biết các công ty xe tự lái, như Tesla, thuê công nhân ở Venezuela dán nhãn dữ liệu với giá trung bình 0,9 USD mỗi giờ.

Một số nhân viên bắt đầu đòi hỏi doanh nghiệp nên có nhiều phúc lợi hơn thay vì chỉ trả lương theo giờ. Tại Nairobi (Kenya), hơn 150 người đang phân loại dữ liệu cho Facebook, TikTok, ChatGPT đã bỏ phiếu thành lập công đoàn với lý do lương thấp và công việc gây tổn hại tinh thần.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phàn nàn về việc huấn luyện AI. Jatin Kumar, 22 tuổi ở Austin, Texas, cho biết đã tham gia dán nhãn dữ liệu cho AI hơn một năm. Theo anh, công việc giúp anh có cơ hội khám phá công nghệ thế hệ mới.

"Nó khiến bạn bắt đầu suy nghĩ về cách sử dụng công nghệ tiên phong trước khi được tung ra thị trường", Kumar, tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học máy tính, nói. "Ban đầu, tôi nghĩ mình tham gia chỉ để tìm hiểu công nghệ. Nhưng giờ tôi chưa muốn rời khỏi vị trí này".

Bảo Lâm (theo CNBC)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận