Dùng ChatGPT để tỏ tình

Dùng ChatGPT để tỏ tình

Đức Trung, sinh viên năm hai tại Hà Nội, miệt mài tìm kiếm ý tưởng để tỏ tình vào ngày Valentine. Thay vì nhờ bạn bè tư vấn, cậu tham khảo lời khuyên trong các nhóm trên mạng xã hội, cũng như hỏi ChatGPT.

"Bài thơ dở tệ", cậu nói. Tuy nhiên, cậu vẫn chụp màn hình gửi cho cô bạn như một cái cớ để thăm dò thái độ. Những câu từ ngô nghê và trang trọng quá mức của AI đã giúp hai người trò chuyện vui vẻ và tự nhiên hơn.

Thu Hà (Quận 1, TP HCM) cũng nhập hàng loạt câu hỏi cho ChatGPT về cách thổ lộ tình cảm với một đồng nghiệp. Mỗi lần, chatbot lại đưa ra những phản hồi khác nhau. "Khá bất ngờ vì ChatGPT có các ý tưởng thú vị, cũng như gợi ý một số câu tỏ tình khiến tôi thấy hứng thú", cô nói.

Một lời khuyên của ChatGPT cho ngày Valentine. Ảnh: Minh Hoàng

Hai ngày qua, trên mạng xã hội cũng tràn ngập những câu trả lời của ChatGPT liên quan tới ngày Valentine. Không ít người còn tự "chế" ra những phản hồi hài hước cho AI này.

Việc sử dụng ChatGPT để gợi ý lời tỏ tình không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Công ty an ninh mạng McAfee (Mỹ) đã thực hiện khảo sát Modern Love với sự tham gia của 5.000 người tại 9 quốc gia nhằm đánh giá sự tác động của AI và Internet trong các mối quan hệ.

Kết quả, 30% nam giới nói sẽ nhờ ChatGPT trợ giúp cho ngày Valentine. 27% thấy tự tin hơn khi có AI hỗ trợ. 21% tìm đến AI vì không phải tự nghĩ nội dung tỏ tình và tiết kiệm thời gian.

Cũng theo khảo sát, 40% không thể phân biệt sự khác nhau giữa thư tình do AI hay con người viết. Tuy nhiên, 49% nói sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu biết thư tình nhận được là sản phẩm của AI.

Ông Hùng Thắng, kỹ sư về dữ liệu lớn và thị giác máy tính tại Viện nghiên cứu TITUS (Đức), đánh giá ChatGPT được huấn luyện trên một bộ dữ liệu khổng lồ, nên có thể phù hợp với những nhóm người dùng khác nhau. Câu trả lời của AI có tính gần gũi, như được gợi ý bởi một người, nhưng chỉ nên coi lời khuyên từ ChatGPT như một sự tham khảo.

Trong khi đó, theo Business Insider, Amy Nobile, người đang cung cấp dịch vụ hướng dẫn hẹn hò, cho rằng ChatGPT chưa đáng sợ vì các gợi ý của robot còn khá chung chung. "Lời khuyên kiểu hãy trở thành người lịch thiệp, quan tâm tới cảm xúc và ranh giới của người kia không có nhiều ý nghĩa", bà nói.

ChatGPT có cảm xúc?

Chuyên gia AI Nguyễn Hoàng Bảo Đại đánh giá trí tuệ nhân tạo có thể tạo cảm giác gần gũi cho người dùng qua các câu trả lời. Còn về bản chất, nó không có cảm xúc. "Câu trả lời của AI dù thân mật hay đem lại niềm vui cũng đều được huấn luyện từ một bộ ngữ liệu lớn sẵn có", ông nói.

Ngoài ra, với sự ràng buộc của OpenAI, chatbot này luôn đưa ra phản hồi tích cực, hạn chế sử dụng ngôn từ quá khích. Nó cũng được thiết kế để học hỏi thông qua nút báo cáo (report). Do đó, ChatGPT có thể nhanh chóng điều chỉnh và trả lời thông minh hơn, gần với những gì người dùng muốn nghe.

Ông Nguyễn Ánh Dương, trưởng nhóm giảng dạy tại VietAI (Hà Nội), cho rằng OpenAI sẽ tiếp tục dùng hàng triệu phản hồi từ người dùng để huấn luyện ChatGPT, từ đó giúp nó trả lời giống người hơn. Việc dễ dàng thu thập lượng dữ liệu khổng lồ có thể là một trong những lý do khiến startup này cho phép sử dụng miễn phí chatbot, dù chi phí vận hành không hề rẻ.

ChatGPT ra mắt cuối năm ngoái và nhanh chóng đạt 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng. Tại Việt Nam, AI này cũng nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Theo thống kê của Google Trends, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam thời gian qua.

Minh Hoàng - Minh Phương

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận