Nhiếp ảnh gia Robert Kneschke hồi tháng 2 phát hiện những bức ảnh của ông có trong kho dữ liệu Laion-5B dùng để huấn luyện AI. Kho chứa hơn 5,8 tỷ ảnh và do tổ chức phi lợi nhuận Laion (Mạng lưới AI mở quy mô lớn) có trụ sở tại Đức xây dựng. Nó đang được sử dụng bởi hàng loạt công ty, như Stability AI, nhằm xây dựng các mô hình AI tạo ảnh.
Ông quyết định liên hệ với Laion sau khi thấy một nhiếp ảnh gia khác đề cập đến việc gỡ tác phẩm khỏi kho dữ liệu. Một ngày sau, ông nhận được hồi đáp rằng tổ chức này đã tuân thủ luật bản quyền và sẽ không xóa ảnh.
"Khách hàng của chúng tôi chỉ duy trì cơ sở dữ liệu chứa đường dẫn đến các file ảnh công khai trên Internet. Không loại trừ kho dữ liệu chứa đường dẫn tới các hình ảnh do ngài sở hữu. Khách hàng của chúng tôi không lưu trữ và không sở hữu ảnh nào được đề cập", công ty luật Heidrich Rechtsanwalte, đại diện pháp lý của Laion, viết trong thư trả lời. Công ty thậm chí cảnh báo Kneschke phải bồi thường nếu đưa ra tuyên bố bản quyền phi lý.
Cuối tháng 3, Kneschke quyết định gửi khiếu nại để buộc Laion xóa ảnh của ông, đồng thời cung cấp thông tin về mức độ và thời gian họ sử dụng, cũng như nguồn truy xuất ảnh. Nhóm pháp lý Laion tiếp tục trả lời họ không vi phạm bản quyền trong sự việc này.
Thư hồi đáp từ Laion cũng kèm hóa đơn với tổng trị giá 979 USD, yêu cầu nhiếp ảnh gia Đức nộp số tiền trong 14 ngày. Công ty nói đây là khoản bồi thường cho việc Kneschke đòi hỏi phi lý và khiến Laion phải trả chi phí cho luật sư.
"Tôi, với tư cách là tác giả, thực thi quyền hợp pháp và yêu cầu họ xóa ảnh của mình khỏi kho dữ liệu, nhưng giờ lại phải trả tiền bồi thường thiệt hại cho họ? Như xát muối vào vết thương", nhiếp ảnh gia Đức nói.
Tuy vậy, theo Vice, tính hợp pháp của việc dùng tài liệu có bản quyền để huấn luyện AI còn gây tranh cãi, chưa có tiền lệ để xác định đúng sai giữa các bên.
"AI đang được sử dụng rộng rãi và tôi không mong sự việc của mình sẽ thay đổi điều đó", Kneschke cho hay. Tuy nhiên, ông hy vọng các bên có thể định hình khuôn khổ pháp lý cho công nghệ mới, không chỉ với sử dụng AI, mà còn với huấn luyện AI khi nhiều nghệ sĩ không biết tác phẩm của họ có trong kho dữ liệu. Ông cho rằng các nghệ sĩ cần được chia lợi nhuận nếu dữ liệu của họ được dùng để huấn luyện AI, nhằm bù đắp thiếu hụt thu nhập do công nghệ ngày càng phát triển.
Nhiếp ảnh gia Đức thông báo đã gửi đơn kiện Laion tại tòa án vùng Hamburg hôm 27/4.
Không chỉ nhiếp ảnh gia, hàng loạt họa sĩ cũng đang kiện các công ty đứng sau mô hình AI vì đánh cắp tác phẩm của họ "dưới chiêu bài huấn luyện trí tuệ nhân tạo".
Đầu tháng 1, ba họa sĩ Sarah Andersen, Kelly McKernan và Karla Ortiz đã hợp tác với Văn phòng luật Joseph Saveri & Matthew Butterick (Mỹ) kiện các công ty và nền tảng vẽ tranh bằng văn bản là Stability AI, DeviantArt và Midjourney với cáo buộc ăn cắp tác phẩm nghệ thuật của họ và hàng nghìn nghệ sĩ, nhà sáng tạo khác.
Theo đơn kiện, Stability AI, DeviantArt và Midjourney đã tải về và dùng hàng tỷ hình ảnh có bản quyền lấy từ Internet cho mục đích đào tạo AI, trong đó có tác phẩm nghệ thuật mà "không có sự bồi thường hoặc đồng ý từ nghệ sĩ".
"Nếu AI chuyên đánh cắp tác phẩm nghệ thuật được phép hoạt động như hiện nay, hậu quả là chúng sẽ thay thế chính những nghệ sĩ có tác phẩm bị đánh cắp", đơn kiện có đoạn. "Những AI này trong tương lai có thể khiến sự nghiệp của các nghệ sĩ gặp khó khăn".
Điệp Anh (theo Vice)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận