Khi Google buộc phải chơi trò đuổi bắt

Khi Google buộc phải chơi trò đuổi bắt

Tại sự kiện dành cho nhà phát triển Google I/O 2016, AI được mô tả là mục tiêu kinh doanh lớn đầu tiên của Pichai sau khi lên nắm quyền. Nhưng 7 năm sau, công ty của ông lại đối mặt với nguy cơ lớn không chỉ về AI, mà còn bị đe dọa thị phần tìm kiếm đang thống trị. Đó chính là ChatGPT của OpenAI, một công ty khởi nghiệp ở San Francisco.

Quan trọng hơn, OpenAI đang được Microsoft, đối thủ tiềm năng của Google trên thị trường tìm kiếm, hậu thuẫn khi đầu tư hàng tỷ USD. Ngày 7/2, công ty phần mềm Mỹ công bố phiên bản Bing với tính năng trò chuyện AI tiên tiến hơn ChatGPT.

"Cuộc đua bắt đầu từ hôm nay. Ngày mới cho tìm kiếm đã đến. Chúng tôi sẽ tiến nhanh", CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố.

Trước đó một ngày, Google ra mắt Bard - chatbot dựa trên công nghệ LaMDA từng gây chú ý trước đó. Pichai hứa sẽ phát hành rộng rãi AI này trong "những tuần tới", động thái được xem là vội vàng nhưng cần thiết.

"Đúng như dự đoán, 'con voi nằm trong phòng' trị giá 1,3 nghìn tỷ USD đã thức dậy", Forbes bình luận.

Vị thế trong cuộc đua AI của Google bị ảnh hưởng sau khi ChatGPT xuất hiện. Minh họa: Forbes

Quá khứ AI ảm đạm

Năm 2018, Google tổ chức một bữa tiệc với chủ đề chính là tham vọng AI. Tại đây, Pichai nói về Duplex, chatbot AI có thể tương tác như con người, có nhiệm vụ đặt chỗ tại nhà hàng cho người dùng. Duplex cũng được công bố tại sự kiện Google I/O năm đó.

AI này được lập trình để phát âm giống con người bằng cách đệm thêm "ừm" và "uh", thỉnh thoảng dừng và điều chỉnh giọng điệu một cách tự nhiên. Mục tiêu của Google là hướng Duplex hoạt động như công cụ đặt lịch hẹn, có thể tự động gọi cho bên kia khi không thể đặt chỗ trực tuyến.

Đó là một màn trình diễn ấn tượng, gây kinh ngạc nhưng cũng tạo cảm giác bất an cho người xem. Các trang công nghệ đăng hàng loạt bài nhận định về "đạo đức của một cỗ máy cố tình giả danh người".

Duplex không phải là sản phẩm đầu tiên của Google gây phản ứng như vậy. Năm 2012, kính thông minh Google Glass cũng được đánh giá cao về mặt công nghệ, nhưng lại khiến người dùng sự lo ngại về quyền riêng tư.

Cả Duplex và Google Glass đều thất bại, nhưng Duplex là cái dớp khó xóa hơn, do thường được nhắc đến khi nói về quá trình phát triển AI của Google. Nó thể hiện hướng đi táo bạo của Pichai, nhưng lại trở thành một ví dụ cho sự thất bại tại Thung lũng Silicon: công nghệ tuyệt vời nhưng thiếu tầm nhìn xa. New York Times gọi sự kiện "có phần rùng rợn", còn nhà xã hội học Zeynep Tufecki gọi AI như Duplex với cụm từ nặng nề hơn như "đánh lừa con người", "thiếu đạo đức" hay "không tạo giá trị gì".

Trong khi đó, Brooke Hammerling, chuyên gia PR nổi tiếng tại Thung lũng Silicon, cho rằng sau thất bại của Duplex, Google "bị sang chấn tâm lý", khiến họ rụt rè hơn khi phát hành AI ra công chúng. Hai cựu quản lý Google cũng tiết lộ với Forbes rằng Duplex là một trong nhiều yếu tố gây cảm giác e dè, khiến Google chậm phát hành sản phẩm AI.

Năm 2018, Google ký thỏa thuận với Lầu Năm Góc để cung cấp công nghệ cho dự án Maven - nỗ lực sử dụng AI cải thiện độ chính xác khi tấn công bằng máy bay không người lái. Một số nhân viên đã phản ứng, khiến công ty một năm sau phải ban hành bộ "Quy tắc AI", định hướng về ứng xử AI có đạo đức.

Năm 2021, Google kết thúc hợp đồng với Timnit Gebru và Margaret Mitchell, hai giám đốc cấp cao thuộc mảng Đạo đức AI của hãng sau khi cả hai đăng bài báo chỉ trích những thành kiến trong công nghệ AI mà Google đã sử dụng trong công cụ tìm kiếm. Jeff Dean, đứng đầu bộ phận nghiên cứu ở Google, thừa nhận mảng AI đã để lại tiếng xấu sau sự rời đi của hai người này.

Năm 2022, Google lại sa thải Blake Lemoine, kỹ sư thuộc dự án LaMDA. Ông bị buộc rời công ty với lý do tiết lộ bí mật nội bộ, sau khi ông nói rằng LaMDA "có tri giác như một đứa trẻ".

Những năm qua, nhiều nhân viên AI của Google nghỉ việc và ít nhất 6 công ty lớn về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được thành lập bởi người cũ của hãng này. Một vài trong số đó hiện có liên quan mật thiết với OpenAI.

"Google đã quá cứng nhắc, nhất là vấn đề về quyền tự do khám phá. Bạn không thể thực sự tự do đổi mới sản phẩm, nên bạn phải rời đi để tự mình xây dựng nó", Aidan Gomez, cựu nhân viên Google và hiện là CEO AI Cohere, cho biết.

Thực tại của Google

Nếu không có Google, ChatGPT có thể đã không tồn tại.

Vào năm 2017, một nhóm nhà nghiên cứu Google viết một bài báo chuyên đề về AI tên là "Chú ý là tất cả những gì cần có", đề xuất một kiến trúc mạng mới để phân tích văn bản gọi là Transformers. Đây chính là nền tảng để nhiều công cụ AI sử dụng sau này, trong đó có LaMDA và cả ChatGPT. Hiện, 7 trong số 8 đồng tác giả đã rời Google.

Khi ChatGPT nổi đình nổi đám, Google được cho là phải phát đi "báo động đỏ". "Red Code được phát đi trong nội bộ như sự thừa nhận của Google rằng nhân viên của họ đã quá lười biếng", Wesley Chan, người từng nằm trong nhóm thành lập Google Analytics và hiện là đồng sáng lập FPV Ventures, nhận xét.

Theo các chuyên gia, đây có thể là lý do Google vội vã phát hành Bard sau khi ChatGPT làm mưa làm gió. Với vị thế dẫn đầu trong AI, hãng không còn cách nào khác, dù chatbot chưa hoàn thiện và lỗi sai của nó đã thổi bay 100 tỷ USD vốn hóa của hãng.

Tuy vậy, một số nhà đầu tư tin Google đã sẵn sàng để gây tiếng vang lớn. Lonne Jaffe, CEO Insight Partners, cho biết Google có quá nhiều kinh nghiệm về AI và Bard sẽ tạo điểm nhấn. "Đó là những gì họ đã làm trong 15 năm qua", Jaffe nói.

"Tiên phong là chưa đủ. Microsoft hiểu điều này hơn bất kỳ ai khác", Nicolai Wadstrom, nhà sáng lập BootstrapLabs, đồng tình.

Thực tế, Google luôn là cái tên lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và không ai có thể xem thường. Khi nhập câu hỏi vào ChatGPT, siêu AI trả lời: "Google không bị tụt lại phía sau trong phát triển AI. Đây là công ty hàng đầu và tiếp tục đầu tư cũng như đóng góp đáng kể cho nghiên cứu, phát triển AI. Những năm gần đây, OpenAI và các công ty công nghệ Trung Quốc như Baidu, Tencent và Alibaba nổi lên như những cái tên mạnh về AI, nhưng Google vẫn là công ty dẫn đầu".

Tuy nhiên, có một thực tế là dữ liệu OpenAI dùng để đào tạo ChatGPT chỉ được cập nhật đến 2021.

Bảo Lâm (theo Forbes)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận