Trung Quốc ban hành dự thảo chuẩn hóa ngành AI

Trung Quốc ban hành dự thảo chuẩn hóa ngành AI

Khi cuộc đua toàn cầu về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra mỗi ngày, các quốc gia trên toàn cầu đã và đang dần dần tiến lên trong việc thúc đẩy các hướng dẫn phù hợp để giám sát việc sử dụng AI. Để bắt kịp xu hướng này, Trung Quốc, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, mới đây đã ban hành một dự thảo bao gồm các hướng dẫn, nhằm tiêu chuẩn hóa ngành công nghiệp AI trong nước.

Trung Quốc cố bắt kịp công nghệ AI toàn cầu.

Trung Quốc cố bắt kịp công nghệ AI toàn cầu.

Trong động thái mới nhất, Bộ công nghiệp Trung Quốc đã ban hành dự thảo hướng dẫn về tiêu chuẩn hóa ngành trí tuệ nhân tạo (AI). Dự thảo này đề xuất hình thành hơn 50 tiêu chuẩn quốc gia và toàn ngành về AI vào năm 2026. Bộ này cũng cho biết, Trung Quốc còn đặt mục tiêu tham gia hình thành hơn 20 tiêu chuẩn quốc tế về AI vào thời điểm đó.

Theo Bộ công nghiệp Trung Quốc, dự thảo hướng dẫn này ra đời nhằm mục đích nắm bắt những cơ hội sớm từ sự phát triển của ngành AI trong nước, 60% các tiêu chuẩn tiềm năng trong đó nên dùng cho mục đích phục vụ các dự án phát triển ứng dụng, công nghệ then chốt chung của Trung Quốc. Đồng thời, Bộ cũng đặt mục tiêu có hơn 1.000 công ty áp dụng và ủng hộ các tiêu chuẩn AI mới này.

Có thể thấy, khi AI tiếp tục phát triển như một công nghệ biến đổi, các nỗ lực tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tương tác, độ tin cậy và các cân nhắc về đạo đức trong toàn ngành. Cách tiếp cận chủ động của Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn AI phản ánh cam kết của nước này trong việc khai thác tiềm năng của AI, đồng thời chủ động giải quyết các thách thức về quy định và đạo đức AI.

Tuyên bố mới của Bộ Công nghiệp Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm Mỹ và Châu Âu đang đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý AI. Điều này xảy ra khi Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp Mỹ và Châu Âu, với hy vọng nâng cao lập trường của quốc gia về AI. Theo các báo cáo gần đây, Tổng thống Biden đã thúc đẩy sự phát triển các tiêu chuẩn AI ở Mỹ, còn phía Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt đến tầm cao mới, sau khi thỏa thuận tạm thời xoay quanh việc giám sát AI diễn ra suôn sẻ.

Động thái mới này cũng xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực phát triển AI, sau khi công ty OpenAI của Mỹ gây chấn động thế giới với chatbot ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022. Năm ngoái, Bắc Kinh đã tích cực đưa ra các quy định cho AI, bao gồm cả chính sách chế độ cấp phép cho các sản phẩm giống ChatGPT trong nước hoạt động có kiểm soát.

HUỲNH DŨNG(Nguồn: Reuters/Coingape/Republicworld)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận