Năm 2019, chính quyền Ấn Độ đặt mục tiêu tăng xuất khẩu điện thoại di động lên 660 triệu chiếc, trị giá 110 tỉ USD vào năm 2025. Mặc dù vậy, một năm trước thời hạn này, khối lượng xuất khẩu smartphone từ Ấn Độ chỉ dưới 10 tỉ USD mỗi năm và chiếm một phần rất nhỏ của mục tiêu.
Mặc dù Ấn Độ sản xuất số lượng lớn smartphone nhưng phần lớn chúng được tiêu thụ trong nước. Trong số các nguyên nhân, thuế nhập khẩu linh kiện cao tác động không nhỏ đến mục tiêu. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế đối với ống kính, pin và ốp lưng (từ 15% xuống 10% vào cuối tháng 1), bộ sạc và bảng mạch in vẫn phải chịu thuế 20%.
Các công ty đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang bị thu hút bởi Việt Nam - chiếm thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trong nhiều năm và hiện đã thay thế Hàn Quốc trở thành nơi xuất khẩu smartphone lớn thứ hai. Vào năm 2010, thị phần xuất khẩu smartphone của Ấn Độ và Việt Nam trên thị trường toàn cầu chưa đến 1%. Nhưng đến năm 2022, thị phần của Việt Nam tăng lên 12%, trong khi Ấn Độ đứng thứ 7 với 2,5%.
Trung Quốc vẫn dẫn đầu khi xuất khẩu một nửa số smartphone trên thế giới, nhưng xu hướng tăng trưởng ổn định từng tồn tại cho đến năm 2015 đã không còn. Các nền kinh tế xuất khẩu lớn khác gồm Hồng Kông, UAE, Cộng hòa Séc, Mỹ và Hàn Quốc.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam có thể bắt nguồn từ sự tăng trưởng thị trường smartphone Mỹ - quốc gia nhập khẩu điện thoại di động lớn nhất thế giới. Từ năm 2018 đến năm 2022, thị phần nhập khẩu smartphone vào Mỹ từ Việt Nam tăng từ 9% lên 18%. Không chỉ ở Mỹ, một số thị trường cũng nhập khẩu smartphone từ Việt Nam như Hồng Kông, Nhật Bản, UAE hay Đức.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận