1.000 tên lửa Patriot sẽ tới châu Âu thay vì Ukraine?

1.000 tên lửa Patriot sẽ tới châu Âu thay vì Ukraine?

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Ảnh: AP

Sau khi xung đột Israel - Palestine nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, nhiều báo cáo bắt đầu xuất hiện cho rằng Mỹ sẽ sớm không thể cung cấp đầy đủ đạn cho hệ thống phòng không Patriot của Ukraine.

Ngày 6/1, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho biết Washington đang gặp trở ngại trong việc cung cấp tên lửa đánh chặn cho các khẩu đội Patriot của Ukraine, trị giá khoảng 2 - 4 triệu USD mỗi khẩu.

Mỹ cũng được cho là đã cạn kiệt ngân sách cho Ukraine vì đảng Cộng hoà tại Hạ viện không sẵn sàng phê duyệt gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Kiev, nếu Chính quyền Tổng thống Joe Biden không chấp thuận đề xuất cải cách di cư sâu rộng.

Tuần trước, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young cảnh báo mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn có một số khả năng hạn chế trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev, nhưng “điều đó sẽ không thể đưa các lô thiết bị lớn vào Ukraine”.

Hôm 8/1, các nhà đàm phán tại Thượng viện đã thảo luận dự luật di cư lưỡng đảng mới nhưng đến cuối ngày, họ đã có những bất đồng đáng kể về vấn đề này. Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn gặp bế tắc với những yêu cầu nhập cư cứng rắn của mình.

Truyền thông phương Tây nhiều lần khẳng định Patriot đóng vai trò to lớn trong hệ thống phòng không của Ukraine vì chúng được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, cho đến nay Washington mới chỉ gửi một số ít hệ thống này tới Ukraine.

Tháng 11 năm ngoái, Tạp chí Phố Wall tiết lộ Lầu Năm Góc đang cạn kiệt Patriot sau cuộc khủng hoảng ở Trung Đông khiến Mỹ phải triển khai thêm 6 khẩu đội tên lửa trong khu vực. Ngoài ra, tờ New York Times nói rằng tên lửa Patriot “không hoàn hảo, thường bắn nhầm và thất bại”.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không Patriot tại sân bay Warsaw Babice, Ba Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong khi đó, NATO hôm 3/1 tuyên bố sẽ giúp liên minh các nước đồng minh, trong đó có Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha, mua tới 1.000 tên lửa Patriot để bổ sung vào kho dự trữ của riêng họ. Theo trang web chính thức của liên minh này, COMLOG, liên doanh giữa Tập đoàn quốc phòng RTX của Mỹ (trước đây là Raytheon) và nhà sản xuất tên lửa MBDA của Đức, đã được trao hợp đồng trị giá 5,5 tỷ USD.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Tôi hoan nghênh thông báo kịp thời của các đồng minh về việc đầu tư tới 1.000 tên lửa phòng không Patriot mới để tăng cường an ninh cho liên minh. Khoản đầu tư này cho thấy sức mạnh của hợp tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương và cam kết của NATO trong việc đảm bảo an toàn cho người dân của chúng ta”.

Theo nhà sản xuất, châu Âu sẽ được cung cấp 1 nghìn tên lửa tăng cường dẫn đường Patriot (GEM-T) được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình hoặc máy bay đối phương. Tờ Breaking Defense cũng tiết lộ COMLOG sẽ mở rộng sản xuất tên lửa GEM-T ở châu Âu.

Động thái này diễn ra sau khi các quốc gia thành viên EU bàn giao một số hệ thống phòng không cũ cho Kiev. Khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Đức và Hà Lan đã gửi hệ thống Patriot tới quốc gia Đông Âu này, theo sau Washington.

Ngoài ra, Mỹ và Na Uy đã gửi hệ thống tên lửa đất đối không (NASAMS) tiên tiến quốc gia tới Kiev, trong khi Đức cung cấp tên lửa IRIS-T SLM (tầm trung phóng từ mặt đất) cho quân đội Ukraine.

Báo Mỹ nhấn mạnh bất chấp việc châu Âu tái trang bị kho vũ khí, Kiev khó có thể nhận được thiết bị phòng không và đạn dược mới trong tương lai gần do thiếu vốn để mua. Điều này có thể gây bất đồng giữa các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận