Tờ Sunday Express dẫn một số nguồn tin cho biết, các cố vấn quân sự người Anh đang tổ chức huấn luyện cho một đơn vị tinh nhuệ của Ukraine, đơn vị này có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác để tái chiếm lại Crimea. Hiện có khoảng 2.000 biệt kích đang được huấn luyện và sẽ tham gia cuộc tấn công nhằm giành lại bán đảo Crimea “trước Giáng sinh năm 2023”. Lữ đoàn biệt kích này dự kiến sẽ là lực lượng thọc sâu và trong quá trình tấn công sẽ được các lực lượng khác hỗ trợ.
Các quan chức chính quyền Ukraine đã thảo luận trong nhiều tháng về kế hoạch phản công giành lại bán đảo Crimea, tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Cũng theo Sunday Express, chiến dịch tấn công này sẽ có sự phối hợp giữa các lực lượng trên không, trên bộ và trên biển. Tờ báo cũng tiết lộ, các đơn vị thiết giáp của Ukraine sẽ cố gắng chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga và quá trình tấn công sẽ được hỗ trợ bởi tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp.
Một quan chức quốc phòng giấu tên nói với Sunday Express rằng, các huấn luyện viên người Anh sẽ đào tạo cho các binh sĩ Ukraine cách sử dụng chiến thuật của NATO, để "định hình không gian chiến đấu" trước khi triển khai lực lượng cho một đòn tấn công quyết định.
Bất chấp kết quả của cuộc phản công, ông Kirill Budanov người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine hôm 29/7 vẫn đưa ra tuyên bố Ukraine sẽ sớm chiếm lại Crimea mà không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Năm ngoái, ông Kirill Budanov cũng đã đưa ra dự đoán rằng, điều này sẽ xảy ra vào mùa xuân năm 2023. Dự đoán này đã không thành hiện thực.
Giới quân sự và chuyên gia phương Tây luôn hoài nghi về khả năng Ukraine giành lại Crimea trong tương lai gần. Theo các tài liệu tình báo bị rò rỉ hồi đầu năm, giới chức tình báo Mỹ đưa ra nhận định, khó khăn về nhân lực và trang thiết bị nên chiến dịch phản công của Ukraine chỉ có thể đạt được những bước tiến khiêm tốn.
Trong khi đó, vào tháng 3/2023, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng, nếu Ukraine cố gắng chiếm lại Crimea, Moskva có thể sử dụng “mọi biện pháp bảo vệ” bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Bán đảo Crimea đã bỏ phiếu và sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý công khai. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây đều không công nhận kết quả trưng cầu dân ý này và tuyên bố sẽ giành lại bán đảo.
Chịu nhiều tổn thất cả về nhân lực và phương tiện, nhưng cho đến nay các bước tiến trong cuộc phản công của Ukraine mới chỉ đạt được một số thành tựu nhỏ. Sau gần 17 tháng xung đột, quân đội Nga vẫn đang kiểm soát hơn 1/6 lãnh thổ Ukraine.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận