Trong bối cảnh đó, những vũ khí do chính các quốc gia trong khu vực sản xuất đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Chúng không chỉ là những công cụ chiến tranh, mà còn đang góp phần mạnh mẽ trong việc định hình và làm thay đổi cục diện cuộc xung đột.
Súng chống tăng Yasin
Chiến dịch tấn công trên bộ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào Gaza bắt đầu vài tuần sau khi xung đột với Hamas nổ ra vào tháng 10/2023. Chiến dịch này đã phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là việc Hamas tận dụng rất hiệu quả mạng lưới đường hầm kiên cố, dẫn dụ lực lượng Israel vào các khu vực xây dựng sẵn, tạo ra một chiến trường phức tạp. Tại đây, Hamas tiến hành chiến tranh du kích tốn kém chống lại đối thủ, kết hợp sử dụng vũ khí nhỏ và tên lửa vác vai để tấn công, khiến cho chiến dịch của Israel gặp nhiều trở ngại và thương vong nặng nề.
Trong đó, phải kể đến Yasin, một loại súng chống tăng (RPG) có nguồn gốc từ RPG-2/RPG-7 của Liên Xô, được sản xuất tại địa phương. Lữ đoàn Al-Qassam đã đưa Yasin vào sử dụng từ năm 2004, và kể từ đó, vũ khí này đã chứng tỏ sức mạnh đáng gờm. Với tầm bắn hiệu quả lên tới 300 mét, Yasin trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tất cả các mục tiêu, từ bộ binh cho đến các phương tiện bọc thép. Ở khoảng cách gần (dưới 150 mét), nó có thể xuyên thủng lớp giáp dày tới 21 cm, kể cả những chiếc xe tăng Merkava hiện đại của Israel.
Tên lửa Popeye
Trong khi phụ thuộc nhiều vào các loại đạn dược do Mỹ sản xuất, như bom Mark 84 nặng 900 kg, để tàn phá những khu vực rộng lớn của Dải Gaza, Israel cũng sử dụng các vũ khí không kích nội địa mạnh mẽ, chẳng hạn như tên lửa Popeye nặng 1.360 kg, nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Mới đây, Popeye đã được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.
Được thiết kế bởi Công ty Quốc phòng Rafael của Israel vào giữa những năm 1980, tên lửa Popeye có tầm bắn 78 km, vượt xa hầu hết các hệ thống phòng không, và được trang bị đầu đạn nổ 340 kg hoặc đầu đạn xuyên giáp 360 kg. Vũ khí này sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, hồng ngoại hoặc TV, giúp đạt được độ chính xác cao trong mọi điều kiện.
Với tình hình căng thẳng gia tăng giữa Israel và lực lượng Houthi, cùng những lời cảnh báo liên tiếp từ các nhà lãnh đạo Israel về khả năng ám sát hàng loạt các thủ lĩnh Houthi, Popeye và các tên lửa tương tự như Rampage, Sky Sniper và Ice Breaker đã trở thành những công cụ quan trọng trong chiến lược không kích của IDF nhằm vào các mục tiêu tại Yemen.
Tên lửa Palestine-2
Không còn nghi ngờ gì nữa, vũ khí mạnh mẽ và quan trọng nhất trong kho vũ khí của Houthi để tấn công Israel chính là tên lửa Palestine-2. Đây là một loại tên lửa nhiên liệu rắn hai giai đoạn, có tầm bắn 2.150 km và đầu đạn nặng 500 kg, đạt tốc độ tối đa lên tới Mach 16. Đặc biệt, Palestine-2 được cho là có khả năng cơ động cao trong khi bay, giúp nó vượt qua những hệ thống phòng không hiện đại.
Các vụ phóng tên lửa Palestine-2 đã chứng minh khả năng của Houthi trong việc xuyên thủng hệ thống phòng không đa tầng của Israel, vốn có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Những cuộc tấn công bằng Palestine-2 vào giữa tháng 12/2024 đã gây ra những lo ngại lớn, và có thể chính điều này đã thúc đẩy Israel, cũng như Mỹ và Anh, gia tăng các cuộc không kích vào Yemen, nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ lực lượng Houthi.
Tên lửa Kheibar Shekan
Năm 2024 chứng kiến cuộc giao tranh trực tiếp, quy mô lớn đầu tiên giữa Iran và Israel, khi Tehran phát động hai đợt tấn công bằng tên lửa vào Tel Aviv – vào tháng 4 và tháng 10. Trong đó, hàng chục tên lửa đã bắn trúng mục tiêu tại các căn cứ quân sự và các địa điểm tình báo mà không bị đánh chặn.
Một trong những tên lửa đáng chú ý trong những đợt tấn công này là Kheibar Shekan, có nghĩa là “Pháo đài phá hủy”. Đây là một tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn nặng 4,5 tấn, dài 10,5 mét, với tầm bắn 1.450 km và đầu đạn 500 kg. Ngoài Israel, Iran gần đây còn sử dụng loại tên lửa này trong các chiến dịch tấn công vào các nhóm khủng bố ở Pakistan và Syria.
Thiết bị bay không người lái Hoopoe
Trong năm 2024, lực lượng Hezbollah ở Liban liên tục triển khai các thiết bị bay không người lái trinh sát Hudhud (hay Hoopoe - có nghĩa là chim đầu rìu) bay qua miền Bắc Israel, thu thập hình ảnh độ phân giải cao của các căn cứ quân sự tối mật của nước này.
Dù thông tin về đặc điểm kỹ thuật của Hoopoe, một loại thiết bị bay không người lái cỡ lớn chạy bằng tua-bin cánh quạt, không nhất quán. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là thiết bị này đã phơi bày điểm yếu của hệ thống phòng không Israel trước những thiết bị bay không người lái bay chậm và thấp. Những dữ liệu thu thập từ Hoopoe sau đó được Hezbollah sử dụng để chỉ điểm cho các cuộc tấn công bằng pháo binh và tên lửa, làm tăng thêm mối đe dọa đối với Israel.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận