Nhận diện những loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn nổi tiếng thế giới

Nhận diện những loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn nổi tiếng thế giới

Đây là loại vũ khí tích lũy tinh hoa công nghệ, chỉ các cường quốc mới có thể sở hữu khi thu nhỏ kích thước đạn tên lửa và hệ thống cảm biến đa phổ cho phép tấn công chính xác các mục tiêu bay ở cách xa có thể lên tới 300km.

Vũ khí của các cường quốc

Dòng AAM đầu tiên cần được nhắc đến và đã nổi tiếng trên toàn thế giới chính là AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Phiên bản D3 của dòng AAM này được quảng cáo có tầm bắn xa tới 180km với tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh (Mach 4). Dòng AAM dẫn đường bằng radar bán chủ động này có thể tích hợp lên hầu hết máy bay chiến đấu chuẩn NATO.

Tên lửa AIM-120 AMRAAM. Ảnh: Defense News 

Các phiên bản đầu tiên của AIM-120 đã được sử dụng rộng rãi từ thập niên 1990 với nhiều ghi nhận tấn công và tiêu diệt mục tiêu ngoài tầm nhìn.

Theo Tiến sĩ John Pike của Tạp chí GlobalSecurity.org, AMRAAM là tiêu chuẩn vàng nhờ độ tin cậy và khả năng tích hợp đa nền tảng. Tuy nhiên, tầm bắn của nó đang bị các đối thủ mới vượt mặt.

Loại AAM nổi tiếng thứ 2 chính là R-77M (tên NATO: AA-12 Adder) của Nga với tầm bắn lên tới 193km và tốc bay đạt Mach 4. Dòng tên lửa này được tích hợp rộng rãi trên các nền tảng máy bay chiến đấu Mig và Sukhoi của Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay). Trong thực tế chiến đấu đã có ghi nhận kết quả của dòng AAM này chống lại các phương tiện bay không người lái ở Syria và Ukraine. Tuy nhiên, các xác thực về bắn hạ máy bay của đối phương trong không chiến chưa được khẳng định.

Tên lửa R-77M của Nga. Ảnh: TASS 

Chuyên gia quân sự Nga Pior Butowsky nhận định: “R-77M với radar chủ động mới là nâng cấp đáng giá, nhưng Nga cần cải thiện khả năng hoạt động trong môi trường điện tử phức tạp”.

Dòng AAM tiếp theo chính là Meteor do Tập đoàn MBDA của châu Âu phát triển. Được quảng cáo có tầm bắn tối đa lên tới 300km, điểm mạnh của Meteor là ngoài khả năng dẫn đường bằng radar bán chủ động, còn có kênh liên kết thông tin giữa máy bay mang phóng và tên lửa để tấn công chính xác các mục tiêu ở tầm xa và vô hiệu hóa áp chế điện tử.

Dù chưa ghi nhận kết quả thực chiến, nhưng trong các cuộc tập trận, tên lửa Meteor được nhiều quốc gia NATO đánh giá cao. Nhận xét về tên lửa Meteor, Đại tá Justin Bronk của Viện RUSI (Anh) cho rằng: "Meteor là mối đe dọa lớn nhờ động cơ ramjet, cho phép duy trì tốc độ cao đến tận giai đoạn cuối, khiến đối thủ khó né tránh”.

Tên lửa Meteor. Ảnh: Topwar 

Một dòng AAM nổi tiếng khác chính là loại PL-15 của Trung Quốc với tầm bắn tối đa lên tới 300km. Loại tên lửa này rất nổi tiếng trong cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan mới đây. Điểm mạnh của PL-15 là hệ thống radar mảng định pha chủ động tích hợp; cơ chế điều khiển tên lửa kết nối chủ động 2 chiều giữa máy bay phóng và tên lửa.

Với tầm bắn xa, khả năng dẫn đường phức hợp, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá tên lửa PL-15 có khả năng đe dọa phương tiện bay có giá trị chiến thuật cao như máy bay tiếp liệu trên không hay máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không của đối phương.

Chuyên gia Rick Fisher (Viện Chiến lược Quốc tế của Mỹ) đánh giá: "PL-15 có tầm bắn vượt trội, đe dọa các hệ thống hỗ trợ hậu cần của đối phương. Đây là lý do Mỹ phát triển AIM-260 để đối trọng".

Tên lửa PL-15E (phiên bản xuất khẩu). Ảnh: Defense News 

Mẫu AAM Astra của Ấn Độ cũng nằm trong danh sách nhờ tầm bắn xa và tốc độ ưu thế hơn so với các mẫu tên lửa khác. Phiên bản Astra Mk2 được giới thiệu có tầm bắn 340km và tốc độ đạt Mach 4.5. Tên lửa AAM của Ấn Độ đã được tích hợp Su-30MKI và Tejas.

Trong bài thử nghiệm năm 2023, nguyên mẫu tên lửa PL-15 đã đánh trúng mục tiêu giả lập ở khoảng cách gần 90km. Nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Rahul Bedi đánh giá: "Astra Mk2 sẽ là kẻ thay đổi cuộc chơi nhờ giá thành rẻ và khả năng tùy biến, nhưng Ấn Độ cần tăng cường thử nghiệm thực địa”.

Tương lai của tên lửa AAM

Theo nhận định của Tạp chí DefenseTalk, với sự phát triển của công nghệ đối kháng điện tử nhỏ gọn có thể tích hợp lên máy bay chiến đấu hiện tại, quá trình phát triển của các dòng AAM sẽ có bước chuyển lớn khi tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, AI sẽ giúp các loại AAM hiện tại tự động nhận diện mục tiêu, tối ưu đường bay để hạn chế phụ thuộc vào cơ chế dẫn đường từ máy bay mẹ. Điều này giúp giảm khả năng bị áp chế điện tử và các phương án đối phó từ máy bay đối phương.

Bạn có thể hình dung một tên lửa tấn công thông minh có khả năng tự nhận diện và lựa chọn mục tiêu sẽ rất khó đối phó trong môi trường tác chiến thực.

Tên lửa Astra của Ấn Độ. Ảnh: Defense News

Một hướng phát triển khác của AAM chính là định hướng đối phó với chiến thuật UAV bầy đàn và chống lại các mục tiêu siêu thanh. Phần lớn các loại AAM hiện tại đều có tốc độ bay xung quanh Mach 4. Để đối phó với các mục tiêu siêu vượt âm đạt tốc độ bay tới Mach 10, quá trình tái thiết kế và chế tạo AAM sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.

Tờ Topwar nhận định, với việc phát triển của công nghệ hiện tại, AAM trong tương lai cũng có khả năng tàng hình thông qua việc ứng dụng sâu vật liệu composite phi kim loại, cũng như thiết kế hình dáng đặc biệt để khó bị phát hiện hơn, giảm phản xạ tín hiệu radar. Điều này khiến máy bay mục tiêu khó phát hiện ra đang bị tấn công và không có phương án phòng vệ phù hợp.

Tên lửa không đối không tầm xa đang định hình lại không chiến hiện đại, nơi ưu thế thuộc về bên sở hữu công nghệ vượt trội. Trong khi AIM-120 và Meteor dẫn đầu về công nghệ, PL-15 và Astra thể hiện tham vọng của Trung Quốc và Ấn Độ. Tương lai, cuộc đua phát triển AAM sẽ tập trung vào tích hợp AI, mở rộng tầm bắn và khả năng đa nhiệm.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận