Bên trong nhà máy sản suất 30.000 quả đạn pháo một tháng cung cấp cho Ukraine

Bên trong nhà máy sản suất 30.000 quả đạn pháo một tháng cung cấp cho Ukraine

Chú thích ảnh
Robot điều khiển bằng máy tính tại nhà máy sản xuất đạn pháo General Dynamics mới ở Mesquite, Texas. Ảnh: NYT

Trong một nhà máy gần Xa lộ Lyndon B. Johnson, ở ngoại ô Dallas, hạ tầng sản xuất đạn dược của quân đội Mỹ đang dần hình thành.

Tại đây, trong nhà máy vũ khí lớn đầu tiên của Lầu Năm Góc được xây dựng kể từ khi xung đột Ukraine - Nga bùng phát, các công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đội mũ bảo hiểm màu cam đang bận rộn mở các thùng gỗ có khắc tên Repkon - một công ty quốc phòng có trụ sở tại Istanbul, lắp ráp các robot và máy tiện điều khiển bằng vi tính. Nhà máy này sẽ sớm đi vào sản xuất khoảng 30.000 quả đạn pháo mỗi tháng cho các loại pháo 155 ly vốn đã trở thành cực kỳ quan trọng trong nỗ lực chiến đấu của Kiev.

Theo Tổng thư ký NATO, Ukraine đã bắn từ 4.000 đến 7.000 quả đạn pháo 155 ly mỗi ngày trong nhiều tháng của năm 2023, trước khi bế tắc tại Hạ viện Mỹ cản trở các chuyến hàng viện trợ vũ khí của Lầu Năm Góc. Các chuyến hàng đạn pháo của Mỹ đã được nối lại vào tháng 4 sau khi Quốc hội thông qua gói viện trợ tổng thể, bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine.

Để tiếp tục cung cấp cho các khẩu đội pháo Ukraine, Lầu Năm Góc đã đặt mục tiêu sản xuất vào năm ngoái là 100.000 quả đạn mỗi tháng cho đến cuối năm 2025. Các nhà máy ở Scranton và Wilkes-Barre, bang Pennsylvania sản xuất khoảng 36.000 quả đạn mỗi tháng. Cơ sở mới của General Dynamics ở Mesquite, Texas, sẽ sản xuất 30.000 quả mỗi tháng khi chạy hết công suất.

Mục tiêu 100.000 quả đạn mỗi tháng tương đương mức tăng sản lượng gần gấp 10 lần so với vài năm trước.

Chú thích ảnh
Một chồng 21 quả đạn pháo bằng thép xếp hình kim tự tháp trên một tấm pallet. Ảnh: NYT

Chưa đầy một năm trước, khu vực quanh nhà máy ở Texas chỉ là một bãi đất trống. Nhưng với hàng triệu USD được Quốc hội Mỹ cho phép chi và sự giúp đỡ từ Repkon (Thổ Nhĩ Kỳ), công ty quốc phòng General Dynamics của Mỹ đã có thể vận hành nhà máy chỉ sau khoảng 10 tháng kể từ khi động thổ.

William A. LaPlante, quan chức hàng đầu tại Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ đã cung cấp hơn 3 triệu quả đạn pháo 155 mm cho Kiev kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, liệu chỉ riêng việc tăng cường sản xuất đạn pháo có đủ để thay đổi kết quả trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine hay không thì vẫn chưa rõ.

Michael Kofman, chuyên gia về quân sự Nga và là thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie Vì Hòa bình quốc tế, cảnh báo: “Việc gia tăng sản xuất đạn pháo có ý nghĩa quan trọng đối với nhu cầu lâu dài của Mỹ và Ukraine. Tôi có thể nói rằng mục tiêu sản lượng vào cuối năm 2025 đề ra sẽ đến muộn trong cuộc chiến này, và có khả năng sản lượng pháo binh của Nga vẫn sẽ cao hơn Mỹ và châu Âu cộng lại vào thời điểm đó”.

Ông Kofman nói thêm: “Giả sử một năm rưỡi nữa, cả Mỹ và châu Âu mỗi bên đều sản xuất hoặc mua hơn một triệu quả đạn pháo. Con số đó có lẽ vẫn còn ít hơn mức mà Nga sẽ sản xuất trong năm nay”.

Nhà máy Mesquite bao gồm ba dây chuyền sản xuất ở các tòa nhà khác nhau. Khi cả ba dây chuyền hoàn thành, hầu hết công nhân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ về nước. Một nửa lực lượng lao động tại chỗ sẽ đến từ một nhà máy khác của General Dynamic.

Các quan chức của công ty cho biết, nhà máy Mesquite sẽ bổ sung khoảng 350 việc làm cho nền kinh tế địa phương khi đạt hết công suất sản xuất vào năm tới.

Có thể mất nhiều ngày để rèn vỏ đạn pháo tại các nhà máy hiện tại của quân đội Mỹ ở Pennsylvania, nơi sử dụng kết hợp các công nghệ mới và cũ đã gần một thế kỷ để nung nóng và ép phôi thép thành vỏ đạn. Nhưng nhà máy mới ở Mesquite thì ứng dụng công nghệ mới hơn, rút ngắn thời gian.

Thời gian quay vòng ngắn hơn là nhờ sử dụng một thiết bị gọi là máy tạo dòng chảy - một cỗ máy bên có kích thước gần bằng một chiếc xe buýt quay một chiếc cốc thép nặng 60kg ở tốc độ cao đồng thời ép nó cho đến khi nó trở thành một khối trụ dài. Kể từ đó, robot sẽ thực hiện phần lớn công việc còn lại.

Chú thích ảnh
Vỏ đạn pháo ở các giai đoạn sản xuất khác nhau tại nhà máy Mesquite. Ảnh: NYT

Một loạt cánh tay robot màu cam giống hệt nhau lấy các bộ phận đạn kim loại từ một máy và đặt chúng trên các xe đẩy tự động nhỏ để đưa chúng đến trạm tiếp theo, nơi một robot kẹp khác trượt dọc theo đường ray bắt đầu giai đoạn tiếp theo của quá trình sản xuất.

Máy quét laser đã thay thế mắt người và các dụng cụ cầm tay để kiểm tra vỏ đạn từ trong ra ngoài, nhanh chóng xác minh rằng đạn có nằm trong thông số kỹ thuật mong muốn hay không.

Sau khi hoàn thành, những chiếc vỏ đạn pháo rỗng được sản xuất tại Mesquite sẽ được chuyển đến cơ sở duy nhất của quân đội Mỹ để nạp chất nổ – một nhà máy từ thời Thế chiến thứ hai ở Burlington, bang Iowa. Tuy nhiên, trong năm tới, nhiều quả đạn pháo sẽ được gửi đến một nhà máy General Dynamics mới khác đang được xây dựng ở Camden, bang Arkansas.

Sau khi hoàn thành, một quả đạn pháo không được dẫn đường sẽ dài khoảng 90cm, nặng 45kg, trong đó có hơn 10kg chất nổ, đủ làm chết người trong vòng 45 mét và gây thương tích ở khoảng cách 120 mét.

Hiện nay các nước châu Âu cũng đang tăng cường sản xuất đạn pháo và các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang đàm phán với chính phủ Ukraine để tìm cách giúp Kiev củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận