Nhân kỷ niệm Ngày Phòng không của Quân đội Nga, Tạp chí Góc nhìn đã đưa ra những thông tin, đánh giá cụ thể về quá khứ, hiện tại và tiềm lực của lực lượng phòng không của Moscow.
Một trong những quốc gia có hệ thống phòng không đầu tiên trên thế giới
Ngày 8-12-1914, Tư lệnh Tập đoàn quân số 6 bảo vệ thành phố Petrograd (nay là Saint Peterburg), Thiếu tướng K.P. Van der Fleet đã ký một văn bản có tiêu đề "Hướng dẫn về hàng không ở khu vực Tập đoàn quân số 6". Thiếu tướng Georgy Vladimirovich Burman được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phòng, chống máy bay quân sự của đối phương.
Sa quốc Nga (Đế quốc Nga) là quốc gia duy nhất có lực lượng phòng không thủ đô được tổ chức trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và cũng là một trong các quốc gia tổ chức các đơn vị phòng không với trang bị chuyên biệt đi đầu trên thế giới.
Ngay từ ngày 25-4-1918, nhà lãnh đạo quân sự của vùng Moscow đã ban hành Lệnh số 01, trong đó chỉ thị thành lập Cục Phòng không Moscow. Tài liệu này nêu rõ rằng, “với các nguồn lực sẵn có, cần phải bắt đầu tổ chức phòng không, tổ chức các phân đội không quân trực chiến và chuẩn bị hệ thống thông tin liên lạc và tín hiệu cả ngày lẫn đêm”.
![]() |
Hệ thống phòng không của Nga được kết thừa và phát triển những khả năng đặc điểm chiến thuật từ thời Liên Xô. Ảnh: Rian |
Và truyền thống đó đã được giữ gìn và phát triển trong thời Liên Xô với những thăng trầm trong cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh. Tới tận ngày nay, Nga - với vai trò là quốc gia kế thừa Liên Xô - vẫn duy trì sức mạnh phòng không hàng đầu thế giới kể cả về chất lượng và số lượng đủ để bao phủ lãnh thổ rộng lớn.
Theo đánh giá của Tạp chí quân sự Topwar, chỉ tính riêng trong cuộc xung đột tại Ukraine từ năm 2022 tới nay, lực lượng phòng không Nga đã ngăn chặn tổng cộng 60.000 mục tiêu trên không. Phần lớn chúng là máy bay không người lái (UAV), nhưng cũng có các loại vũ khí đạn đạo và tên lửa hành trình được phương Tây viện trợ cho Ukraine tham gia xung đột.
Tạp chí Góc nhìn nhận định, chiến dịch quân sự đặc biệt đã mang đến cơ hội tích lũy kinh nghiệm vô giá trong việc sử dụng vũ khí phòng không trong chiến đấu, cũng như kinh nghiệm chiến đấu cho tất cả chuyên gia, từ người lái xe đặc chủng hạng nặng, các kíp trắc thủ và sĩ quan chỉ huy trong hệ thống phòng không các cấp.
Số lượng hoạt động chiến đấu của lực lượng phòng không cũng giống như tích lũy giờ bay của không quân giúp thu thập được số liệu thống kê quan trọng để phân tích hiệu quả và xác định điểm mạnh, điểm yếu của vũ khí của đối phương, lẫn khí tài có trong trang bị. Các nhà phát triển quân sự Nga đã có được nhiều ý tưởng mới để nâng cấp máy bay, trạm radar, hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống điều khiển. Chiến thuật tác chiến cũng được thay đổi phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực cần được phát triển và cải thiện thêm. Đặc biệt, những vấn đề nghiêm trọng như thiếu máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS), khả năng phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống phòng không hợp nhất đang được liên tục thay đổi để tối ưu khả năng tác chiến tổng thể.
Thay đổi để thích nghi với phương thức chiến tranh bất đối xứng
Tờ Lenta của Nga cho rằng, UAV đã thay đổi chiến thuật tác chiến tấn công trên không và tác chiến phòng không. Tuy nhiên, nhờ có sự ứng biến kịp thời của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, Quân đội Nga đã nhanh chóng có những biện pháp đối phó. Cụ thể như tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-SMD với tên lửa siêu nhỏ TKB-1065. Hệ thống này được thiết kế chuyên biệt để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng với tên lửa phòng không dẫn đường 9M333 và tên lửa siêu nhỏ 9M340 do Tập đoàn Kalashnikov phát triển.
Tương lai thuộc về những hệ thống phòng không có khả năng chống lại UAV một cách hiệu quả và có khả năng tự vệ trước các đòn tấn công bất ngờ. Điều này có nghĩa các tổ hợp phòng không phải có trang bị đối phó hoặc ngăn chặn UAV ở tầm cực gần. Đây có thể là các loại tên lửa siêu nhỏ, súng bắn đạn thông minh, súng laser.
Phòng không là lĩnh vực của lý thuyết xác suất. Trong tác chiến phòng không không thể xác định chính xác tỷ lệ đánh trúng mục tiêu, mà đơn giản là xác suất bắn trúng mục tiêu bằng một tên lửa hoặc một loạt tên lửa là bao nhiêu %. Chuyên gia quân sự Igor Garnov cho rằng, hệ thống phòng không hiện đại của Nga có thể tấn công và phá hủy mục tiêu kể cả trong môi trường đối kháng điện tử mạnh vào khoảng 80-95% bằng một tên lửa và con số này tăng lên 96-99,8% bằng một loạt tên lửa dẫn đường.
![]() |
Chính thực chiến đã giúp phòng không của Nga điều chỉnh và phát triển vũ khí, chiến thuật mới phù hợp, trong đó có các phương án đối phó với UAV. Ảnh: TASS |
Tuy nhiên, con số này không chính xác với UAV. Một tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại có thể bị vô hiệu hóa bởi 1 hoặc 1 vài UAV tự sát dù tỷ lệ đánh chặn nó có thể lên tới 99%. Tuy nhiên, khi bị tấn công dạng UAV bầy đàn, tổ hợp vũ khí sẽ nhanh chóng bị quá tải và bị vượt qua.
Một yếu tố khác cần tính đến là khả năng bù đắp tiêu hao trang bị trong chiến đấu. Trong vài năm qua, phòng không của Nga “tiêu thụ” khoảng 150 đạn tên lửa mỗi ngày. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga vẫn có thể đáp ứng. Đó là điều khác biệt đã được thử nghiệm và duy trì từ thời Liên Xô để giúp đất nước duy trì khả năng chiến đấu trong dài hạn.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận