Cách sử dụng “bách phát bách trúng” tên lửa ATACMS trên chiến trường Ukraine

Cách sử dụng “bách phát bách trúng” tên lửa ATACMS trên chiến trường Ukraine

Sức mạnh hệ thống ATACMS mang đầu đạn chùm

Theo nguồn tin từ giới chức Mỹ, Washington có thể sắp cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), một loại vũ khí tầm xa mà Kiev đã mong muốn từ lâu.  

Tên lửa tầm xa ATACMS, được trang bị đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn chùm, sẽ cho phép lực lượng Ukraine nhắm đến các mục tiêu ở khoảng cách xa 460km, vượt qua tầm bắn 410km của tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp cho Ukraine.

Khoảng cách này giúp Ukraine duy trì áp lực lên các mục tiêu có giá trị cao của Nga như căn cứ không quân. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đánh giá rằng, để đánh trúng mục tiêu của Nga, Ukraine cần có thông tin tình báo kịp thời và nhắm mục tiêu chính xác.

Sau nhiều tháng từ chối đề nghị của Ukraine, Tổng thống Joe Biden được cho là đã thông báo với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa tầm xa để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trước đó, các quan chức Mỹ viện dẫn mối lo ngại về việc kho dự trữ ATACMS của Mỹ cạn kiệt là lý do để không gửi loại tên lửa này tới Ukraine, nhưng quyết định cung cấp cho Ukraine đạn chùm hồi đầu năm nay đã mở rộng phạm vi đầu đạn dành cho ATACMS.

Tùy thuộc vào biến thể, đầu đạn chùm của ATACMS có thể mang theo từ 300-950 quả đạn con có tầm bắn khoảng 24-300km. ATACMS với đầu đạn phân mảnh có tầm bắn tương tự.

ATACMS có thể được phóng từ các bệ phóng HIMARS và hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270 mà Ukraine đã có. Điều này nghĩa là tên lửa ATACMS sẽ bổ sung sức mạnh cho các phương tiện tấn công khác của Ukraine.

“ATACMS chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho các căn cứ không quân ở tiền tuyến của Nga cũng như những căn cứ đang hoạt động ở các thành phố như Berdyansk”, Michael Kofman, nhà phân tích quốc phòng và là học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho biết.

Các máy bay trực thăng tấn công của Nga, đặc biệt là Ka-52 Alligator, phát huy hiệu quả ở miền Nam Ukraine, nơi Kiev tiến hành phản công vào đầu tháng 6.

Vào giữa tháng 6, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã tăng cường các máy bay trực thăng tấn công trong khu vực. Tới cuối tháng 7, cơ quan này đánh giá Ka-52 là “một trong những vũ khí có ảnh hưởng nhất của Nga” trong khu vực và khiến Ukraine phải chịu nhiều tổn thất.

Các chuyên gia cho biết, để chống lại các mục tiêu phân tán, cho dù đó là hệ thống phòng không hay máy bay trực thăng, ATACMS được trang bị đạn chùm có thể sẽ hiệu quả hơn các loại vũ khí khác mà Ukraine có.

“Thực sự không có hệ thống nào khác ngoài ATACMS có thể cung cấp khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu trong khu vực. Nếu muốn nhắm vào một mục tiêu được phân bổ rộng rãi hơn, chẳng hạn như dàn tên lửa đất đối không của Nga, thì rất khó để phá hủy toàn bộ hệ thống đó nếu chỉ sử dụng tên lửa có một đầu đạn phân mảnh”, nhà phân tích quân sự Colby Badhwar cho hay.

Cách sử dụng ATACMS hiệu quả trên chiến trường

ATACMS được phóng từ các bệ phóng HIMARS và M270 mà Ukraine thiết lập gần tiền tuyến, cùng với tốc độ nhanh hơn, sẽ có chu kỳ nhắm mục tiêu ngắn hơn so với tên lửa hành trình khác.

“Giả sử rằng bạn đã xác định được mục tiêu và biết tọa độ là gì, ATACMS sẽ phản ứng nhanh hơn nhiều với mục tiêu và bạn cần phải bắn trúng mục tiêu đó càng sớm càng tốt”, chuyên gia Badhwar nói.

Tuy nhiên, việc thu thập thông tin mục tiêu không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Việc tìm kiếm và đánh trúng các mục tiêu cách tiền tuyến hàng chục km có thể sẽ khó khăn đối với Ukraine.

“Để tấn công các mục tiêu trong thời gian cụ thể, cần có thông tin tình báo, giám sát và trinh sát cũng như nhắm mục tiêu để có thể tìm và xác định các mục tiêu này”, ông Kofman nói.

Theo ông Kofman, Mỹ có thể hỗ trợ Ukraine việc nhắm mục tiêu, nhưng điều đó có thể sẽ tạo ra một quá trình rất chặt chẽ như thu thập thông tin, chuyển tiếp cho lực lượng Ukraine và sau đó đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện tại, quân đội Nga chưa đưa ra bình luận về tính hiệu quả của hệ thống ATACMS trên chiến trường.

Trước đó, Ukraine đã sử dụng HIMARS do Mỹ cung cấp kể từ tháng 6/2022. Các nhà quân tích và quan sát đã đánh giá cao hiệu quả của hệ thống này trên chiến trường ở Ukraine. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, Nga đã có cách đối phó với các cuộc tấn công bằng HIMARS và thay đổi chiến lược nhằm tránh tác động của các cuộc tấn công bằng hệ thống này.

Tương tự, “các chỉ huy Nga có thể thích nghi với hệ thống ATACMS và thay đổi chiến thuật sớm hơn nếu lực lượng tình báo của họ phát hiện ra tên lửa trước khi chúng được sử dụng”, chuyên gia Badhwar nói, lưu ý rằng hệ thống ATACMS cũng có thể dễ bị phòng không Nga tấn công.

Các nhà phân tích nhận định, mặc dù ATACMS khó có thể giúp Ukraine thay đổi diễn biến trên chiến trường, nhưng giá trị và tác động của hệ thống này sẽ phụ thuộc vào cách Ukraine sử dụng.

“Điều đó phụ thuộc vào khả năng tìm và xác định mục tiêu trong phạm vi. Sự phối hợp chặt chẽ của các binh sĩ có thể giúp kích hoạt việc nhắm mục tiêu chính xác hơn. Bên cạnh đó, một yếu tố nữa là số lượng hệ thống được cung cấp”, ông Kofman nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận