Lý do Mỹ mua lượng lớn máy bay cũ thời Liên Xô từ Kazakhstan

Lý do Mỹ mua lượng lớn máy bay cũ thời Liên Xô từ Kazakhstan

Chú thích ảnh
Máy bay Su-30 do Nga sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vài năm trở lại đây, Kazakhstan đã dần thay thế phi đội máy bay chiến đấu lỗi thời do Liên Xô sản xuất bằng các phiên bản hiện đại, chẳng hạn như máy bay đa năng Su-30SM của Nga và đang thảo luận với các nhà sản xuất phương Tây để tìm nguồn cung máy bay chiến đấu phù hợp.

Là một phần của quá trình này, vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Kazakhstan đã thông báo sẽ bán đấu giá 117 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thời Liên Xô. Chúng bao gồm máy bay đánh chặn MiG-31, máy bay ném bom MiG-27, máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay ném bom Su-24 được sản xuất trong những năm 1970 và 1980. Giá trị ban đầu của cuộc đấu giá là một tỷ tenge (1,5 triệu USD).

Việc rao bán chỉ ra rằng những chiếc máy bay đang trong tình trạng không thể sử dụng được, quá trình nâng cấp chúng được coi là không thực tế về mặt kinh tế và tiện ích của chúng như một nguồn cung cấp phụ tùng thay thế bị hạn chế.

Mặc dù vậy, trang tin tiếng Anh Reporter.ru của Nga và kênh Telegram Insider UA của Ukraine đã đưa tin rằng Mỹ gần đây đã mua 81 máy bay thông qua các bên trung gian nước ngoài. Trong số các máy bay được chuyển giao theo kế hoạch có MiG-27, MiG-29 và Su-24.

Lý do mua các máy bay trên không được công bố nhưng ngày càng có nhiều đồn đoán rằng, vì các loại máy bay này đều đang phục vụ trong quân đội Ukraine nên có khả năng cuối cùng chúng sẽ được chuyển cho Kiev. Đề xuất được đưa ra là các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tháo rời chúng để lấy phụ tùng thay thế hoặc thậm chí sử dụng khung máy bay cũ làm "mồi nhử" cũng như mục tiêu giả tại các sân bay để đối phó với các cuộc tấn công của Nga.

Trước đây, các đồng minh và đối tác phương Tây của Ukraine đã mua hoặc chuyển giao rất nhiều thiết bị quân sự thời Liên Xô để hỗ trợ và bổ sung cho các loại vũ khí của Ukraine.

Có vẻ như Kazakhstan đang tăng cường quan hệ với các quốc gia phương Tây và tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc về quân sự vào Nga, với các chuyến đi và đến Astana của các chính trị gia thuộc các quốc gia được coi là không thân thiện với Moskva.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đến thăm Đức vào mùa thu năm 2023 và nhấn mạnh rằng Astana “đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ tuân theo chế độ trừng phạt của phương Tây [nhằm vào Nga]”. Ông Tokayev cũng cho biết Kazakhstan không “chống Nga” và coi trọng “sự hợp tác toàn diện với Nga, nước mà chúng tôi có chung đường biên giới dài thứ hai trên thế giới”.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron đã đến thăm Kazakhstan và ký kết các thỏa thuận về thương mại, giáo dục, môi trường và khoáng sản. Ông Cameron đề cập rằng Kazakhstan được bao quanh bởi các nước láng giềng - Nga, Trung Quốc, Afghanistan và Iran và cho biết London sẽ hỗ trợ để giải quyết các vấn đề nảy sinh ở khu vực này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận