Trong hoạt động tác chiến của lực lượng không quân, để bảo đảm khả năng cất và hạ cánh của các máy bay chiến đấu phải có một đường băng đủ dài và các hệ thống hỗ trợ không lưu tốt. Việc cất và hạ cánh trên tàu sân bay là công việc khó khăn, đòi hỏi kĩ thuật cao của phi công. Do hạn chế về kích thước đường băng, sự dao động của mặt boong tàu do tác động của sóng biển, nên việc cất và hạ cánh gặp rất nhiều trở ngại. Để cất cánh máy bay cần phải có đường chạy đà đủ dài, nhưng trên tàu sân bay, quá trình này được rút ngắn nhờ hệ thống máy phóng hơi nước (trên tàu sân bay của các nước phương Tây) hoặc dốc phóng (đối với tàu sân bay của Nga). Trên tàu sân bay của phương Tây, càng trước của máy bay chiến đấu được gá vào thanh trượt của máy phóng, trong khi động cơ máy bay được bật lên chế độ hoạt động tối đa. Khi thanh trượt được phóng đi sẽ tạo gia tốc, cùng với động cơ máy bay “tiếp sức”, giúp máy bay có đủ gia tốc cần thiết để cất cánh. Trên tàu sân bay của Nga, gia tốc cất cánh cho máy bay được tạo ra một phần nhờ động năng do động cơ máy bay tạo ra và lực nâng tại dốc phóng.
Việc hạ cánh trên tàu sân bay còn nguy hiểm và phức tạp hơn. Trên biển, việc xác định khoảng cách và vị trí hạ cánh trên tàu sân bay rất khó khăn. Ngoài ra, mặt boong tàu luôn dao động do tác động của sóng biển, nên phi công rất khó để xác định vị trí đáp và khi đáp, máy bay dễ bị trượt xuống biển. Trong thân hoặc ở đuôi của các máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay đều được trang bị móc hãm. Trên sàn tàu sân bay được bố trí từ 6-8 dây cáp đặt song song, có tác dụng neo móc hãm bám vào để giữ máy bay lại. Các dây cáp này sẽ triệt tiêu gần như ngay lập tức tốc độ của máy bay để chúng đậu lại trên boong. Sự khác biệt so với hạ cánh trên đất liền là thường khi hạ cánh máy bay sẽ giảm tốc và chế độ làm việc của động cơ, nhưng khi hạ cánh trên tàu sân bay, máy bay lại phải tăng tốc và động cơ máy bay hoạt động ở chế độ cao để bảo đảm nếu dây cáp hãm tốc bị đứt hoặc móc hãm không móc được vào dây cáp, nó vẫn đủ gia tốc để tiếp tục cất cánh ngay và tiến hành hạ cánh lần tiếp theo. Việc hạ cánh trên tàu sân bay rất khó trong đêm tối, các phi công có khả năng thực hiện nhiệm vụ này thường có biệt danh “Cú vọ”.
TUẤN SƠN
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận