Sau khi phát động Chiến dịch Barbarossa, người Đức đã bị sốc khi phát hiện ra Hồng quân Liên Xô có những chiếc xe tăng mà họ không thể làm gì được. Đó là xe tăng KV-1, xe tăng này gần như bất khả chiến bại, vì hầu hết các loại vũ khí của Đức Quốc xã không thể làm gì được nó.
Được đặt theo tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Kliment Voroshilov, xe tăng hạng nặng KV-1 ra đời trước chiến tranh Liên Xô - Phần Lan và đã tham gia trong cuộc chiến này. Xe tăng KV-1 đã chống lại rất hiệu quả các loại vũ khí chống tăng và pháo binh của Phần Lan. Tuy nhiên khẩu 76 mm của nó lại bất lực trong việc phá huỷ các lô cốt và boongke của đối phương.
Khi chiến tranh Xô - Đức nổ ra, KV-1 bắt đầu tham chiến, ngay lập tức nó trở thành loại xe tăng hạng nặng mạnh nhất thế giới khi đó, vượt qua cả loại tăng hạng nặng Char B1 của quân đội Pháp. Quân đội Đức Quốc xã đã đặt tên cho KV-1 biệt danh là "Giant Colossus", nghĩa là đấu sĩ khổng lồ.
Nỗi sợ hãi của quân Đức
Thời gian đầu của cuộc chiến tranh, hơn 400 xe tăng KV-1 đã được triển khai để đối đầu với xe tăng Đức Quốc xã. Các xe tăng chủ lực của Đức vào thời điểm đó, như Panzer III và Panzer IV không thể sánh được với KV-1 của Liên Xô..
Các vũ khí chống tăng của Đức không thể tiêu diệt được những con "quái vật Nga" hay "bóng ma" này, như cách gọi của người Đức. Cách duy nhất là phải tiến đến gần KV-1 khoảng 500 m mới có thể tiêu diệt được nó, nhưng điều này không khác gì tự sát.
Một biện pháp hiệu quả khác, nhưng khá phức tạp là tránh đụng độ trực tiếp với KV-1 và kêu gọi sự hỗ trợ của không quân, hoặc sử dụng súng phòng không 88 mm thì mới có thể chiến đấu được với con quái vật này ở khoảng cách xa.
Hầu hết lính Đức lúc đó rất sợ loại xe tăng này. Có nguồn tư liệu ghi là khi quân đội Liên Xô tịch thu vũ khí của Đức, họ thấy dòng chữ được nguệch ngoạc ghi rằng “chỉ nhằm KV mà bắn”. Qua đó có thể thấy sự thành công rất lớn của xe tăng KV lúc đầu chiến tranh.
Một người lính Đức cho biết “Tin đồn về những con quái vật bọc thép này khiến chúng tôi khiếp sợ. Thông tin về kích thước và khả năng bất khả xâm phạm của KV-1 khiến chúng tôi nghĩ chiếc xe tăng này như những pháo đài không thể phá hủy”.
Giai đoạn đầu của cuộc chiến đã ghi nhận nhiều tình tiết về những hành động dũng cảm của kíp xe tăng KV-1. Đó là vào tháng 6/1941, gần thành phố Raseiniai của Litva, một chiếc xe tăng KV-1 đã giao chiến với toàn bộ Sư đoàn xe tăng số 6 của Đức.
Khi đó, Sư đoàn tăng số 6 của Đức đã chạm chán Sư đoàn tăng số 2 của Hồng quân Liên Xô ở thành phố Raseiniai. Trong lúc trận chiến đang diễn ra, một chiếc tăng KV-1 đột nhiên xuất hiện ở phía sau lưng quân Đức và cắt đứt tuyến đường liên lạc giữa hai nhóm quân Đức.
Chiếc xe tăng KV-1 án ngữ ngay giữa con đường và làm tê liệt việc di chuyển của quân Đức, khẩu súng máy trên chiếc KV-1 bắn cháy 12 xe tải tiếp vận. Quân Đức dùng súng chống tăng 50 mm để hạ chiếc xe tăng này nhưng bất thành, hỏa lực đáp trả từ xe KV-1 còn tiêu diệt toàn bộ các khẩu đội chống tăng cả người lẫn súng, "quái vật Nga" chỉ bị hạ sau khi trúng đạn từ khẩu súng máy phòng không 88mm của quân Đức.
Những hạn chế
Mặc dù xe tăng hạng nặng KV-1 có thể chống lại hầu hết các loại vũ khí của Đức, nhưng nó không được coi là xe tăng tốt nhất trong Thế chiến 2. Tuy được bọc thép bảo vệ hoàn hảo và trang bị vũ khí tốt, song KV-1 lại di chuyển chậm chạp. Bên cạnh đó, bộ truyền động và bộ lọc khí chất lượng kém nên thường dẫn đến tình trạng hỏng hóc, phải sửa chữa liên tục, nhiều kíp xe phải bỏ lại chúng trên dọc đường.
Mặt khác, những chiếc xe tăng KV-1 khổng lồ cũng là mối đe dọa thực sự đối với cầu đường. Sau khi “con quái vật” nặng 45 tấn vượt qua những con đường này, các thiết bị quân sự khác gần như không thể tiếp tục di chuyển trên con đường đó được nữa.
Các nhà thiết kế Liên Xô đã cố gắng khắc phục tất cả những điểm yếu này và vào mùa xuân năm 1942, phiên bản hiện đại hóa KV-1S đã ra đời. Nó nhẹ hơn (chỉ 42,5 tấn) và có lớp giáp bên mỏng hơn một chút (60 mm thay vì 75 mm), tốc độ được cải tiến lên 45 km/h. Mặc dù vậy, KV-1S vẫn bất khả xâm phạm trước hỏa lực của đối phương.
Trong suốt cuộc chiến tranh, có khoảng 4.500 chiếc KV-1 và 350 chiếc KV-2 được chế tạo trong tổng số 14.000 xe tăng hạng nặng của quân đội Liên Xô. Về sau, quân đội Liên Xô thiết kế ra được xe tăng hạng trung T-34 với trọng lượng nhẹ hơn, tốc độ nhanh hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn, sở hữu sức mạnh vượt trội trước các xe tăng Đức trên chiến trường, nên KV được sử dụng khá hạn chế và chỉ được sử dụng để huấn luyện. Vào những năm cuối chiến tranh, dòng KV được sử dụng để làm nền tảng thiết kế ra xe tăng hạng nặng IS.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận